Ba “hòn vọng phu” giữa đời thường

Thứ hai, ngày 26/07/2010 14:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mất chồng con, mẹ Trần Thị Vơn, 98 tuổi, làng Gia Thiện, Lộc Hà, Hà Tĩnh và hai người con dâu sống tựa vào nhau trong một căn nhà nhỏ, ngày đêm hương khói cho vong linh liệt sĩ.
Bình luận 0
img
Người chú ruột - cụ Nguyễn Trọng Nuôi (đứng giữa) cảm động khi kể về tình cảm của mẹ Vơn và hai người con dâu.

Quá khứ khốc liệt...

Trong căn nhà thiếu hơi ấm đàn ông, chỉ có ba người phụ nữ già yếu ngồi đối diện với ba di ảnh trên chiếc ban thờ nghi ngút khói hương. Mẹ Vơn nhớ lại, chồng mẹ, liệt sĩ chống Pháp Nguyễn Trọng Dương (SN 1905) hy sinh khi mẹ vừa tròn 40 tuổi.

Lặn lội thân cò, đến năm 1954 thì mẹ hỏi vợ cho anh Nguyễn Trọng Khương là chị Phan Thị Thíu, người cùng làng và sinh cho mẹ một đứa cháu đích tôn. Năm 1959 anh Nguyễn Trọng Khương lên đường nhập ngũ. Ngày anh lên đường mẹ chỉ biết gạt nước mắt động viên rằng: Con lo giữ gìn sức khỏe đợi ngày chiến thắng trở về.

Hơn 3 năm ngóng đợi tin con, đến năm 1962 anh Khương xuất ngũ rồi lại tái ngũ vào chiến trường biền biệt tới tận năm 1972 mới về phép lần đầu. Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng anh gặp lại mẹ và vợ, con, người thân thích…

Năm 1962, cũng vào dịp cả nhà sum họp mẹ đã hỏi vợ cho người con trai thứ hai là anh Nguyễn Trọng Tương. Tuy nhiên, được 3 năm anh Tương đã phải xa người vợ trẻ theo tiếng gọi tiền phương lên đường nhập ngũ.

Trong một trận chiến ác liệt ở Quảng Trị, anh Tương hy sinh vào ngày 26-12-1968. Trước đó một ngày, anh Tương đã rất bất ngờ gặp anh trai Nguyễn Trọng Khương giữa chiến trường bom đạn ác liệt, trong lúc anh Khương làm Trưởng ban tác chiến Sư đoàn 341 trên đường hành quân vào Nam.

Cuộc gặp gỡ của hai anh em chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 5 phút tại mặt trận Gio Linh (Quảng Trị), anh Khương chỉ kịp tặng em một chiếc bút máy Kim Tinh và một chiếc thắt lưng da- kỷ vật giúp gia đình tìm được mộ sau khi anh Tương hy sinh.

Nghĩa tình mẹ con son sắt

Làng Gia Thiện ngày đó nghèo đói xác xơ, đến bây giờ mẹ cũng không thể hình dung nổi mẹ đã nuôi được hai anh bằng cách nào. Trong nỗi đau day dứt của mẹ còn có một người con gái út lâm bệnh chết khi còn nhỏ do không có tiền chạy thuốc

Sau khi nhận được tin báo tử của anh Tương, mẹ Vơn đã khóc rất nhiều. Lúc này vợ anh Tương là chị Nguyễn Thị Chắt mới tròn 25 tuổi. Thương con dâu không chồng không con khi cuộc đời còn quá trẻ, mẹ động viên con dâu đi lấy chồng nhưng chị Chắt thề ở vậy nuôi mẹ suốt đời.

Ngày thống nhất đất nước, mẹ khấp khởi chờ tin anh Khương, chiều nào mẹ cũng dắt cháu ra ngõ mong ngóng chờ con. Vậy mà, mẹ nhận được “hung tin” báo tử, anh Khương hy sinh trước giờ giải phóng Sài Gòn có nửa ngày. Một lần nữa mẹ không còn nước mắt để khóc.

Nén nỗi đau, mẹ lại tiếp tục động viên hai người con dâu, đồng thời chèo chống gia đình nuôi hai con của liệt sĩ Nguyễn Trọng Khương khôn lớn. Cháu mẹ giờ đã thành sĩ quan quân đội, công an. Ngồi trước ban thờ, mẹ tâm sự: “Các cháu còn phải làm nhiệm vụ nên tôi không muốn các cháu tàu xe về thăm nhà thường xuyên. Ở quê mẹ con chúng tôi tự nuôi nhau, cần gì có hàng xóm và các đoàn thể địa phương giúp đỡ”.

Trong căn nhà cấp 4 khiêm tốn nép mình dưới lũy tre cuối làng Gia Thiện, mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Vơn và hai người con dâu đã bước sang tuổi 70 hàng ngày vẫn sống một cuộc sống vô cùng giản dị. Cả ba người đều là thân phận phụ nữ có chồng hy sinh, đều đã già yếu và bệnh tật thường xuyên. Nhưng nghĩa mẹ, tình con đã giúp họ vượt qua bao đêm dài lạnh giá để cùng nhau đi tới cuối cuộc đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem