Kể chuyện làng: Làng tôi chỉ giàu mưa nắng

Nguyễn Thị Linh Chi Thứ bảy, ngày 11/04/2020 08:00 AM (GMT+7)
Làng tôi Nghệ An là làng Thuần Trung (xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương). Lúc hỏi ông về cái tên của làng, ông tôi bảo dân làng đều gốc là người miền Trung ai cũng hiền lành chất phác, và cũng vì mong con cháu sau này cũng giữ được cái nết đó nên người làng đặt tên là làng Thuần Trung.
Bình luận 0

img

Trong làng chỉ một mình ông tôi là bộ đội sống bằng đồng lương của nhà nước. Có lẽ tôi là đứa trẻ may mắn nhất trong làng vì ngay từ bé tôi chẳng phải vất vả phụ cha mẹ mưu sinh. Cái Mai nhà bác Hai, cái Oanh nhà bà Sáu, hay cái Cúc... tụi nhỏ bằng tuổi tôi và bé hơn cũng có chẳng đứa nào được đi học, sáng sớm cứ theo chân cha mẹ ra ruộng cày cấy, tuổi thơ gắn với con trâu con bò thế mà thành quen. Nghèo thì nghèo, bữa cơm có thể thiếu chút rau chút thịt, nhưng người dân sống với nhau không bao giờ thiếu tình nghĩa. Tình người cứ thế mà thấm vào cuộc sống.

Dường như nơi đây chẳng được mẹ thiên nhiên ưu ái, trên dải đất cong cong hình chữ S miền Trung cứ oằn mình gánh nặng hai đầu bắc nam, gánh cả những sự tức giận của thiên nhiên, gánh luôn cái nắng thiêu đốt của mùa hè. Có hôm trời nắng 42-43 độ, cái nắng như muốn đốt cháy cả bầu trời đến nỗi rát mặt bỏng da. Gió thổi như tạt lửa với những cơn gió Lào ngang ngược làm điêu đứng cả làng quê mỗi độ hè về. Nhất là vào buổi trưa nắng dường như lên đến đỉnh điểm, mẹ phải dắt tôi ra ngồi dưới những gốc cây làng để hóng chút gió trời ít ỏi.

Hay vào những đêm khuya nóng nực tôi lại lọ mọ bên chõng tre giữa sân, nằm nghe bà kể những câu chuyện ngày xửa ngày xưa khiến tôi quên đi cái nóng cận kề mà thiếp đi  lúc nào không biết.

img

Thế mà trong cái nắng chang chang ấy vẫn là bóng dáng các cô các bác gồng gánh trên vai những bó lúa nặng trĩu hạt để rồi trong vị ngọt của từng hạt cơm tôi lại nghe thấy vị mặn mồ hôi rơi. Có lẽ vì vậy mà người làng tôi ai cũng có làn da ngăm rám nắng đầy duyên dáng chất chứa vị nắng vị gió. Có lẽ vì vậy mà tôi yêu cái nắng miền Trung hơn bao giờ hết.

Cái nắng đi qua tưởng đâu mẹ thiên nhiên đã nguôi giận mà ôm chúng tôi vào lòng. Nhưng nào đâu cái nắng chưa kịp tàn thì những cơn mưa phủ ngập trời đã nối đuôi nhau mà đến. Năm nào cũng thế, cứ độ tháng 8 người dân làng tôi lại bị giày xéo bởi những trận lũ hoành hành. Những con người khốn khổ ấy lại khắc khoải cầu mong trời nhẹ bớt mưa, gió bớt mạnh, đường bớt ngập và con sông bớt đầy.

img

Ngày còn nhỏ, trong suy nghĩ đầy trẻ thơ, tôi chỉ mong sao mưa thật to để làng mình ngập nước, để tôi được tha hồ lội nước, được tắm sông cùng bạn bè và được nghỉ học. Những ngày lũ lụt, tôi cùng đám trẻ trong làng thường kết bè bằng thân chuối lội lũ chèo thuyền đi bắt cá rồi thi nhau mang chiến lợi phẩm về khoe với bố mẹ. Thỉnh thoảng vào bữa trưa, vẫn hay qua nhà bác Thu ăn cơm vì ở đó có cái Quân, cái Nhung – hai đứa nó sinh đôi và cũng là bạn cùng lớp với tôi nên ba đứa chơi thân với nhau lắm. Vào những ngày mưa ngập lụt, tôi lại phải trèo rào qua chơi thay vì đi cổng chính bởi bao phủ bốn bề toàn là nước lũ. Dường như nồi cơm ngày lũ lụt vơi đi một ít, thay vào đó là vài củ sắn, củ khoai. Vậy mà khuôn mặt đứa nào cũng hớn hở bởi mâm cơm có thêm món cá mà chỉ mùa lũ tụi nó mới được ăn. Tôi cũng có đề nghị về việc bán ít cá lấy tiền mua thịt mua rau thì bác bảo “Làm gì đi chợ mà bán được hả cháu, bán cho làng mình thì đâu có ai mua, đâu ai có tiền mà mua’’. Thế là mấy đứa chúng tôi phải chấp nhận việc ăn cá ngày này qua ngày khác. Nhà tôi cũng thế. Mẹ tôi không thể đi chợ mua đồ ăn cho cả gia đình nên trong bữa cơm ngày nào cũng là món cá mà chẳng còn có món nào khác để ăn. Canh cá, cá kho, cá hấp... hết mùa lũ là tôi lại ớn cá đến tận những tháng sau.

Lớn lên rồi mới biết mong ước thuở nhỏ lại chứa đầy đau thương mất mát. Lúc bấy giờ, muốn vào làng tôi phải đi qua một con sông nhỏ, nhưng vì không đủ tiền nên người dân đã dựng một cây cầu gỗ bằng cách ghép những tấm ván lại với nhau. Cầu có tên là cầu Động Sông.

Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 6 cũng là năm lũ lớn nhất từ trước đến nay. Buổi sáng tôi đi học trời mưa rả rích, nước còn ngấp nghé đến bờ ruộng, thế mà đến trưa nước đã xăm xắp mắt cá chân, rồi đến chiều tối nước đã dâng cao đến tận rốn. Nước lũ kéo nhanh một cách ồ ạt. Đêm đó nhà tôi đang ăn cơm thì nghe văng vẳng tiếng người dân dùng xoong nồi gõ ầm ĩ cả một vùng trời – đó là cách người dân làng tôi gọi nhau lúc làng có chuyện.

img

Mẹ tôi vội vàng buông đũa chạy ra, tôi cũng lẽo đẽo chạy theo thì mới biết hai anh em con cô Hoa bị chết đuối. Hai đứa đèo nhau đi khám bệnh ở thị trấn từ sáng, lúc mà nước còn chưa ngập, đến tối mịt mới về, đấy cũng là lúc nước lũ dâng cao. Lúc đi qua cầu Động Sông thì gặp chuyện. Cây cầu ấy đã nhiều năm phải oằn mình dưới sức nặng của bao người nay lại phải chịu thêm dòng xoáy của nước lũ nên đã gãy khi hai đứa trẻ đang cố gắng đi qua và đẩy cả hai trôi theo dòng lũ.

Mới hôm qua tôi còn chèo bè bắt cá với chúng nó, vậy mà bây giờ chả còn được thấy hai đứa nó lẽo đẽo sau lưng mỗi buổi chiều tà nữa. Đến gần sáng dân làng mới tìm được xác của cái Trung và Nga. Tôi lén mẹ chạy ra nhìn hai đứa lần cuối. Lòng tôi chợt quặn lại, nước mắt cứ thế mà tuôn ra nơi khóe mắt. Đến lúc đó tôi mới hiểu như thế nào là mất mát. Cô Hoa cứ ôm hai đứa con thơ mà khóc. Bố 2 đứa đã mất, bỏ cô mà đi từ lâu, nay 2 đứa cũng bỏ cô, còn nỗi đau nào hơn thế.

Cũng vì cái nghèo, cái khổ, cái đơn sơ ấy mà nhiều người đã bỏ làng lên thành phố làm ăn kiếm sống. Rồi khi cuộc sống khá giả họ lại tìm về xây dựng làng, năm thì sửa  đường, năm  thì sửa cái nhà văn hóa... Làng tôi cứ thế mà đổi mới theo từng năm tháng. Làng bây giờ vẫn nghèo nhưng sự bình dị, mộc mạc và gần gũi thì mãi vẫn chất chứa. Đó như trong cái hồn của làng.

Bây giờ mỗi lần đi xa, tôi lại nhớ làng Thuần Trung da diết. Tôi nhớ làn da rám nắng, nhớ vị mặn mồ hôi, nhớ những làn nước ngày lũ dữ dằn nhưng ngày thường thì dịu êm và trong lành biết bao nhiêu...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem