Kể chuyện làng: Ngõ hình con lươn

Nguyễn Văn Công Thứ tư, ngày 29/04/2020 08:00 AM (GMT+7)
Làng tôi là một làng thuần nông ở Bắc Bộ, ngày xưa dân thưa ngõ vắng nên ai cũng biết ai trong làng, thân thiết như anh em. Con ngõ nhỏ nhà tôi trở thành sân chơi của các trò bắn bi, chơi khăng, ô ăn quan… của trăm đứa trẻ.
Bình luận 0

img

Ở làng tôi làng Văn Phú, xã Yên Phú, huyện Thường Tín,  Hà Nội có tục lệ để ngõ rộng 1,6 mét vì như thế mới vừa chiếc xe thồ và hai bên. Thậm chí, nhiều nhà còn xông xênh bớt hẳn 2m ngõ cho những nhà bên trong ngõ đi cho thoải mái, rồi cho bọn trẻ con chơi cho rộng rãi. Mà ngày xưa, các cụ cũng chẳng ai xây nhà hết đất, sát mét, họa chăng chỉ là bờ rào cây chứ xây tường kiên cố làm gì, nhà có gì đâu mà sợ mất.

Con ngõ nhà tôi khá dài, có lẽ phải tới 100m mà uốn khúc những bốn lần, hồi nhỏ chúng tôi hay chơi trò ‘đua xe thồ’ xem đứa nào đi từ đầu ngõ về nhà nhanh nhất mà không bị ngã. Chiếc xe thồ có thanh ngang ở giữa nên chúng tôi toàn phải xọc nách mà đi đến vẹo cả xương sườn. Con ngõ bằng đất gập ghềnh, nhất là vào hôm nào mưa sình xong thì nhớp nháp, trơn trượt, các tay đua nhí không ít lần lao cả người cả xe vào đống rơm hay bụi cây.

Trò đua xe thồ chỉ là một trong vô vàn trò mà chúng tôi thường chơi, tất nhiên trò nào đi với mùa nấy chứ không phải chơi tự do. Ở gần cuối ngõ có 2 bụi tre vào loại già nhất ở làng, bọn trẻ thau tháu thường đến đây rất đông vào dịp hè. Ngọn tre nào dài, dẻo bị bọn trẻ trèo lên chặt sạch, rồi vuốt rồi tỉa tót làm sao được cái cần câu cá ưng ý nhất. Ngay cạnh bụi tre là con kênh trong làng, cá nhiều vô kể, cần buông liên tục và giật liên tục để đưa những con cá ‘ham ăn’ lên bờ, thậm chí chúng tôi còn nướng cá tại trận thơm phưng phức. Lúc đó, ngõ nhà tôi đông vui như hội vì chẳng có con ngõ nào trong làng lại ‘sơn thủy hữu tình’ như ngõ nhà tôi, có sẵn mọi đồ nghề để vẽ ra những trò nghịch ngợm của tuổi thơ.

Bên cạnh nhà tôi là một bãi đất để trống, vậy nên có nhiều nhà mang rơm ra đây đánh đống, ước chừng có khoảng 7 đến 10 đống rơm. Chơi với rơm được cái an toàn, ngã vào chẳng đau chỉ mỗi tội hơi dặm một chút. Nhất là vào lúc gặt lúa, rơm mới mang về thơm ngất ngây, sà vào đống rơm êm như đệm, tuy vậy sợ nhất rơm đánh đống rồi mà làm đổ thì có mà ăn roi nát đít. Rồi cả mấy trò ‘nghịch ngu’ mang lửa ra nướng khoai ngay sát chân đống rơm, đã có lần tôi với mấy đứa bạn làm bén lửa cháy vào đống rơm, may mà lần đó thằng Thạch bạn tôi liều mình lao cả người vào thì lửa rơm mới tắt tức thời, không thì không biết chuyện gì đã xảy ra.

Đến nay, nhà tôi đã xây một cây cầu bắt ngang qua con kênh của làng và có một con ngõ mới gần đường chính hơn, ít ngoằn ngèo hơn, còn con ngõ nhỏ ngày xưa tạm đóng cổng lại. Các nhà ven ngõ cũng bắt đầu xây nhà tầng kiên cố rồi chia nhỏ đất cho các con, việc chia nhỏ đất khiến cho mỗi nhà được ít đi và không còn rộng rãi như trước. Vì vậy mà lòng tham trong bản tính con người nhen nhóm dậy, họ không những xây nhà sát mép mà còn tranh thủ lấn ra ngõ vài hàng gạch, mỗi nhà một ít làm biến dạng con ngõ thơ ngây ngày nào.

img

Một thời gian khá dài tôi mới đi thăm lại con ngõ xưa, nó đã được đổ bê tông sạch đẹp nhưng chẳng còn bụi tre, chẳng còn đống rơm hay hàng cây găng xanh mươn mướt. Đó là một con ngõ kỳ lạ. Tôi gọi thế bởi vì tôi chẳng thể nhận ra nó nữa, có lẽ nó mang dấp dáng của một con lươn cứ uốn lượn, chỗ thò ra chỗ thụt vào, tôi thử lấy thước ra đo thì con ngõ chỉ còn rộng chừng 1m nghĩa là nó đã bị lấn đi 60cm và nếu giờ còn xe thồ thì chắc chắn không thể nào lách qua khe cửa hẹp này được.

Con ngõ nhỏ đã đành, lại nhắc đến trục đường chính ở gần nhà thằng Hưng bạn tôi, bên cạnh nhà nó là nhà ông Lại thò hẳn ra đường tới 40cm, hồi ông làm nhà rồi đặt móng cấp tốc. Khi móng đã xuống, dân làng ý kiến, thôn góp ý thì ông cứ ‘sồn sồn’ lên đất nhà tao tao làm gì đấy là quyền của tao, thằng nào giỏi vào phá nhà tao hộ cái… Thế là nhà lão phun lên như nấm, sững sừng chòi ra đường chính của làng, ai đi qua cũng chướng mắt khó chịu. Cái tính hung hăng của lão có từ ngày xưa nên chẳng ai muốn dây vào.

Làng thay da đổi thịt nhiều, mừng vì kinh tế đi lên nhưng buồn vì tình người đi xuống. Ranh đất là ranh lòng, một chút đất nhà mình rộng hơn là một chút tình cảm làng xóm láng giềng chật lại và gây ra mất mỹ quan nông thôn trầm trọng. Những con đường, con ngõ hình con lươn quá phổ biến ở làng quê, rất khó có thể kiếm được con ngõ nào thằng tắp, nhà nào nhà nấy vào quy củ mực thước, kiểu gì cũng phải thò ra thụt vào một tí hoặc móng không thò thì trên tầng sẽ thò để ‘làm mái’ cho luôn con ngõ.

Chuyện làng cũng lắm chuyện vui mà cũng chẳng ít chuyện buồn, nhất là khi cơn bão kinh tế thị trường quét qua, dân số tăng lên khiến cho không ít lề lối hay của làng đang có nguy cơ bị phá vỡ. Chỉ mong sao những cốt cách của làng, sự chất phác của làng sẽ phát huy được nội lực để bảo vệ chính mình trước sóng gió, để làng mãi là nơi bình yên nhất mà mỗi chúng ta luôn luôn muốn được trở về.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem