“Kết tinh của ý Đảng, lòng dân”

Thứ sáu, ngày 29/11/2013 09:29 AM (GMT+7)
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Bình luận 0
Đổi mới nhất trong Hiến pháp lần này được đánh giá là về quyền con người, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

- Trước đây, chương 5 của Hiến pháp năm 1992 nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng đợt sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng ta đưa chương 5 lên sau chương chế độ chính trị, đặt ở chương 2 của bản Hiến pháp. Riêng bố cục đã thể hiện tầm quan trọng, vị trí của quyền con người. Trước đây là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, còn bây giờ là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân để khẳng định Nhà nước ta cam kết bảo đảm, bảo vệ tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như Công ước quốc tế mà nước ta đã là thành viên và đây cũng là thành quả của hơn 30 năm đổi mới, phát triển đất nước chúng ta.

imgPhó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Ông vừa nói điểm nhấn trong quyền con người, vậy làm thế nào để những quy định tốt đẹp đó được thực thi triệt để trong cuộc sống?

- Vấn đề đó đã được hiến định, quyền về tự do dân chủ, lập hội biểu tình đã được quy định không chỉ trong Hiến pháp lần này, mà cả trong các bản hiến pháp trước đây. Để triển khai việc đó thì rõ ràng, phải ban hành luật để quy định rõ điều đó, thủ tục trình tự để công dân được thực hiện quyền đó. Và quyền đó là quyền đã được hiến định.

Sự đồng thuận của đại biểu trong việc thông qua Hiến pháp đã nói lên điều gì, thưa ông?

- Bản Hiến pháp này là kết quả cả một quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Có thể nói đây là thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, các đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ phiếu phản ánh lên sự đồng thuận, sự thống nhất của quy định Hiến pháp.

Đổi mới, phát triển kinh tế là đòi hỏi đang đặt ra, vậy Hiến pháp có sự đột phá thế nào?

- Trong chương về kinh tế nói rõ các thành phần kinh tế đều được Nhà nước bảo hộ và không bị quốc hữu hóa tài sản của các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh. Đây là thông điệp mà tôi cho rằng rất quan trọng. Bên cạnh đó, khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, của các chủ thể, cá nhân đều được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm. Đây là quyền thiêng liêng của họ.

Ông nghĩ gì khi có 2 vị đại biểu không biểu quyết hôm nay?

- Trong một xã hội, có việc như vậy cũng là chuyện bình thường, đó là chính kiến của đại biểu, là quyền của đại biểu chứ không thể áp đặt họ được, không thể áp đặt 100%.
Long Nguyên (ghi) (Long Nguyên (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem