Khoảng cách

Chủ nhật, ngày 22/08/2010 14:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Câu chuyện “Dở dang giấc mơ đại học vì quá nghèo” của em Nguyễn Thanh Nhân ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đăng trên báo NTNN làm cho nhiều người xúc động.
Bình luận 0

Gia đình em quá nghèo, nghèo đến nỗi có lúc thiếu ăn. Cha bỏ rơi em từ nhỏ, mẹ và bà ngoại đều bị bệnh tật. Vượt qua hoàn cảnh bi đát đó để đi học đã là một việc quá khó, vậy mà em còn thi đậu cùng một lúc hai trường Đại học Y khoa Huế và Bách khoa Đà Nẵng. Một nghị lực tuyệt vời.

Câu chuyện của một em khác, con đại gia ở Hà Nội, được cha mẹ thưởng 50 triệu đồng để khao bạn bè mừng thi đỗ đại học. Sau vui vẻ tiệc tùng, cha mẹ còn thưởng cho một chiếc xe hơi BMW để làm phương tiện đi học.

Có con gái của một đại gia khác được thưởng thi đỗ đại học bằng cách cho tiền đưa bạn bè đi khắp nơi du lịch một chuyến, sau đó cô được đi châu Âu nghỉ xả hơi trước khi nhập học. Tiền chi phí cho tất cả các trò tiêu khiển cũng vài trăm triệu đồng.

Người nhiều tiền nên ban thưởng cho con cái để thỏa mãn niềm sung sướng của cả cha lẫn con, nhưng không biết họ có tính đến những hậu quả có thể xảy ra khi cậu ấm, cô chiêu được chiều chuộng.

Người giàu có hiểu biết sẽ không làm như thế vì họ biết rằng chiều chuộng con thì con sẽ dễ sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình, quen thói hưởng thụ. Một điều khác là chung quanh còn có quá nhiều người nghèo, đang cần được chia sẻ, giúp đỡ.

Hiện nay có rất nhiều học sinh nghèo thi đỗ đại học nhưng không có tiền đi học, các em mơ ước chỉ có một phần nhỏ trong số tiền tiệc tùng của người khác là đủ để đóng học phí. Người giàu tiêu xài đồng tiền của họ làm ra, dù ngông cuồng hay lãng phí thì đó là việc của họ.

Nhưng từ những câu chuyện vừa nêu, cho thấy xã hội đang phân hóa sâu sắc giữa giàu và nghèo. Phần lớn người dân vùng nông thôn đang sống khó khăn, thiếu thốn, những học sinh thi đỗ đại học nhưng không có tiền để nhập học cũng là con em nông dân. Mong muốn về thu ngắn khoảng cách giàu nghèo vẫn đang là mong muốn...

Những em học sinh nghèo, học giỏi nhưng không được đi học thì các em ít có cơ hội vươn lên, rốt cuộc nghèo lại hoàn nghèo. Đã có nhiều câu khẩu hiệu xây dựng nông thôn mới, trải thảm đỏ để đón nhân tài ở các địa phương. Nhưng có một việc cốt tử để phát triển nông thôn là giáo dục, là đào tạo con người.

Trải thảm đỏ đâu cho xa, hãy đầu tư cho các em học sinh nghèo thi đỗ đại học được đi học với cam kết trở lại phục vụ địa phương. Các em đang mong chờ điều đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem