Nghệ sĩ Bảo Quốc nổi tiếng là danh hài được công chúng yêu mến, không chỉ lưu dấu những vai diễn duyên dáng, dí dỏm mà còn ở tư cách, đạo đức. Nhắc đến ông có biết bao huyền thoại đẹp trong nghề, nhưng ở cuộc sống đời thường, ông sống giản dị, nghiêm túc luôn được đồng nghiệp trân trọng.
NSƯT Bảo Quốc và vợ
"Chuyện tình của tôi rất lãng mạn. Nhà tôi hồi đó ở đường Trần Hưng Đạo, nhà bà xã tôi ở Cao Bá Nhạ, quận 1. Hai đứa lớn lên cùng xóm, biết nhau từ lúc còn tắm mưa, chơi những trò con nít. Năm 16 tuổi có chọc ghẹo nhau, rồi bẵng đi một thơì gian không gặp. Đến hai năm sau, tôi mạnh dạn bày tỏ tình cảm, chở "nàng" đi học mỗi ngày. Bà xã tôi hồi trước học ở trường Gia Long – nay là Nguyễn Thị Minh Khai, tôi lúc đó đã đi theo đoàn hát của ba má tôi – bà bầu Thơ và ông Năm Nghĩa.
Mỗi ngày tôi đưa rước nàng nhưng trong tình trạng lén lút gia đình, vì ba "nàng" không thích con rể là nghệ sĩ. Cả gia đình bên vợ tôi lúc đó có đến 15 người đều không tán thành cuộc hôn nhân của chúng tôi. Ai cũng bảo "tụi nó cưới nhau bảo đảm 6 tháng sẽ ly dị", nhưng tôi quyết tâm xóa ngay suy nghĩ không mấy thiện cảm về nghệ sĩ của họ. Bằng chứng là đến hôm nay đã gần 50 năm chung sống, chúng tôi đã có bốn người con và rất đông cháu nội, cháu ngoại. Đặc biệt trong 10 chàng rễ của gia đình bên vợ tôi, thì tôi là người được cưng nhất" – danh hài tâm sự.
"Bây giờ vẫn đủ sức...kéo nàng về dinh"
Danh hài Bảo Quốc gần như không che giấu điều gì khi đề cập đến cuộc sống đời thường của mình. Cứ được khơi là dòng chảy ký ức về mái ấm hạnh phúc của ông cứ tuôn trào.
"Khi đám cưới được tổ chức (ngày 20-3-1968), xe đón dâu chạy một vòng Sài Gòn cho tốn xăng chơi vậy đó... Bởi, nhà trai, nhà gái gần nhau, không thể lại đi bộ đơn giản nên chạy một vòng Sài Gòn thân yêu để… rước dâu. Vợ tôi về nhà chồng, "nhập gia tùy tục", cũng lăn xả vào công việc đoàn hát, ban đầu làm kế toán, phát lương, phụ trách việc bán vé trong đoàn hát. Thương hiệu Thanh Minh- Thanh Nga một thời có nàng dâu đảm đang lo toan nhiều việc cho gia đình chồng. Đến năm 1976, vợ chồng tôi xin phéo mẹ cho ra ở riêng.
Lúc đó gia đình nhỏ của chúng tôi rất nghèo. Khi dọn nhà, chỉ có một tấm ra trải giường túm toàn bộ quần áo, mền mùng buộc lại, một chiếc giường nhỏ, một cái tủ gỗ. Khi mẹ tôi bán nhà, bà cho tôi một số tiền nhưng tôi đã từ chối nói má hãy để cho các em con, vì con còn đi hát được. Khi nào quá túng thiếu sẽ xin má!". Má tôi xúc động ôm tôi vào lòng"- danh hài rưng rưng nhắc lại ký ức về người mẹ của mình.
Sự nghiệp của NSƯT Bảo Quốc được ông đúc kết bằng năm chữ: "Gian nan nhưng may mắn". Ông kể thêm: "9 tuổi tôi mê sân cỏ hơn sân khấu. Đi học về quăng cặp sách là nhào ra xóm chơi đá banh. Ba tôi bắt về đánh đòn liên tù tỳ mà vẫn không bỏ tật. Ba tôi là nghệ sĩ Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa), người đã từng góp phần hình thành bài vọng cổ từ bản "Dạ cổ hoài lang" của bác sáu Cao Văn Lầu. Chính ông là cha đẻ của cách ca vọng cổ theo nhịp tám, đưa bài vọng cổ vào dĩa nhựa và là danh ca một thời với cô Năm Đặng, Năm Cần Thơ, Út Trà Ôn, Bảy Nam, Năm Phỉ...
Ba tôi nổi danh nhờ có giọng ca chân phương và nghề viết tuồng. Ông dạy tôi học ca với cây đàn guitar. Cứ tôi ca sai nhịp là ông ký vào đầu. Hồi đó tôi thù ghét những giờ học ca. Một hôm anh Hữu Nghĩa con của chú Vinh Sang, người chuuyên đóng những vai kép con bị bệnh, nên không có ai hát vai của anh trong vở "Người vợ không bao giờ cưới", thế là ba tôi bắt tôi lên thế. Trong buổi sáng ông và thầy Út Trong đệm đờn cho tôi ca bài Khốc Hoàng Thiên, hai câu vọng cổ rồi Xang xừ líu. Tôi sung lắm, muốn chứng tỏ mình là con nhà nòi mà".
Gia đình NSƯT Bảo Quốc
Thế là đêm đó danh hài Bảo Quốc được khán giả khen ngợi. Ba của ông bên trong hậu trường vui lắm. Căn bệnh loét bao tử những ngày tháng đó đã hành hạ ba của ông, nhưng ông Năm Nghĩa vẫn vào đoàn hát, vẫn phụ giúp bà bầu Thơ quán xuyến công việc. Trong đêm diễn đầu tiên của con trai, ông quá vui, không ngủ được mà ngồi vào bàn để gõ máy đánh chữ, ráng viết một vở tuồng. Nhưng ông chỉ viết được vài trang, đến giữa đêm thì ho ra máu.
"Má tôi đưa ba tôi vào bệnh viện. Ba ngày sau, ba tôi qua đời. Đó là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng ba tôi xem tôi hát. Niềm vui của ba tôi chưa trọn vẹn, vì ông vẫn mong muốn tôi thành danh trong nghề. Bởi, chị Thanh Nga lãnh giải HCV Thanh Tâm năm 1958, một năm sau thì ba tôi mất. Ngày tôi lãnh HCV giải Thanh Tâm năm 1968, tôi đã xúc động gọi ba ơi. Từ sự mong mỏi của ba tôi, tôi biết quý trọng nghề hát, quyết tâm làm được điều gì đó cho ba tôi vui ở suối vàng" - Danh hài hồi ức.
"Ngẫm nghĩ đời tôi có duyên thế tuồng. Tôi chuyển sang lãnh vực diễn hài cũng là thế tuồng anh Thanh Việt trong vở "Con ma nhà họ Hứa". Đời tôi cũng bị chèn ép nhiều lắm, nhất là bị một đàn anh sẵn sàng hạ lương để giành vai tôi. Nhưng bù lại một lần thế vai anh Thanh Việt, tôi chuyển sang lãnh vực hài và nổi tiếng. Điều tôi vui nhất là những vở tuồng của ba tôi, ít nhiều tôi đã được diễn qua. Những vở như: "Đứa con hai dòng máu", "Nghiệp giáo", "Chén cơm đô thành", "Thầy cai tổng bồi"... đã thắm vào ký ức của tôi. Chỉ tiếc là trong đêm ba tôi thổ huyết phải đưa vào bệnh viện Đồn Đất, bản thảo dở dang đó cả nhà không ai biết ba tôi định sáng tác tuồng gì.
Vợ chồng NSƯT Bảo Quốc và các cháu
Nếu thật sự đó là một vở dành cho tôi, thì tôi ân hận lắm. Tôi tự trách tại sao mình không mê hát sớm hơn để được ba truyền nghề cho mình. Giờ đây, sau chị Thanh Nga, anh Hữu Thình, gia tộc nhà tôi đã có: Hữu Châu, Hồng Loan (con gái tôi), Hà Linh (con của cố NSƯT Thanh Nga) và Gia Bảo (cháu nội tôi), chính thức nối nghiệp gia đình. Và còn gì vui hơn khi những gian nan, thử thách đã được đền bù bằng ý nghĩa tam đại đồng sàn" – danh hài Bảo Quốc phấn khởi nói.
Thanh Hiệp (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.