Không dễ quản giờ làm thêm của sinh viên

Hà My Thứ hai, ngày 06/01/2020 06:04 AM (GMT+7)
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao các bộ nghiên cứu bổ sung quy định quản lý việc làm thêm của sinh viên. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, nhiều ý kiến cho rằng quản lý việc làm thêm của sinh viên là bài toán khó với các nhà quản lý.
Bình luận 0

Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi xe công nghệ có chính sách giảm thời gian làm việc của lao động là sinh viên, rút ngắn thời gian làm thêm. Các trường đại học, cao đẳng cần nghiên cứu biện pháp quản lý, tuyên truyền vận động sinh viên làm thêm với thời lượng hợp lý để bảo đảm sức khỏe học tập và nghiên cứu.

Đảm bảo chất lượng học

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, một nghiên cứu độc lập cho thấy hiện có hơn 300.000 tài xế công nghệ làm việc trong các công ty áp dụng nền tảng kỹ thuật số kết nối kinh doanh vận tải, trong đó số tài xế là sinh viên khá lớn do việc này dễ dàng. Việc sinh viên dành 10 - 14 tiếng một ngày để làm thêm trực tiếp ảnh hướng tới chất lượng học tập tại trường, từ đó tác động tiêu cực tới nguồn nhân lực trình độ cao.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình là một chủ trương kịp thời, hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện tại. “Trước hết cần bổ sung cơ sở pháp lý, có quy định cụ thể trong việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Quy định này cần phải tiếp cận ở nhiều chủ thể liên quan như doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực là sinh viên, sinh viên có nhu cầu làm việc, cơ chế trả lương của doanh nghiệp…” – ông Linh nhận định.

Từ năm 2008, Bộ GDĐT đã có Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ, định hướng cho sinh viên làm thêm an toàn, phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học hiện nay đã có trung tâm quan hệ doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm.

Ông Linh cho biết, hiện tại chưa có quy định “cứng” giờ làm thêm trong tuần của sinh viên. “Thực tế rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các em có nhu cầu làm thêm là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, sinh viên sẽ phải chủ động và đáp ứng, làm tốt nhất các quy định trong quy chế đào tạo, quy chế công tác sinh viên của nhà trường. Nếu các em vì làm thêm mà không đảm bảo kết quả học tập sẽ bị cảnh báo học vụ” - ông Linh nói.

TS Phan Hồng Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM lại chia sẻ một góc nhìn riêng của mình: “Sinh viên đi làm thêm trong quá trình học đều tỏ ra năng động, tăng vốn hiểu biết và kỹ năng sống. Vì thế, việc sinh viên làm thêm trong quá trình học đại học, cao đẳng là điều rất cần thiết và cần được khuyến khích”.

img

 Chạy xe ôm công nghệ là việc làm được nhiều sinh viên lựa chọn hiện nay (ảnh minh họa). (ảnh: Trọng Hiếu)

Mặc dù vậy, theo TS Hải, những công việc nặng nhọc, với những việc quá đơn giản không có điều kiện để rèn nhiều kỹ năng, hoặc tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng tới việc học thì sinh viên không nên làm. Đơn cử như thời gian gần đây quá nhiều sinh viên làm tài xế công nghệ vì không phải xin việc, dụng cụ làm việc chỉ cần xe máy và điện thoại thông minh, không ít sinh viên bỏ bê việc học để chạy xe kiếm tiền.

Như vậy, việc quy định “cứng” được giờ làm thêm của sinh viên là cần thiết, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn cần phải đảm bảo quyền lợi, khuyến khích sinh viên làm thêm một cách khoa học là một bài toán mà cách nhà quản lý cần phải tìm được lời giải.

Làm thêm là quyền lợi chính đáng 

Tại nhiều nước trên thế giới, việc sinh viên làm thêm thường được xã hội khuyến khích để tự lo cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn nhất định về thời gian làm việc và mức lương tối thiểu. Ví dụ Nhật Bản quy định sinh viên có thể làm thêm tới 36 giờ/tuần, tại Úc là 20 giờ/tuần và có quy định mức lương “sàn” cụ thể.

Theo một điều tra gần đây của PGS - TS Đặng Thị Lệ Xuân (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) về tác động chính sách học phí với sinh viên, hiện nay có khoảng 51% số sinh viên đang phải đi làm thêm chỉ vì học phí cao, phải đi làm để trang trải (không tính các lý do như muốn có thêm kinh nghiệm...). Trong đó, nhóm sinh viên nghèo nhất phải đi làm thêm chiếm đa số, lên tới 79%.

Anh Trịnh Tùng Lâm (cựu sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) từng có 3 năm làm tài xế công nghệ trước khi tốt nghiệp. Chia sẻ về quãng thời gian học tập trong trường, anh Lâm cho hay: “Công việc học tập tại trường ĐH, đặc biệt là một trường kỹ thuật là rất nặng, chỉ cần thiếu tập trung là sinh viên có thể dẫn tới tình trạng không qua môn, nợ môn như “cơm bữa”. Bản thân tôi cũng từng nợ một vài môn nhưng vẫn chưa đáng kể với nhiều bạn khác trong lớp. Thậm chí có bạn ra trường chậm cả năm trời chỉ vì nợ môn này dẫn tới môn khác”.

Theo anh Lâm: “Đúng là làm tài xế công nghệ rất mệt khi liên tục phải di chuyển ngoài đường, chưa kể là những rủi ro như tai nạn giao thông, kiệt sức, gặp các đối tượng có ý đồ xấu… Thế nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một nguồn thu nhập chính đáng và giúp rất nhiều sinh viên có một cuộc sống đầy đủ hơn. Không phải ai cũng được cha mẹ chu cấp đầy đủ, vì vậy theo tôi việc tự làm thêm để kiếm thêm thu nhập là quyền lợi chính đáng của sinh viên.  Tiền làm thêm giúp họ trang trải học phí, tiền sách vở, tiền nhà, tiền ăn… Cần phải nhìn nhận rằng không phải làm thêm là nguyên nhân duy nhất khiến sinh viên bỏ bê học hành... Người nào có thái độ học tập nghiêm túc thì dù nghèo phải làm thêm họ vẫn thu xếp thời gian để đảm bảo chất lượng học tập. Còn người nào lười biếng thì không làm thêm họ cũng sa đà chơi game, cờ bạc... ”.

img

Một nhóm sinh viên tại Đà Nẵng làm thêm với công việc phát tờ rơi. (ảnh tư liệu)

TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) bày tỏ rằng cái khó của việc quy định thời gian làm thêm của sinh viên cần phải cân nhắc để không được chồng chéo lên các điều luật có sẵn. Bởi sinh viên đã qua tuổi 18 đều có quyền được lao động hợp pháp. 

Nếu ra quy định thì đối tượng tác động chính phải là doanh nghiệp, chủ lao động chứ không phải là sinh viên. Quy định cần chỉ rõ cơ sở tuyển dụng không được phép dùng lao động là sinh viên quá bao nhiêu giờ, vượt quá thì bị xử phạt ra sao...”. 
TS Lê Xuân Thành

Theo một số chuyên gia lao động và giáo dục, phải nhìn nhận rằng nhờ làm thêm mà các sinh viên có thể có kỹ năng tài chính, biết cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm cũng được phát triển thông qua việc làm thêm. Còn việc quy định giờ làm thêm cho sinh viên thì nên nắm phần gốc, tức là các doanh nghiệp tuyển dụng, còn quản lý thời gian làm thêm của sinh viên thì rất khó vì ngoài giờ học, nhà trường khó kiểm soát được sinh viên làm gì.

Hiện nay, các trường quản lý sinh viên bằng cách điểm danh, đảm bảo các em đủ giờ học, không được bỏ tiết. Ngoài ra, kết quả học tập cũng là một cách để đảm bảo sinh viên không thể lơi là việc học, mải mê đi làm thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem