Khúc tráng ca bên sóng

Phạm Tài Bá Thứ hai, ngày 07/09/2020 15:59 PM (GMT+7)
Trường Sa bây giờ như gần với đất liền hơn. Nhiều công trình dân sinh trong những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước đầu tư tôn tạo và đưa vào sử dụng.
Bình luận 0

Đến thăm những tượng đài Trần Hưng Đạo ở Song Tử Tây, công viên Võ Nguyên Giáp ở Sơn Ca, hay các chùa trên các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Nam Yến, Sơn Ca, Sinh Tồn… ít ai có thể hình dung được những nỗ lực của những người đã mang từng viên gạch dựng nên các công trình. Họ nói vui rằng họ làm công việc "Kê thềm Tổ quốc".

Sơn Ca - những ngày ăn ngủ cũng sóng

Trường Sa bây giờ như gần với đất liền hơn. Nhiều công trình dân sinh trong những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước đầu tư tôn tạo và đưa vào sử dụng.

Cuối năm 2015, đảo Sơn Ca vào giai đoạn nước rút công trình công viên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chùa Sơn Ca. Thiếu tá Nguyễn Trung Phong (nguyên Chính trị viên Đội xây dựng số 9) nhớ lại: Đó là những ngày cuối xuân 2013 và 2015. Cái rét buốt khiến mọi người chỉ muốn trùm sâu trong chăn ấm mỗi sáng, thì từ "gà gáy canh 5" cán bộ chiến sĩ đội xây dựng đã chuẩn bị sẵn sàng đồ nghề để bắt đầu một ngày làm việc mới. Trong tiếng gầm gào của sóng biển, những chiến sĩ vẫn ngâm mình dưới làn nước lạnh, dầm mưa, dãi nắng hứng chịu sóng gió thực hiện nhiệm vụ.

Từ 5h sáng các chàng trai đã tư thế sẵn sàng triển khai công việc. Vì thủy triều lên xuống thất thường, để kịp tiến độ mà nghị quyết chi bộ đã xác định thì việc trộn bê tông, khuân vác đá hay vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng vào thời điểm giữa trưa, khi nắng nóng oi bức chiếu thẳng đỉnh đầu là chuyện rất đỗi bình thường. Còn chuyện chong đèn cùng với công nhân Công ty Tân Hà Nội gắn những mảnh gốm trên công viên Võ Nguyên Giáp hay việc đổ bê tông khi mặt trời đã lặn để kịp cùng với công nhân Công ty Xuân Trường chuyển những pho tượng lên bệ thờ khi tôn tạo lại chùa Sơn Linh là việc làm quen thuộc đối với những người lính công binh ở đây.

Khúc tráng ca bên sóng - Ảnh 1.

Lễ Khởi công Công viên tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: T.B

Gần 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, những người lính Lữ đoàn 131 Hải quân anh hùng vẫn kiên cường bám bám công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những công trình trên quần đảo Trường Sa. Vất vả, khó khăn, thiếu thốn là có, nhưng những người lính công binh hải quân vẫn luôn lạc quan, yêu đời, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Do đặc thù công việc, chỗ ở của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều là lán trại dựng tạm từ tre và gỗ nằm ngay bên cạnh công trình. Ở đó luôn trong tình trạng thiếu điện, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh. Mọi vật liệu xây dựng từ giọt nước ngọt, xi măng, cát, gạch, đá đều phải đưa ra từ đất liền, vượt qua muôn trùng sóng gió mới đến đảo.

Nhưng vật liệu ra tới đảo rồi còn để chuyển tải từ tàu vào chân công trình lại là một hành trình đầy gian nan với bao giọt mồ hôi, thậm chí có cả máu của bộ đội. Vì điều kiện sóng gió phức tạp nên những con tàu chở vật liệu phải thả neo khá xa đảo để đảm bảo an toàn. Các chiến sĩ lại gồng mình chuyển tải vật liệu từ tàu xuống xuồng, rồi tiếp tục chuyển từ xuồng lên điểm tập kết.

Những người lính trong bộ quân phục dã chiến sờn vai, bạc phếch ngâm mình dưới làn nước cao tới ngang ngực dùng vai vác hàng vào đảo. Vừa đi vừa tránh những cạnh san hô sắc nhọn sẵn sàng cứa nát chân. Cần mẫn, miệt mài như đàn kiến tha mồi về tổ, chỉ trong khoảng thời gian quy định, hàng ngàn tấn hàng hóa, vật tư, vật liệu đã được chuyển lên vị trí phục vụ thi công. Hầu hết công việc đều diễn ra dưới nước, không có thiết bị cơ giới nào hỗ trợ.

Phong kể: "Cường độ làm việc của bộ đội thời điểm ấy phải đạt từ 140-150% thì mới kịp với tiến độ công trình". Nhiều người chân tay bong tróc vì ngâm trong nước mặn lâu ngày, phơi nắng nhiều khiến tóc ai cũng cứng đơ và đỏ quạch, da cháy sạm đen nhẻm.

Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Trường – nhân viên điện nước từng tham gia xây dựng tại đảo Sơn Ca thời điểm đó tâm sự: "Nhận nhiệm vụ ra xây dựng chùa Sơn Ca và công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp em vừa tự hào vừa lo lắng. Tự hào vì được cùng đồng đội xây dựng công viên Đại tướng, được góp sức tôn tại lại công trình tâm linh chùa Sơn Ca để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo có nơi sinh hoạt tâm linh sau những ngày huấn luyện căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng em lại lo lắng khi biết thời tiết ở đảo rất khắc nghiệt và điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro". Nhưng chỉ sau một tháng, Trường đã rắn rỏi hơn nhiều. Trường còn có nhiều sáng kiến đẩy nhanh tiến độ thi công.

Khúc tráng ca bên sóng - Ảnh 3.

Một buổi huấn luyện tại Lữ đoàn Công binh 131 hải quân. Ảnh: Hoàng Ngọc Triệu

"Nhận nhiệm vụ ra xây dựng chùa Sơn Ca và công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp em vừa tự hào vừa lo lắng. Lo lắng khi biết thời tiết ở đảo rất khắc nghiệt và điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro".

Quân nhân chuyên nghiệp -

Nguyễn Xuân Trường

Đại úy, kỹ sư Phạm Xuân Định - trợ lý thi công, quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên là một "ca" đặc biệt khác. Định tổ chức đám cưới trước khi nhận nhiệm vụ đi Sơn Ca một tuần, vợ chồng chưa kịp bén hơi. Cuối năm đó, vợ Định sinh con trai, 4kg, giống bố như đúc lúc anh vẫn còn đang miệt mài bên sắt thép xi măng giữa bốn bề sóng nước.

Vất vả, khó khăn, gian khổ, thiếu thốn là thế những người lính công binh vẫn quyết tâm bám trụ xây dựng công trình. Nhiều đêm giông bão ầm ầm, anh em ngồi bên nhau kể chuyện quê nhà, cây đàn guitar bập bùng, bài hát "Hành khúc Lữ đoàn 131" vang lên trong màn đêm hòa vào sóng nước rì rào. Xong công trình họ lại vội vàng khăn gói nhận nhiệm vụ tiếp theo, có nhiều người cũng chẳng có dịp thăm lại công trình mình từng góp sức xây dựng.

Tháng 4/2016, công trình tôn tạo lại chùa Sơn Ca, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng giấy khen.

Tự hào những người "Kê thềm Tổ quốc"

Với kinh nghiệm hơn mười năm đi đảo, Tổ trưởng Tổ sửa chữa, Thiếu tá Nguyễn Xuân Tình không thể đếm hết được bàn chân anh đã đi qua bao nhiêu công trình trên các điểm đảo chìm, nổi. Vừa cho tôi xem đôi bàn tay đầy vết chai sạn anh vừa hóm hỉnh nhớ lại: "Đối với lính công binh mỗi vết xước của đá trên vai là một lần thêm yêu Tổ quốc, vết xước càng nhiều, càng thấy yêu Tổ quốc mình hơn; đá càng nặng, tình yêu Tổ quốc càng sâu, thương đồng đội càng nhiều. Trường Sa với chúng tôi là máu thịt thiêng liêng nhất. Từng viên đá xây đảo, từng ngôi nhà lâu bền, những ngôi chùa, công trình dân sinh trên quần đảo đã thấm mồ hôi nước mắt và cả máu của tất cả đồng đội".

Lính công binh tự gọi họ là những người "tứ đời ở nhà tạm", nhưng họ đều cho rằng đó là những đánh đổi đáng giá. Đại tá Đào Văn Bạn - Lữ đoàntrưởng Lữ đoàn 131 chia sẻ: "Đặc thù của bộ đội công binh là vậy, dù ở đất liền hay giữa biển khơi khi công trình hoàn thành là phải bàn giao ngay, đơn vị lại chuyển quân đi bắt đầu xây dựng công trình mới. Mọi việc đều phải chạy đua với thời tiết thất thường, đôi khi không có cả thời gian ngắm nhìn lại công trình vừa hoàn thành". Bản thân Đại tá Lạn cũng đã kinh qua nhiều công trình. Thậm chí, có những nơi vừa hoàn thành xong anh nhận nhiệm vụ đi ngay, còn không cả thời gian để nhìn lại toàn cảnh công trình. Anh Bạn nói anh vẫn hay nhìn những công trình có đóng góp của mình qua tivi nhiều hơn nhìn thực tế.

Gần 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, những người lính Lữ đoàn 131 Hải quân Anh hùng vẫn kiên cường bám bám công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những công trình trên Quần đảo Trường. Vất vả, khó khăn, thiếu thốn là có, nhưng những người lính Công binh Hải quân vẫn luôn lạc quan, yêu đời, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh vẫn hát mãi "Khúc tráng ca bên sóng" để Trường Sa luôn vọng mãi trong tim mỗi người dân đất Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem