Kiểm soát quyền lực sẽ chặn quan lộ thần tốc như vụ bà Quỳnh Anh Thanh Hóa

Lương Kết Thứ năm, ngày 26/09/2019 11:23 AM (GMT+7)
Theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền có mối quan hệ biện chứng. Nếu quyền lực được kiểm soát sẽ ngăn chặn được những kiểu quan lộ thần tốc trong công tác cán bộ như nhiều vụ việc báo chí đã phản ánh thời gian qua.
Bình luận 0

img

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh IT).

Công tác cán bộ là gốc của mọi việc, nếu như công tác cán bộ được làm đúng quy định, không bị chi phối bởi những tiêu cực như chạy chức, chạy quyền, áp đặt, cửa quyền, mất dân chủ, lợi ích nhóm… thì đội ngũ cán bộ được lựa chọn sẽ đảm bảo chất lượng.

Trong Quy định 205 -QĐ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị (viết tắt Quy định 205) ban hành mới đây về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền, theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh hai nội dung trong Quy định nêu trên có mối quan hệ biện chứng. Người có chức có quyền thì mới có thể đề bạt, giới thiệu và bổ nhiệm nhân sự, khi quyền lực của người đó được kiểm soát tốt thì tác động tiêu cực của họ vào công tác cán bộ nói riêng và các việc khác nói chung khó có thể thực hiện.

“Kiểm soát tốt quyền lực của những người có chức vụ trong cơ quan, tổ chức thì sẽ ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Ngược lại ngăn chặn chạy chức, chạy quyền cũng là để chống sự lạm dụng quyền lực”, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, Quy định 205 được nêu cụ thể, rất rõ từng nội dung cấm đối với người có chức quyền, người trong diện được quy hoạch, đề bạt vào các vị trí; vấn đề thứ hai là chế tài xử lý cũng rất rõ, chẳng hạn khi vi phạm chạy chức, chạy quyền nếu bị phát hiện xử lý kỷ luật ở mức cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm; đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch).

Ngoài ra, sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp ủy, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. “Trong công tác cán bộ nếu thực hiện được đúng theo Quy định 205 của Bộ Chính trị thì kết quả đem lại sẽ rất tích cực”, TS. Dĩnh nói.

Vẫn theo TS. Dĩnh, lâu nay chúng ta hay nói đến vấn đề quyền lực và kiểm soát quyền lực, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 đã góp phần hoàn thiện thể chế bên Đảng, từ đó tạo cơ sở để bên Nhà nước xem xét, xây dựng quy định tương tự, đảm bảo tính đồng bộ. “Trước tiên là thực hiện bên Đảng, bởi công tác tổ chức cán bộ là của Đảng”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Trước đây những vụ việc tiêu cực trong công tác cán bộ như vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng của Sở Xây dựng ở Thanh Hóa thăng tiến thần tốc; vụ ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Nam không đủ tiêu chuẩn; vụ ông Nguyễn Đức Hoàng được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định không đủ tiêu chuẩn… khi phát hiện đã được xử lý theo các quy định hiện hành.

“Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 sẽ góp phần ngăn chặn, cảnh báo để không xảy ra những vụ việc như nêu trên. Quy định 205 cũng xuất phát từ thực tiễn, khi công tác cán bộ nảy sinh ra những vấn đề tiêu cực, Đảng đã phải hoàn thiện thêm các quy định (trước đây cũng đã có) để có hướng xử lý đồng bộ, kịp thời”, TS. Dĩnh nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích thêm, khi đề cập về trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức, cơ quan, đơn vị thì trong một số quy định trước đã nói, nhưng trong Quy định 205 về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền thì trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan, tổ chức được nhấn mạnh thêm, cụ thể hơn nữa.

“Quy định 205 có tính lâu dài, tuy nhiên sắp tới đất nước tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì Quy định 205 càng có giá trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nói, trong quy hoạch cán bộ, người không đáp ứng được phải tự giác xin rút, quy hoạch cán bộ rồi nhưng còn rà soát lại để đưa những người đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy các cấp, rồi vào các vị trị cao hơn trong cấp ủy. Thực hiện tốt Quy định 205 sẽ đảm bảo sức mạnh của Đảng, bởi sức mạnh đó trước hết thể hiện qua đội ngũ lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp. Kiên quyết loại bỏ những người cơ hội, người không đủ năng lực, người có tư tưởng không đúng vào cấp ủy thì sức chiến đấu của Đảng mới được phát huy”, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem