Kiến trúc sư đánh thức vùng quê nghèo

Thứ hai, ngày 02/09/2013 13:25 PM (GMT+7)
Sinh năm 1944, rời Việt Nam từ năm 7 tuổi, sau 40 năm học tập và làm việc tại Pháp, năm 1996, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc trở về Việt Nam gắn bó làng quê Việt...
Bình luận 0
Thành công của “ông gàn”

Thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là một vùng nông thôn nghèo, ít người biết đến. Thế nhưng gần đây vùng đất này đã có sự thay đổi kỳ lạ, trở thành một điểm du lịch hút khách. Công lao thuộc về kiến trúc sư (KTS) Bùi Kiến Quốc.

Một góc buôn bán, thức ăn, trái cây ở khu du lịch Triêm Tây được tái hiện theo phong cách Việt xưa.
Một góc buôn bán, thức ăn, trái cây ở khu du lịch Triêm Tây được tái hiện theo phong cách Việt xưa.

KTS Quốc kể, ông đến Triêm Tây tình cờ. Trong một chuyến lãng du, đi đò từ Cẩm Kim, Hội An, qua Duy Xuyên, lãng đãng thế nào ông lại lạc đường đến thôn Triêm Tây. Đứng trước một vùng đất nằm giữa ba bề sông nước, nơi những con đường làng quanh co chạy dưới lũy tre xanh dẫn vào những ngôi nhà bình dị, nơi tiếng thoi đưa dệt chiếu, tiếng đẽo đục mộc lách cách giữa trưa hè... từ cái nhìn của một kiến trúc sư, ông chợt nhận ra những giá trị độc đáo để hình thành lên một không gian du lịch nghỉ dưỡng mà không phải nơi nào cũng có được.

Từ ý nghĩ đó, vào tháng 6.2009, ông quyết định đầu tư xây dựng khu lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây. Khi ông triển khai, người dân ở đây ai cũng bảo ông “gàn”, vì Triêm Tây mỗi năm đến mùa mưa lũ đều bị xói lở hàng chục mét, dân làng đang được khuyến cáo di dời. Với quan niệm “chống sạt lở để tạo cảnh quan chứ không phải chống sạt lở để phá cảnh quan”, ông đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng gần 200m bờ kè và trồng hàng chục rặng tre kiên cố dọc bờ sông để bảo vệ khu nhà vườn. Qua 3 năm kiên trì và đầu tư hơn 15 tỷ đồng, ông đã biến cồn cát hoang sơ trở nên tươi đẹp, duyên dáng như ngày nay.

Đến nay, trong tổng diện tích hơn 1ha của khu du lịch, ông Quốc đã cải tạo, xây dựng được 3 căn nhà, 2 khu biệt thự gồm 12 phòng, sườn tre, lợp tranh, vách gỗ với thiết kế cửa song sập, vừa giải quyết ánh sáng, vừa điều chỉnh nhiệt độ. Ngoài ra, trong khu còn có 3 hồ bơi; 1 nhà trưng bày, trình diễn sản phẩm làng nghề mộc và chiếu chẻ Triêm Tây, tất cả đều hài hòa với thiên nhiên và thân thiện với môi trường; không một cây nào bị chặt đốn, không cắt tỉa bờ tre dù rậm rạp…

Vẫn một không gian làng quê nhưng gọn gàng trau chuốt với những ngõ vắng quanh co, những ngôi nhà lưu trú bình lặng ẩn mình trong những bụi tre, vươn mình ra sông đón nắng, những vườn hoa rực rỡ sắc màu.

Ông Quốc quan niệm, du lịch sinh thái nông thôn không phải xây dựng những tòa nhà to lớn với tiện nghi hiện đại, dịch vụ đắt tiền mà phải thân thiện gần gũi với môi trường, để mọi du khách đều cảm thấy thoải mái với không gian quanh mình- đó mới chính là du lịch cao cấp.

Mang nông thôn vào di sản thế giới

Cũng từ khi có Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây, hơn 147 hộ dân trong làng đã không còn nơm nớp lo sợ sạt lở mỗi khi đến mùa mưa lũ, nhiều hộ dân di dời khỏi làng trước đây đã quay về. Đặc biệt hơn 20 người dân thôn Triêm Tây đã có việc làm thường xuyên trong khu du lịch với mức lương từ 3-6 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ gia đình làng nghề khác cũng được hưởng lợi từ dự án du lịch này.

Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây của ông đang rất hút khách, nhất là khách nước ngoài. Đứng trên tầng ba của ngôi biệt thự lộng gió nhìn về cồn cát đối diện, KTS Quốc tâm sự: Làm sao để khu du lịch kết nối với không gian bên ngoài, vươn ra sông và đến với cồn cát phía trước vẫn là điều tôi đang suy tính.

Ở châu Âu, tìm được một không gian như thế này hiếm lắm. Tôi sẽ đặt tên cho khu du lịch Triêm Tây là “du lịch di sản nông thôn”. Ông đang thương lượng với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các chuyên gia đến từ Hà Lan tìm kiếm viện trợ đầu tư hệ thống tưới nước cải tạo cồn cát đối diện Triêm Tây để trồng những loại hoa màu hợp lý, sau đó giúp người dân trong làng tổ chức dịch vụ đưa đón du khách qua sông trải nghiệm đời sống nông dân thuần chất Việt Nam.

Và khi đó “nông thôn sẽ là một di sản” và là nơi gìn giữ những điều bình dị nhất của làng quê Việt, đến đó du khách sẽ được hòa mình vào với đời sống nông dân để tìm hiểu từ cọng rau, cây cỏ, côn trùng, ếch nhái, rắn rết... những điều ngỡ như bình thường nhưng hết sức xa lạ và quý giá với nhiều du khách nước ngoài.

Vĩnh Lộc - Hồng Phong (Vĩnh Lộc - Hồng Phong )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem