Nguyễn Thị Bích Nhàn
Chủ nhật, ngày 30/06/2024 11:06 AM (GMT+7)
Kỳ thi quan trọng đầu tiên trong đời học sinh của tôi là thi tốt nghiệp Tiểu học. Gọi là quan trọng vì được thông báo nếu không vượt qua thì chẳng thể lên lớp 6. Sau này mới biết, kỳ thi đó hình như không có học sinh nào... rớt.
Nhưng nó là kỳ thi đã khắc tạc sâu thẳm vào ký ức tôi - vì đã diễn ra đúng ngày giỗ họ. Cơ khổ, tháng Sáu mới giỗ nhưng mới tháng Tư trẻ con trong họ đã trông ngóng rồi. Giỗ họ đông vui, hào hứng nhất là tiết mục chen nhau xếp hàng chờ người lớn chia bánh rồi tập trung ngồi quanh chiếc nia đặt dưới đất, chỉ là ăn cơm, bún với thịt luộc, canh, xào và bánh tráng nướng nhưng đứa nào cũng phấn chấn mặt mày. Năm đó, tôi đã đi thi trong tư thế "tập tễnh người đi tớ cũng đi" vì tiếc nuối bữa "đại tiệc" ở giỗ họ. Nhưng chiều đó, nội bốn vẫn đem sang cho sĩ tử nhí phần bánh cùng tô canh sườn non nấu với lá sú quấn thịt băm. Sĩ tử ngồi ăn mà lòng ngập tràn hạnh phúc...
Ngày qua tháng lại, rồi cũng kết thúc năm học lớp 9. Từ THCS qua THPT là một bước chuyển lớn nên sẽ có hai kỳ thi đang chờ phía trước. Hồi đó, tôi sớm đã có dự tính rồi. Xóm tôi hồi đó là vậy, nhiều anh chị chỉ mãn lớp 5, mấy anh chị nhà tôi đỡ hơn, học xong lớp 9 là nghỉ rồi đi học nghề, lấy chồng sinh con. Nên tôi cũng hồn nhiên mặc định cho mình theo công thức ấy như một sự rất đương nhiên. Nhưng tôi vẫn vui vẻ đi thi. Đậu tốt nghiệp rồi thì tiếp tục thi tuyển, chỉ là thi cho biết sức mình chứ không quan trọng đậu rớt nên chẳng có tẹo áp lực nào. Thi xong không thèm đi coi kết quả luôn.
Đúng là sự đời, người tính không bằng trời tính. Rồi một buổi chiều mới lùa bò vô chuồng, con bạn chạy xuống la to: Mầy thi đậu rồi, điểm cao, đi học với tao nghen, chứ bỏ uổng! Lúc đó chẳng hiểu sao lại tự nhiên nói "ừ". Vậy là thành học sinh lớp 10. Bấy giờ, tôi mới có cơ hội ra khỏi cái xóm nhỏ, mỗi ngày phải đạp xe ngang qua thị trấn giàu có của huyện bạn. Tới trường, được tiếp xúc với bạn bè ở những xã khác, tôi thấy nhiều bạn sạch sẽ tinh tươm chỉ hết học công rồi học tư chứ không phải lem luốc đi chăn bò cắt cỏ như mình. Lúc đó, tôi bắt đầu thấy những tấm lưng gò trên đồng ruộng như mẹ như chị là quá vất vả. Hơn bao giờ hết, tôi muốn bằng mọi giá, phải hiện thực hóa giấc mơ trở thành... cô giáo.
Lên năm 12, những ngày chuẩn bị cho kỳ thi cuối cùng của đời học sinh, tôi vẫn kiên trì cầm vở đi sau đàn bò. Bác Tám kêu: Mầy đưa tay ra tao coi, tao bảo nghỉ thì nghỉ đi, chớ vừa lùa bò vừa cầm sách tội quá! Tôi ngoan ngoãn đưa tay, bác phán: Thôi, có học cũng mất công thôi con, đường học ngắn ngủn, số mầy rớt bạch! - nói rồi bác cầm quyển sách ném chạch dưới đất, thôi, đi chơi với mấy đứa đi...
Tôi về, bắt đầu thấy hoang mang. Bạn bè ôn thi lò nọ cua kia từa lưa còn mình chỉ quanh quẩn mấy quyển sách giáo khoa và tập tài liệu trường phát. Bác nói đúng mà, có ai ôn thi tốt nghiệp, đại học chỉ bằng mớ tài liệu mỏng tang đó. Nhưng quan điểm của tôi là cứ cố gắng hết mình, rồi sau này có phải làm nông cũng không có gì để hối hận cả. Thật là điều nằm ngoài tưởng tượng, năm đó, kết quả thi THPT của tôi là Á quân của trường. Rồi sau đó, tôi đã kiên cường vượt qua kỳ thi khối C của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn.
***
Mấy tháng nay, thấy con quá lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, tôi nhớ lại những kỳ thi ngày xưa và nhận ra, dù mình chỉ học khá nhưng đã vượt qua các kỳ thi cần thiết chắc chỉ vì muốn vượt qua chướng ngại vật mà không phải chịu bất cứ áp lực gì, nên dặn con: Cứ cố gắng hết mình, chuyện đậu rớt đừng áp lực, vì đằng nào cũng sẽ có một con đường phía trước dù kết quả có ra sao...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.