Ký ức Tết trong tôi: Dư âm Tết để lại

Diệu Hằng Thứ sáu, ngày 07/02/2020 20:12 PM (GMT+7)
“Con dâu ơi xuống xem các chú ăn uống thế nào rồi dọn dẹp đi con”, lời ngoại tôi gọi mợ như thế trong những ngày Tết đã trở nên quá quen thuộc.
Bình luận 0

Mợ Hằng về nhà tôi làm dâu giờ đã 3 năm, nghe nói trước kia ba mợ có mợ là con gái út, trước mợ có hai chị nên mợ được cưng chiều nhất nhà. Từ ngày về nhà tôi, mợ phải làm quen những công việc nhà từ những cái nhỏ nhất.

Nhà ông bà tôi không thuộc hàng khá giả nhưng đủ ăn đủ mặc. Ông bà tôi lặn lội từ quê lên đây kiếm sống,ông bà không có lương, giờ chủ yếu là nhập giấy bìa từ những công ty chuẩn bị nghỉ tết dọn dẹp cuối năm. Vậy nên gia đình tôi có khi chiều tối 30 cũng chưa thấy Tết đâu vì còn ngập trong đống hàng từ trên công ty gọi xuống. Mợ, tôi và cả nhà phụ ông bà khuân hàng ra sau kho. Hàng hóa không biết từ đâu vào không đếm hết. Mọi người nói nhà tôi ham việc quá, 29 Tết rồi phải nghỉ ngơi đi chứ. Tôi còn là đứa trẻ ham chơi nên rất sợ những ngày này, thậm chí tôi còn hờn trách ông bà tôi sao cứ những ngày gần Tết lại nhiều công việc thế, người ta những ngày này nghỉ ngơi đi sắm Tết còn nhà mình thì như không hề thấy không khí Tết vậy.

img

Ảnh minh họa.

Ông tôi là người khó tính nên thấy tôi hờn vậy không dỗ mà còn mắng tôi té tát rằng nếu không có tiền thì làm sao có Tết. Ông bảo những ngày này họ mới dọn dẹp nhà cửa, công ty thì mới có nhựa có bìa cho nhà mình thu gom, mà ngày thường lấy đâu được như vậy nên phải tranh thủ. Ông ngoại nhắc đến mẹ tôi, ông nói rằng những người đi xuất khẩu lao động như mẹ tôi giờ này cũng làm gì có Tết mà phải làm việc vất vả thậm chí còn hơn những ngày bình thường.

Nghe ông nói vậy mà tôi đâu có cảm thấy được động viên, trong lòng vẫn sụt sùi ấm ức thầm so sánh với những nhà khác đang chuẩn bị đón Tết. Thấy tôi như vậy, mợ Hằng động viên tôi: “Cố gắng lên con gái, rồi mai mợ đưa con và các em đi sắm tết”. Nghe vậy tôi lại thấy mình được an ủi biết nhường nào. Tôi là đứa đi học đại học xa nhà, cả năm bù đầu trong đống bài tập trên trường rồi lại tất bật đi làm thêm nên về nhà chỉ muốn vứt hết mọi thứ để nghỉ ngơi mà thôi.

Tôi không được như mợ tôi, ngày thường đi dạy cấp hai tối về nhà dạy các em học, soạn bài cho ngày mai lên lớp. Những ngày Tết đến như vậy mợ cũng không khác ông bà tôi là mấy. Thế mà những ngày này mợ còn dậy sớm hơn ngày thường. Những ngày mùng 1 đến mùng 3 mợ dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị xôi gà dâng lên ông bà tổ tiên. Tôi không thấy mợ kêu ca hay phàn nàn gì cả mà lúc nào cũng niềm nở và thương tôi mỗi khi tôi từ xa về nhà. Tôi không thích ăn thịt mỡ, lại thích ăn đồ chay nên mợ luôn luôn chuẩn bị một mâm cỗ chay dâng lên ban Phật vừa để khi hạ xuống tôi được thụ lộc. Mâm bát những ngày này không biết bao nhiêu là xuể. Tôi vừa khuân giúp ông bà lại chạy qua phụ mợ hết ngày 29 Tết. Vừa rửa bát phụ mợ, tôi vừa hỏi mợ rằng mợ có bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay thậm chí chán ghét ngày này hay không vì Tết đến với nhà người ta chứ đâu có đến với nhà mình. Mợ chỉ cười nhẹ rồi nói với tôi: ”Con gái à! Người ta vất vả cả năm nên không có nghĩa là những ngày cuối năm không vất vả. Có cái gian lao người ta mới biết trân trọng những phút giây hạnh phúc. Tết là tháng ngày để con xem lại mình, thông cảm với người. Có khi con biết mình đã may mắn đến cỡ nào khi hiểu được sự nhẹ nhõm của một cái thở phào”...

Nhìn qua làn khói bếp của những nhà đang nấu bánh chưng tôi thấy thấp thoáng hình ảnh bà tôi đang cặm cụi gỡ sọt đựng hàng, ông dắt xe cho bà vào nhà thông báo rằng nhà mình chính thức nghỉ tết. Ngoài trời mưa phùn, cái lạnh len lỏi thấm qua từng ngón tay tôi mà sao mồ hôi trên tấm lưng dài của ông tôi vẫn thấm ướt… Mâm cơm hôm ấy vẫn là những miếng bánh chưng nhà tôi đặt không phải tự tay gói mà sao ăn thấy dậy lên mùi lá từ tay người gói. Mâm cơm ngày Tết quây quần bên mâm cơm có ông bà, cậu mợ, các em. Được ngắm nhìn nụ cười lấp ló trên khóe miệng nhiều vết chân chim của ông bà làm tôi thấy ấm lòng. Thời sự vẫn đang cập nhật tình hình thời tiết Tết, tiếng gà nhà ai gáy nghe xanh rờn sắc xuân sang. Cả nhà tôi cùng nhau đón một cái tết quây quần, giản dị đến vô cùng. Tôi nghe thấy tiếng gió thổi ngoài ban công hay là thấy tiếng thở phào nhẹ nhõm của ông bà tôi...

Vậy ấy, Tết đến là khi chúng ta có thể trưởng thành về cảm xúc, biết thông cảm cho những người ta yêu… Tôi của năm ấy giờ đã là một nhà báo, Tết năm nay thiếu đi ông bà ngoại, mợ tôi thoáng chốc đã bước qua tuổi trung niên, mái tóc nửa muối pha tiêu. Tôi chỉ tự trách mình giá mà khi ấy biết thương ông bà hơn. Công việc của tôi thỉnh thoảng phải đi lên những vùng sâu vùng xa như Cao Bằng, Lạng Sơn. Các em ở trên ấy lạnh lẽo lại thiếu thốn nhiều, có em bươn chải từ thuở nhỏ chăm bà ốm mà vẫn học giỏi. Cái Tết của các em đến từ miếng bánh chưng nhận từ các hội quyên góp, trong đó cũng có phần của tôi... Người ta thấy cái Tết bây giờ bão hòa đi nhiều vì những lí do khác nhau, còn tôi thấy Tết giờ là những phút giây có thể sống chậm lại, thấm thía lời dạy của mợ tôi, nỗi khổ của người khác và cảm thấy mình thật may mắn vì đã trưởng thành trước khi quá muộn… Tết ơi, hãy cứ lớn lên cùng tôi như vậy nhé!

Họ và tên: Nguyễn Thị Diệu Hằng

Đ/C: Số nhà 40, tổ 24B khu Hà Liễu phường Gia Cẩm thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ

SĐT: 0333244698

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem