Ở vùng hạ, tỉnh Long An, một trong hai huyện Cần giáp sông Soài Rạp quê tôi, sáu tháng nước mặn, tôm cá thiên nhiên ăn không hết, nhưng ngon nhất là cua gạch son nấu ăn với chén cơm gạo mới. Vùng đồng đất này khi ấy, một năm chỉ trồng một vụ lúa nhưng đủ cả, nào nàng thơm, nàng chá, bông xôi, đốc phụng,… hạt cơm lúc nào cũng dẻo thơm vì được nuôi dưỡng bằng nước phù sa trong sáu tháng. Những năm chiến tranh, bom đạn trút xuống ruộng vườn, có khi lúa chín rục nằm sát rạt, không người cắt, lúa chìm trong con nước ngọt lợ lên xuống sáng chiều…
Nhiều hôm, trên đường đi học, tôi thấy dấu cua bò (do cua mê kiếm ăn, nước rút không theo con nước xuống kịp đành vùi mình vào lớp bùn non, sền sệt). Tôi liền mò theo dấu cua, vào gò hoang lấy dây chuối trói nó lại, dấu nó bằng mấy cục gạch, đất. Có vài lần tôi treo cua lên cây, cua thí càng bò mất tiêu, chỉ còn lại cặp càng cua với sợi dây.
Con cua gạch son ở Cà Mau (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Rồi đến một lần, ba tôi thấy con đi học về, ngoài cặp còn có con cua kình tòn ten, liền chắc lưỡi: Cu nầy có tánh sát cá, chắc làm nghề "hà bá" lội sông. Nghề nầy cha mẹ khổ lắm rồi, ráng học làm thầy giáo đi con.
Cuối cùng, tôi không theo cha làm nghề nông, không theo ý nguyện của cha làm thầy giáo mà theo nghề thầy thuốc. Sau này còn cho cả hai cháu nội cũng làm thầy thuốc như tôi.
Nhớ khi học lớp đệ tứ, sắp thi Trung học đệ nhất cấp, tôi ham quá cái quần tec - gan hay đắc - rông ủi láng ót, có li, chứ mặc hoài cái quần ka - ki không oai, nên ráng bắt cua bán lấy tiền may.
Bắt cua bằng cách đặt rập rất thú vị. Cái rập cua làm cũng dễ, lấy hai thanh tre cột chéo, cột tấm lưới hay vải thưa bốn đầu tre, làm mồi treo ở chỗ giáp hai thanh tre, tòn teng, thơm phức. Nước lớn, tôi bắt đầu thả rập. Đi vòng vòng chơi canh dở rập, chỉ cần một cái cây cán dài, có cái móc và một cái vợt để vớt cua. Con cua cứ bám riết vô mồi, vớt không sẩy con nào. Mê lắm, cứ hai ngày được một thúng cua gạch son, mỗi con trên nửa ký. Cái quần mới đổi mười lăm ký cua các loại, bởi vậy khi mặc nó cái mặt tôi nghinh nghinh, quá tự hào.
Tháng chín, tháng mười, những ngày nước kém (mùng tám, mùng chín, hai mươi hai, hai mươi ba) nhiều người đi bắt cua bằng cách đào hang. Dụng cụ cũng không cầu kỳ, một cái móc sắt, một cái mác (dao dài), một cái giỏ mang ngang hông. Dọc theo bờ ruộng thấy hang có dấu cua mới bò, lấy mác đào rộng thêm, đưa móc vào kéo cua ra, có khi một hang có cua đực và cua cái chắc thịt đang chờ lột.
Có lần, tôi vừa thò tay vào hang thăm dò bị cua kẹp, đau thấu trời, nằm chịu trận chứ nhúc nhích cua kẹp chặt thêm… Nằm hồi lâu, nước từ từ dâng lên, chịu hoài sao, đành bậm môi, cắn răng, tay trái nắm chặt bắp tay phải kéo cua ra, máu chảy theo mai cua. Tôi trở cán mác đập con cua to bằng bàn tay nát bét, lấy đất đắp lên chỗ cua kẹp, chạy về nhà rửa sạch, băng lại, ê ẩm bàn tay ba ngày không cầm viết được…
Bây giờ quê tôi đắp đập ngăn mặn, trồng lúa hai ba vụ, cua đồng còn hiếm, nói chi cua biển, cua gạch son. Nhiều khi vui vui, kể chuyện bắt cua, cho mấy đứa nhỏ hay các đồng nghiệp trẻ nghe, nó nói mình kể chuyện thần thoại. Với thời giá hiện nay, người quê tôi một ngày chỉ cần bắt một ký cua, thu nhập cũng đủ đong bữa chờ mùa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.