Lại ồ ạt vỡ nợ cà phê

Thứ sáu, ngày 13/04/2012 10:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày gần đây, hàng trăm nông dân trên địa bàn huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông lại hốt hoảng khi nhiều doanh nghiệp, đại lý cà phê liên tiếp vỡ nợ.
Bình luận 0

Nông dân điêu đứng

Chiều 11.4, hàng trăm nông dân đã tụ tập chen lấn tại đại lý cà phê Lan Diệu ở thôn Thuận Thành, xã Thuận An – với hy vọng lấy được tiền bán cà phê. Công an xã phải huy động lực lượng đến vãn hồi trật tự, ngăn chặn những hành động quá khích, vận động người dân bình tĩnh ra về.

img
Nhiều người dân kéo đến đại lý cà phê Lan Diệu đòi nợ.

Ông Lộ Văn Quận – thôn Thuận Thành – nói trong nước mắt: “Trước tết, vừa thu hoạch cà phê xong tôi đã ký gửi cho bà Lan 5 tấn cà phê nhân, chờ giá lên cao một chút mới chốt giá bán. Để có tiền đầu tư chăm sóc cà phê và nuôi 4 đứa con ăn học, tôi phải thế chấp bìa đỏ vay Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện 200 triệu đồng. Vừa rồi đến hạn trả ngân hàng, tôi chốt giá lấy tiền thì bà Lan nói đợi thêm ít bữa, ai ngờ chiều nay cả trăm người vây đến… Nếu bà Lan không trả, ngân hàng kê biên rẫy, chúng tôi biết sống bằng gì, các con tôi làm sao đến trường?”.

Còn ông Đỗ Phước Hân – thôn Thuận Hạnh thì ngồi chết lặng khi nghe tin đại lý cà phê này vỡ nợ. Vụ vừa rồi ông thu hoạch được 4,6 tấn cà phê, gửi 3 tấn cho đại lý cho đại lý Thảo Lập, còn 1,6 chở vào cho Lan Diệu.

Ông Lê Quốc Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Min cho biết: “Tôi mới nghe thông tin vỡ nợ, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng và UBND các xã báo cáo. Nếu diễn biến phức tạp, huyện sẽ tổ chức họp, chỉ đạo hướng giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể”.

Ông Hân cay đắng: “Sáng nay vợ tôi bảo tới đòi nợ, thấy cái gì đáng tiền thì lấy về để vớt vát phần nào, nhưng cả trăm người ở đó thì mình tới làm gì nữa. Bà con về nói với tôi là trong kho của đại lý có nhiều bao chất đống, nhưng toàn là vỏ trấu chứ không phải cà phê. Còn bà chủ thì nói chờ ông chồng ở Sài Gòn về, cân đối cho mỗi người một ít phân bón, còn nợ nần thì sau này mới tính được. Thấy người ta gửi thì mình cũng gửi, chứ tôi thậm chí không biết tên họ đầy đủ của bà Lan là gì, bây giờ mới chết đứng”.

Ông Phạm Quốc Toản – Trưởng Công an xã Thuận An cho biết: “Tôi nói với chị Lan là còn xe cộ, nhà cửa, đất đai thì cố gắng bán hết để trả nợ cho dân. Mặc dù đã hướng dẫn bà con viết đơn cụ thể, nhưng họ mới đến Công an xã trình báo miệng nên chúng tôi chưa thống kê được số nợ là bao nhiêu”.

Hàng trăm tấn cà phê đi đâu?

Trước đó vài ngày, DNTN Trúc Huyền ở xã Đức Minh, cũng bị cơ quan thuế thu hồi hóa đơn vì nợ thuế gần 3 tỷ đồng, nhiều người dân ký gửi cà phê dồn dập kéo đến đòi nợ. Còn HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh An cũng ở xã Đức Minh thì đang nợ 115 người dân, 2 tổ chức tín dụng 10 tỷ đồng và 90 tấn cà phê nhưng không còn sổ sách, chứng từ gì khi cơ quan chức năng gõ cửa.

Theo ông Nguyễn Văn Lục - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đăk Mil, các doanh nghiệp nhận cà phê khi giá còn thấp, phần lớn là từ năm 2010 trở về trước. Số cà phê này họ đã bán hết, lấy tiền sử dụng vào mục đích khác, như đầu tư mua bất động sản. Gần đây giá cà phê tăng gần gấp đôi, dân chốt giá bán nhiều, trong khi lượng gửi vào ít hơn nên các doanh nghiệp, đại lý mất khả năng thanh toán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem