Bè thủy sinh cải thiện ô nhiễm môi trường nước

Vũ Quyền Chủ nhật, ngày 22/10/2023 12:15 PM (GMT+7)
Những chiếc bè thủy sinh được làm từ cây thủy trúc đã được lắp đặt trên tuyến rạch Đất Sét, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM để cải thiện môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bình luận 0

Bè thủy sinh lọc nước ô nhiễm

Tuyến rạch Đất Sét, khu phố 3B (đoạn từ cầu Ga đến cống Cầu Đồng) có tổng chiều dài khoảng 300m, đã được kiên cố hóa với kết cấu bê tông cốt thép, có lan can sắt bảo vệ ngoài ra còn có hệ thống cây xanh, hoa cặp hai bên bờ rạch tạo mỹ quan đô thị.

Theo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Thạnh Lộc, trên tuyến rạch này vẫn còn một số hộ dân, hộ kinh doanh hai bên bờ rạch xả nước thải trực tiếp ra tuyến rạch. Song song đó, một số người thiếu ý thức vẫn xả rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa xuống.

Làm bè thủy sinh cải thiện môi trường nước tại nơi ô nhiễm - Ảnh 1.

Tuyến rạch Đất Sét có nhiều dây leo, cỏ tạp mọc gây tắc nghẽn dòng chảy. Ảnh: Vũ Quyền

Nhiều đoạn của tuyến rạch thường xuyên bị dây leo, cỏ tạp mọc không kiểm soát kết hợp với rác thải nhựa nên gây tắc nghẽn dòng chảy. Ngoài ra, tuyến rạch không có nước ra vào thường xuyên do cống ngăn chiều tại hai đầu, dẫn đến việc rửa trôi bùn lắng tại tuyến rạch cũng bị hạn chế, mùa nắng thường xuyên bốc mùi tanh hôi.

Nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường trong khu dân cư trên địa bàn phường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Thạnh Lộc mới đây đã phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn phường ra quân tổng dọn vệ sinh, vớt rác, làm cỏ... khơi thông dòng chảy trên rạch, đồng thời lắp đặt 5 bè cây thủy sinh.

Mỗi bè thủy sinh có kích thước 2m x 4m, được làm bằng ống nhựa, khung sắt, lưới sắt cố định, chứa 40-60 cây thủy trúc. Các bè được đặt cách nhau khoảng 20m, có neo cố định và có thể lên xuống theo mực nước ra vào tuyến rạch.

Làm bè thủy sinh cải thiện môi trường nước tại nơi ô nhiễm - Ảnh 2.

Tuyến rạch thường xuyên bốc mùi tanh hôi khi trời nắng. Ảnh: Vũ Quyền

Chị Đinh Thị Cẩm Chân (ngụ quận 12) cho hay, mỗi khi đi ngang qua khu rạch Đất Sét và một số kênh rạch trên địa bàn quận thấy mùi bốc lên rất khó chịu. Nhiều lần thấy những bạn bên đoàn thanh niên, bên môi trường đô thị... thực hiện làm sạch, khơi thông nhưng những mùi đó vẫn còn.

"Thấy kênh xuất hiện thêm một số bè thủy sinh, tôi thấy rất đẹp, nhìn con rạch trở nên xanh hơn, giảm bớt màu đen của dòng nước. Tôi cũng từng tìm hiểu và được biết cây thủy trúc rất hợp với nước và có tác dụng làm sạch nước, giảm mùi hôi, giúp bảo vệ môi trường. Hy vọng rằng phương pháp này có hiệu quả và sẽ được nhân rộng hơn nữa để giúp nguồn nước các kênh rạch trở nên sạch hơn", chị Cẩm Chân bày tỏ.

Vừa tạo cảnh quan đô thị, vừa bảo vệ môi trường

Theo Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Thạnh Lộc Nguyễn Đức Vinh, các tuyến kênh rạch trên địa bàn quận 12 nói chung và địa bàn phường Thạnh Lộc nói riêng đều được theo chủ trương nhà nước là bê tông hoá. Tuy nhiên, môi trường nước của các tuyến kênh, rạch chưa được cải thiện.

Do đó, từ các hoạt động tình nguyện, bản thân anh cũng các bạn trẻ của phường đã nghĩ đến việc lắp đặt, thiết kế bè thủy sinh để cải thiện môi trường nước, cũng như tạo môi trường sống cho các sinh vật ở dưới nước.

Làm bè thủy sinh cải thiện môi trường nước tại nơi ô nhiễm - Ảnh 3.

Các bè thủy sinh được lắp đặt để cải thiện môi trường nước. Ảnh: Vũ Quyền

Trên cơ sở từ sự đánh giá, góp ý của các chuyên gia về việc sử dụng một số loài cây để cải thiện môi trường nước, đoàn phường đã phối hợp với các đơn vị để thực hiện ý tưởng xây dựng, lắp đặt các bè thủy sinh này.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Lộc, quận 12 cho hay, mô hình bè thủy sinh này rất có hiệu quả, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân tại địa phương. Việc trồng cây thủy sinh trên các tuyến kênh rạch không chỉ có tác dụng lọc nước, tạo môi trường thông thoáng cho các tuyến rạch và tạo cảnh quan đô thị. Trong khi đó, bè thủy sinh có giá rẻ vì được làm từ vật liệu như ống nhựa PVC. Ngoài ra, cây thủy trúc trên địa bàn phường cũng có thể trồng được.

Đặc biệt, bè thủy sinh có tính chất di động, khi nước lên thì bè sẽ lên và nước xuống thì bè sẽ xuống theo. Những lúc nước cạn, nước tích trữ ở rễ giúp cây không ảnh hưởng, khi nước lên lại, cây vẫn tiếp tục sinh sống và phát triển tiếp.

"Ngoài ra, việc này cũng có thể mang lại giá trị kinh tế, các cây thủy trúc sau khi thu hoạch sẽ được bán cho các tiệm hoa để họ sử dụng", Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Lộc, nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem