Lâm Đồng: Người trồng mắc ca sẽ được hỗ trợ giống, vốn và bao tiêu sản phẩm

Đình Thắng Thứ hai, ngày 01/08/2016 13:37 PM (GMT+7)
“Người trồng mắc ca đang có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển khi được hỗ trợ giống cây trồng, cho vay vốn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết tại một cuộc họp gần đây về phát triển cây mắc ca tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận 0

Hỗ trợ 60.000 cây giống

Tại cuộc họp phát triển cây mắc ca tỉnh Lâm Đồng do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 7, có sự góp mặt của các sở ban ngành của tỉnh cùng đại diện của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Công ty Cổ phần Him Lam, ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Tại cuộc họp này, đại diện Sở NNPTNT cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích cây mắc ca trồng xen tại Lâm Đồng đạt 3.500-4.000ha tại các địa phương gồm huyện Lâm Hà (trên 1.000 – 1.300 ha), Bảo Lâm (1.000 – 1.100 ha) Đức Trọng (160ha), Đam Rông (84ha), Bảo Lộc (56ha).

Đối với huyện Đơn Dương duy trì diện tích cây mắc ca hiện có, xem xét trồng thử nghiệm cây mắc ca trong vườn cà phê trên những diện tích đất dốc để phát huy hiệu quả sử dụng đất. Giai đoạn từ 2021-2030, tiếp tục mở rộng diện tích cây mắc ca tại những khu vực có điều kiện để phát triển cây mắc ca một cách bền vững. Đến năm 2030, tổng diện tích trồng mắc ca tại Lâm Đồng đạt 12.000-15.000ha, diện tích thu hoạch khoảng 4.000 ha, năng suất bình quân 2 tấn/ha, sản lượng 8.000 tấn hạt/năm.

img

Người trồng mắc ca tỉnh Lâm Đồng sẽ được hỗ trợ cây giống, vay vốn và bao tiêu sản phẩm.

Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch cụ thể vùng trồng mắc ca, nông dân rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất mắc ca. Về hỗ trợ giống mắc ca, ông Phan Hưng Long - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Him Lam cho biết: “Công ty chúng tôi đã đầu tư vườn ươm giống mắc ca quy mô 10 ha, đây là vườn ươm quy mô lớn và hiện đại bậc nhất, với khả năng cung cấp 1 triệu cây giống mắc ca/năm, tổng đầu tư ở thời điểm hiện tại là 30 tỷ đồng. Trong năm 2016 chúng tôi cam kết hỗ trợ cho nông dân trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 60.000 cây giống mắc ca để bà con yên tâm sản xuất mở rộng vùng trồng”.

Đối với vấn đề hỗ trợ vốn sản xuất, đại diện ngân hàng Bưu điện Liên Việt khẳng định: “Chúng tôi đã đưa ra chính sách rất ưu đãi cho người trồng mắc ca, các cá nhân, tổ chức được hỗ trợ vay 100% vốn để phát triển mắc ca nếu có tài sản đảm bảo, còn trường hợp không có tài sản đảm bảo được cho vay 70% vốn, thời hạn vay tối đa 10 năm, lãi suất 9%, ân hạn trả gốc và lãi suất tối đa là 5 năm, đến năm thứ 6 người vay mới phải trả cả vốn lẫn lãi. Đây là chính sách rất tốt để bà con vay vốn. Các ngân hàng khác chỉ cho vay thời gian tối đa là 3 năm”.

“Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới của tỉnh Lâm Đồng là cần quản lý giống chặt chẽ, bởi đây là khâu quan trọng đầu tiên quyết định chất lượng mắc ca sau này, việc quản lý giống hiện nay còn lúng túng, vấn đề này cần giải quyết ngay để tránh thiệt hại cho người trồng mắc ca”.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Hội Nông dân tổ chức tập huấn và thành lập các tổ hợp tác

Với kế hoạch mở các lớp tập huấn cho người trồng mắc ca của Hội Nông dân, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Toàn bộ kinh phí mở lớp tập huấn, đào tạo dạy nghề sẽ được tỉnh hỗ trợ, Hội Nông dân cần phối hợp tốt với các sở ban ngành liên quan để triển khai tốt các lớp tập huấn đồng thời làm tốt việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất mắc ca. Về tiêu thụ sản phẩm, hiện nay Công ty Cổ phần Him Lam đang kết hợp với các nhà máy chế biến mắc ca trong vùng để đảm bảo thu mua toàn bộ mắc ca của người dân. Bên cạnh đó Him Lam đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến tiêu thụ ít nhất 5.000 tấn/năm, bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2018, vậy nên người trồng mắc ca yên tâm sản xuất”.

Nói thêm về vai trò của Hội Nông dân trong việc này, bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó chủ tịch Hội Nông dân Tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Nông dân trong tỉnh rất quan tâm về việc trồng cây mắc ca, hiện nay Hội Nông dân tỉnh đang vận động triển khai thành lập 3 tổ hợp tác trồng mắc ca tại 3 xã Lâm Hà, Tân Hà, Di Linh thuộc huyện Bảo Lâm, đồng thời sẽ tiến hành mở các lớp tập huấn đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng mắc ca”.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Cúc, nông dân trồng mắc ca thôn Lộc Xuân, xã Phú lộc, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) chia sẻ: “Trong vài năm gần đây, nhiều bà con trong vùng đã mở rộng diện tích trồng mắc ca, hiện nay khu vực này đã trồng trên 30 ha, nhà tôi cũng đã mở rộng trồng được 7 ha, vừa làm giống bán, vừa thu mua hạt của bà con. Bà con trong vùng đang có nhiều lo lắng về giống cây mắc ca, bởi cũng có nhiều nơi bán giống mà chất lượng thì cũng khó kiểm soát”.

Về giống cây mắc ca, ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng thư ký hiệp hội Mắc ca Việt Nam đề xuất: “Có một vấn đề bức xúc là về giống, tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường kiểm soát giống, người dân hiện nay đang đua nhau mua giống nhưng không kiểm soát được chất lượng, vậy nên vấn đề này cần được kiểm soát chặt chẽ”.

Ông Huy cho biết thêm, hiện nay sản phẩm mắc ca chưa nhiều, nhưng khi sản phẩm dồi dào thì sẽ xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán bởi đầu nậu trong nước mà đặc biệt là từ Trung Quốc sang. Vì vậy tỉnh Lâm Đồng cần chủ động đưa ra các biện pháp đề phòng hiện tượng này sẽ xảy ra trong tương lai gây xáo trộn, bất ổn cho thị trường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem