Gỡ khó về kỹ thuật và vốn cho mắc ca

Đình Thắng Thứ hai, ngày 06/06/2016 14:00 PM (GMT+7)
Đoàn các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam mới đây đã có chuyến khảo sát về tình hình trồng cây mắc ca tại tỉnh Sơn La. Tại đợt khảo sát này, ông Dương Công Minh- Chủ tịch Hiệp hội cam kết sẽ hỗ trợ các các hộ trồng mắc ca ở Sơn La quy hoạch lại vườn trồng đúng tiêu chuẩn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến...
Bình luận 0

Thu hoạch đều đặn, chi phí chăm sóc ít

Dẫn đoàn cán bộ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vào thăm vườn, chị Hà Thị Trang, một hộ dân đang trồng mắc ca ở phường Chiềng Xinh, TP.Sơn La cho biết, đây là vườn mắc ca được trồng từ năm 2000, thuộc dự án khảo nghiệm của tỉnh Sơn La.

Chị Trang cho biết: “Bắt đầu từ năm thứ 10, khoảng 150 cây mắc ca trên diện tích 3.000m2 của tôi cho thu hoạch rất đều đặn, bình quân mỗi cây thu được khoảng 30kg quả/vụ, có một số cây cá biệt đạt 120kg quả/vụ. Giá quả mắc ca tươi trong những năm qua dao động từ 150.000 -200.000 đồng/kg. Từ năm 2010 đến nay, tôi thu hoạch khoảng 4 tấn quả mỗi vụ, cho thu hoạch vài trăm triệu đồng mỗi năm, chi phí chăm sóc vườn mắc ca không lớn, chỉ khoảng 5%, chủ yếu là tiền thuê người trông nom vườn cây”.

img

Vườn giống mắc ca của ông Đặng Bá Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Sơn La hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều giống tốt cho bà con nơi đây.  Đ.T

Quan sát vườn mắc ca của gia đình chị Trang, Giáo sư Hoàng Hòe – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá: “Vườn mắc ca này phát triển rất tốt và nếu có một số điều chỉnh trong quy trình chăm sóc, vườn mắc ca này có thể tăng năng suất được 30% nữa, cụ thể cần tỉa đi 20% số cành để tăng lượng ánh sáng chiếu vào để nuôi dưỡng cây phát triển, hạn chế sâu bệnh, tỷ lệ rụng quả sẽ giảm đi vì lúc đó cây được quang hợp nhiều hơn, khỏe hơn”.

Tại TP.Sơn La, hiện có khá nhiều mô hình trồng mắc ca đã định hình và cho thu hoạch đều đặn như chị Trang. Chúng tôi đến thăm vườn mắc ca của Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La tại phường Chiềng Xinh. Vườn mắc ca của Trung tâm có 201 cây mắc ca trồng xen cùng 3.000 cây cà phê. Đây là một trong những mô hình trồng mắc ca thành công ở Sơn La.

Chị Ngô Thị Hậu, phụ trách nông nghiệp của trung tâm cho biết: “Năm 2015, vườn mắc ca cho thu hoạch xấp xỉ 1,8 tấn quả tươi, có cây cho 35kg quả/vụ, còn trung bình mỗi cây cho 20kg quả/vụ. trung tâm đang tập trung đẩy mạnh nhân giống, phát triển 4 dòng mắc ca được Bộ NNPTNT công nhận là: OC, 246, 816, 846. Hiện nay trung tâm có 5 vạn cây giống, trong đó có 5.000 cây ghép, số cây cây đã ghép được các học viên thực hiện, tỷ lệ thành công lên tới 80%”.

Nông dân cần địa phương đồng hành

Trong đợt khảo sát này, vườn mắc ca của ông Đường Văn Thông, xã Hua La, TP.Sơn La được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá cao nhất. Vườn mắc ca có 235 cây được trồng xen với cà phê từ năm 2003, với diện tích 3ha. Sau 10 năm vườn mắc ca này cho thu hoạch đều đặn trung bình mỗi cây thu được 30kg quả tươi, cá biệt có những cây cho 70kg quả.

Chủ vườn Đường Văn Thông chia sẻ: “Sau hơn 13 năm trồng mắc ca, tôi nhận thấy cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở đây. Người dân rất hào hứng với loại cây này vì không cần chăm sóc nhiều cây cũng phát triển tốt. Tuy nhiên, về mặt tâm lý cũng có một số người dân băn khoăn vì trồng mắc ca phải đến năm thứ 4 mới cho thu hoạch, và người dân không có vốn để đầu tư cho cây mắc ca. Vì vậy tôi nghĩ rằng nếu Nhà nước, các bộ ngành quan tâm khuyến khích hỗ trợ, người dân sẽ yên tâm trồng mắc ca hơn”.

Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Tỉnh Sơn La khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng các hộ nông dân tham gia trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây mắc ca, đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp”.

Cây mắc ca được đưa vào trồng tại tỉnh Sơn La từ năm 2000 theo dự án trồng khảo nghiệm. Đến nay, sau gần 16 năm triển khai tổng diện tích cây mắc ca tại địa phương này đã trên 100ha trồng trên địa bàn các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và TP.Sơn La. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, một số mô hình trồng cây mắc ca đã định hình, cho sản lượng quả tương đối cao. Đây là loại cây trồng bổ sung để khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu của tỉnh từng bước tăng thêm việc làm, thu nhập cho người dân...

Trước khó khăn về vốn của người trồng mắc ca ở Sơn La, ông Dương Công Minh cho biết: “Hiệp hội sẽ tư vấn, hỗ trợ và làm trọng tài cho các hội viên, nông dân trồng mắc ca ở Sơn La nói riêng và ở các địa phương trồng mắc ca nói chung. Chúng tôi sẽ vào cuộc ngay lập tức để hỗ trợ giúp các các hộ trồng mắc ca ở Sơn La quy hoạch lại vườn trồng đúng tiêu chuẩn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến”.

Về nhu cầu vốn, ông Minh cho biết, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt sẵn sàng hỗ trợ vốn để các hộ trồng mắc ca yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo quy hoạch đã được Bộ NNPTNT ban hành, từ nay đến năm 2020, diện tích trồng mắc ca cả nước chỉ giới hạn ở ngưỡng dưới 9.940ha, trong đó chỉ có gần 2.400ha trồng tập trung, có nghĩa là từ nay đến năm 2020, diện tích trồng mới cây mắc ca gần như không được tăng thêm. Lý giải điều này, Bộ NNPTNT cho rằng, Bộ đã tham vấn rất nhiều đơn vị trong nước cũng như tổ chức nhiều hội nghị, từ đó mới khẳng định được quy mô làm sao bước đầu phát triển theo hướng bền vững, có hiệu quả nhất. Khảo sát của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, tại nhiều địa phương hiện chưa có doanh nghiệp nào cam kết bao tiêu đầu ra, cung ứng vốn để người nông dân yên tâm trồng cây mắc ca.

P.V

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem