Làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi có nguy cơ biến mất

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 11/09/2015 06:00 AM (GMT+7)
Thiếu vốn sản xuất, chi phí tăng cao, công nghệ lạc hậu, đầu ra bấp bênh… khiến hàng trăm cơ sở sản xuất gạch gốm ở Vĩnh Long phải ngừng hoạt động. Theo người dân, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ thêm vốn thì làng nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi này sẽ biến mất.
Bình luận 0

Nợ nần chồng chất

Huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long từ lâu được mệnh danh là “vương quốc” gạch gốm miền Tây, tuy nhiên danh hiệu này hiện nay đang dần lụi tàn theo năm tháng. Ông Đào Văn Triệu- chủ một cơ sở sản xuất gạch ở ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Phước than: “Giá trấu dùng để nung gạch liên tục tăng. Nếu như năm 2010, trấu chỉ có 500 đồng/kg nhưng hiện nay lên đến 1.100 đồng/kg. Đối với giá đất sét mua vào không tăng nhưng khối lượng người dân bán ra ngày càng thấp nên số viên gạch làm ra ít”.

img

Ông Triệu hiện đang thiếu ngân hàng 2,5 tỷ đồng nhưng không có khả năng trả. Ảnh:  HUỲNH XÂY

“Giá bán gạch tại địa phương là 700-750 đồng/viên nhưng các vùng khác bán với giá thấp hơn, chất lượng hơn. Trước thực trạng trên, 6 lò nung của gia đình tôi phải ngưng hoạt động, nợ ngân hàng 2,5 tỷ đồng không có khả năng trả. Hiện tài sản đã bị kê biên” – ông Triệu đau buồn nói.

Cùng hoàn cảnh như ông Triệu, ông Đỗ Văn Dư, ấp Cái Cạn 2 (xã Mỹ Phước) cũng vô cùng khốn khổ. Theo ông Dư, gia đình đã dồn hết tâm huyết, vay nhiều nguồn vốn để đầu tư 2 lò nung lớn nhưng hiện nay 2 lò nung này không thể hoạt động được nữa.

Ông Dư nói: “Nếu hoạt động thì lỗ tiếp nên không làm nữa. Tôi đang rao bán nhưng cũng không ai mua. Gia đình đang thiếu ngân hàng trên 1 tỷ đồng, không biết làm sao để trả nợ và tiền lãi”.

Nhiều hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng đã bỏ quê đi lên TP.HCM, Bình Dương làm thuê.

Hỗ trợ nhỏ giọt

" Nếu hoạt động thì lỗ tiếp nên không làm nữa. Tôi đang rao bán nhưng cũng không ai mua. Gia đình đang thiếu ngân hàng trên 1 tỷ đồng, không biết làm sao để trả nợ và tiền lãi đây”.
Ông Đỗ Văn Dư

Ông Phan Cảnh – Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Mang Thít cho biết: “Đã có 381/967 cơ sở sản xuất gạch trong huyện ngừng hoạt động. Trong đó có 85 cơ sở với 170 lò nung thủ công đã tháo dỡ (mỗi cơ sở có nhiều lò nung). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cơ sở hoạt động không có lợi nhuận, sản phẩm khó cạnh tranh với các khu vực khác”.

Để khắc phục những nhược  điểm của lò nung truyền thống, năm 2012, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long đưa vào thử nghiệm lò nung gạch liên hoàn (ít tốn trấu, rút ngắn thời gian nung gạch). Tuy nhiên, đến nay, số lượng các lò nung gạch liên hoàn rất ít. Riêng tại huyện Mang Thít chỉ có 14 cơ sở được chuyển đổi. Nguyên nhân là do chi phí chuyển đổi cao (từ 1- 4,5 tỷ đồng/lò tùy theo quy mô), chính sách hỗ trợ chưa giúp được người dân (chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở).

Theo nhận định của các chủ lò gạch thì thực tế lò nung gạch liên hoàn có hiệu quả hơn lò gạch truyền thống nhưng số vốn hỗ trợ chuyển đổi quá thấp trong khi đó sản phẩm làm ra vẫn khó bán; tiền vay và lãi suất ngân hàng ngày càng nhiều nên người dân vẫn không mặn mà cho lắm.

Ông Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Agribank Mang Thít cho biết: “Nợ xấu đang tăng rất cao, phía ngân hàng chúng tôi gặp phải nhiều áp lực. Hy vọng, thời gian tới, Nhà nước xem xét, đưa ra một chính sách hỗ trợ vốn cụ thể, thiết thực hơn để cứu nông dân, nếu không làng nghề có từ hàng trăm năm nay sẽ biến mất”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem