Tôi đang cố tìm mình trong nơi ấy bằng những khám phá muộn màng về chính cái làng ở nơi cửa rừng độc đáo của mình.
Cái tên đất "cửa rừng" một thời là nỗi ám ảnh của thợ thuyền. Dân đường xuôi vốn sống trên nền phù sa yên lành giờ lên đến nơi đồng ruộng chưa át núi, muôi mòng, rắn, vắt chưa thèm nể sợ những mái rạ quần cư.
Dốc Quèn như cánh cổng làng tôi
Nghe người già kể, làng tôi khi đó nhà nào cũng phải tập tọng nuôi chó săn, cung, nỏ, mác, rựa.. luôn mài sắc gác trong sân. Ngoài vườn là các loại hạt, lá chữa rắn cắn, dịt vết thương. Từ mấy bác dân quê chỉ quanh năm cày, bừa, cấy hái, họa lắm mới biết thổi sì đồng, úp cá, trèo tổ sáo nay phải buộc lòng làm phường săn nên ban đầu cũng cơ cực lắm. Nhưng rồi đất cũng mến người, làng cũng được khẳng định bằng những xóm được mở rộng, vết chân người cần mẫn khiến cỏ không còn mọc được.
Vậy mà, chiều nay trở lại, đất cửa rừng ấy vẫn còn nguyên những dấu tích xưa. Trước khi vào làng Tiên Lữ của tôi, phải đi qua một dốc quèn nhỏ. Xưa kia, người làng phải đi vòng hoặc leo qua bức tường đá ấy, nhưng từ khi những người công binh xẻ núi rồi hi sinh trong một trận bom, con dốc với hai vách đá dựng đứng như cách cổng làng trầm mặc khiến những ai qua đây không quên phút cúi đầu ngược nhìn tấm bia không chữ.
Làng tôi giờ đã phẳng phiu những cánh đồng, những nghề rừng thì đã thuần thục. Rừng đâu chỉ phủ xanh những mảnh đồi xa mà tràn về khắp vườn nhà. Những vũng nước nguồn xưa đen thẫm lá cây mục giờ là ao sen xanh điểm những chúm hồng giữa trưa nắng hè. Vườn xoan xen kẽ với thanh hao, những suối rừng giờ dẫn nước về ao thả cá nhưng vẫn hung hãn mỗi độ mưa nguồn.
Cua đá trong khe vẫn là món ăn khoái khẩu dù giờ đây cua đồng cũng được nuôi, những vườn rau giờ đã phải bón thêm phân chuồng khi lớp đất thịt đen ngày nào đã bạc màu nhưng vẫn dung túng khối loại rau rừng hăng, ngái nhưng thanh sạch.
Sen vườn vẫn nở trưa hè
Lang thang khắp làng trong trời chiều xế bóng, tôi cứ hồi hộp nghĩ đến từng dấu tích rừng xưa sẽ biến mất. Nhưng đâu đây vẫn gặp những gian nhà cổ xây đá ong, thổ âm người làng vẫn vậy.
"Cái nước" ở đất này không thay được tiếng nói của người miền Sơn Nam Hạ. Giờ gặp nhau là hỏi thăm vụ lạc vừa qua, mải phơi thanh hao cấy vụ mùa có kịp, là rừng xoan gai cao đến chừng nào…
Bà tôi, giờ tuổi đã gần một thế kỉ sống trên mảnh đất này nhưng vẫn chống gậy đi thăm con cháu trong làng. Ai gặp cũng nhường đường cụ - người phụ nữ một thời vừa đảm đang việc nhà, vừa khéo vót tên cho chồng và phường săn nức tiếng. Bà như một chứng nhân của làng nhưng rất kiệm lời. Chỉ thi thoảng thấy điều không phải lẽ mới cất tiếng.
Tôi lặng lẽ theo chân bà, men những bờ bai, leo lên những con dốc nhỏ, sang xóm bên ngoại là đất thông gia của nội. Vẫn còn đây khối đá cao trước cửa nhà dấu tích của lần lở núi. Những mảnh nhỏ được cậu tôi mài nhẵn thành bộ bàn ghế, dẫu nhà ngoại có san lấp phẳng phiu hơn nhưng vẫn như các nhà đất cửa rừng này, còn lưu dấu tích một thời hiểm nguy khó nhọc.
Đất làng tôi là thế, cửa rừng chẳng còn nhiều lâm sản bởi rừng giờ do mình trồng, chẳng còn hiểm nguy vì thú rừng đã hết, nhưng vẫn là một kỉ niệm đẹp trong lòng tôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.