"Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được với công nghệ livestream bán hàng thì khả năng rất cao là sẽ bị đào thải" là nhận định của Livestreamer ViruSs - ông Đặng Tiến Hoàng, Tổng Giám đốc 108 Gaming (công ty chuyên đào tạo các streamer, YouTuber), tại Hội thảo “Bán hàng với công cụ và công nghệ mới - Chinh phục các thị trường tỷ dân”, diễn ra chiều nay (14/3), tại TP.HCM.
Doanh nghiệp hoặc phải học livestream bán hàng hoặc chấp nhận bị đào thải
Với kinh nghiệm 13 làm livestream, hiện vừa làm founder, vừa quản lý (khoảng 300 nhân viên), vừa là người trực tiếp livestream bán hàng, Livestreamer ViruSs cho rằng, hiện nay là thời kỳ của các chuyên gia bán hàng.
"Xu hướng hiện nay là CEO đứng trước khách hàng nói về sản phẩm của mình, như Steve Jobs trước đây hay Elon Musk và Mark Zuckerberg bây giờ", Livestreamer ViruSs nói.
Theo chuyên gia này, các doanh nghiệp Việt Nam hãy cố gắng học livestream bán hàng, vì đó là phương thức rẻ và hiệu quả nhất. Để làm livestream bán hàng, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống.
"Các báo cáo cho thấy trang livestream Tiktok thấp nhất cũng tiếp cận được đến hơn 250 người. Một thống kê cho thấy một livestreamer bán sách hiệu quả thậm chí có số lượng khách hàng tiếp cận nhiều hơn một nhà sách mở tại quận 1", ViruSs dẫn chứng.
Cũng theo chuyên gia này, các doanh nghiệp cũng không cần phải thuê người nổi tiếng, quá đắt đỏ mà không hiệu quả.
"Chính bản thân các CEO doanh nghiệp hoặc nhân viên của các doanh nghiệp đứng bán hàng mới hiệu quả, đó là cách marketing 0 đồng, nhưng hiệu quả nhất hiện nay", ViruSs nói.
Livestreamer ViruSs cũng cho hay, xu hướng bây giờ là shoppertainment – đó là một cuộc cách mạng đang thịnh hành ở Trung Quốc, tức là người ta vừa mua hàng (shopping), vừa giải trí (entertainment).
"Tôi đã trực tiếp tìm hiểu, đi giảng dạy ở Trung Quốc. Tôi rất khâm phục về khả năng thích ứng và sẵn sàng trải nghiệm công nghệ mới của các doanh nghiệp nước họ. Họ luôn sẵn sàng thử nghiệm những công cụ, công nghệ mới ngay khi mới ra đời", ViruSs nói.
Dẫn chứng cụ thể, chuyên gia này cho hay, thương mại điện tử bắt đầu ở thị trường Trung Quốc vào năm 2005, đến năm 2016 họ đã có hai nền tảng đó là Classic E-commerce và New Generation E-commerce. Thậm chí, hiện nay trên thị trường Trung Quốc họ đã xây dựng nên những trường học, dạy livestream, họ làm gấp đến mức mời cả chuyên gia nước ngoài về giảng dạy.
"Chỉ 1 tuần sau khi được học livestream, các doanh nghiệp buộc phải thực hành nếu không sẽ bị phạt", ViruSs nói.
Trong khi đó, chuyên gia này cũng tỏ ra lo ngại là khi đi nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam, một xu hướng đáng lo ngại là các doanh nghiệp dường như đang e ngại về công nghệ.
"Tôi lo lắng và quan ngại cho doanh nghiệp Việt, đối với các xu hướng bán hàng cũ mình có thể lựa chọn, nhưng từ 2024 chúng ta không có sự lựa chọn thay thế. Nếu chúng ta không đáp ứng được với công nghệ livestream bán hàng thì chúng ta sẽ bị đào thải", ViruSs chia sẻ.
Ngoài ra, một e ngại khác của nhiều doanh nghiệp là tâm lý an phận, không muốn chuyển đổi để bắt kịp xu hướng theo kiểu "Tôi già rồi, làm sao tôi có thể livestream bán hàng trên Tiktok, Facebook…", nhưng theo ViruSs, đó là một nhận thức sai lầm.
"Tôi đã từng đào tạo cho rất nhiều người 40-50 hay thậm chí 60 tuổi nhưng vẫn có thể lập kênh livestream bán hàng rất tốt", ViruSs nói thêm.
Trong khi đó, CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên cũng cực kỳ ủng hộ xu hướng bán hàng với công cụ và công nghệ mới. Theo ông Viên, hiện nay là giai đoạn bùng nổ các shop trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng xã hội của các đơn vị lớn, nhỏ đủ loại. Vì vậy, người Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt nói riêng cần phải làm quen, phải thử mua hàng trên các nền tảng như taobao chẳng hạn, xem cách thức họ làm thế nào, để mình cũng có thể bán lại cho họ theo phương thức tương tự.
"Chúng ta cũng có thể làm điều như bạn ViruSs, livestream bán hàng cho người Trung Quốc, và tôi phải bán được cái đó sang Trung Quốc, có thể nhờ qua các kho ngoại quan chẳng hạn. Chúng ta giờ phải nghĩ đến chuyện ngồi ở Việt Nam livestream bán hàng cho người Trung Quốc, Ấn Độ. Để làm chuyện đó thì đúng như ViruSs nói, chúng ta phải làm quen, phải tập bán hàng ngay từ bây giờ", ông Viên nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.