Lộc cộc guốc mộc

Thứ hai, ngày 06/06/2011 12:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã có một thời đôi guốc mộc đế bằng là vật dụng thân thiết, gắn bó, nâng niu bàn chân của cha ông ta. Chợ quê ngày trước thường có cả dãy hàng bán guốc mộc, guốc bằng gỗ de, gỗ mỡ hay gỗ dàng dàng thì rẻ chứ riêng guốc gỗ mít thì vừa đắt lại vừa hiếm, muốn có được phải đặt trước cả tháng...
Bình luận 0

Chẳng biết guốc mộc có tự bao giờ, do ai sáng tạo nên nhưng chắc chắn đó là một vật dụng gắn với sinh hoạt của người Việt đã in dấu bền bỉ suốt hàng ngàn năm trong hành trang văn hóa dân tộc.

img
Guốc mộc.

Từ đôi guốc bằng gộc tre, quai mây cốt để bảo vệ đôi chân khỏi mưa nắng thưở ban sơ, đến các loại gỗ trong vườn nhà như de, mỡ, dàng dàng rồi mít, lòng mứt, tràm, cao su, xoan, thông… những người thợ tài hoa đã không ngừng cải tiến về kiểu dáng và chất liệu để đôi guốc ngày càng bền hơn, gọn và có tính thẩm mỹ hơn.

Quai guốc thay đổi từ dây mây sang vải rồi cao su và để có được một chiếc guốc hoàn chỉnh, đôi bàn tay của người thợ phải rất kỳ công, từ khâu cưa lộn mặt để ra hình thù chiếc guốc đến xử lý gỗ, tiếp đó là chà nhám, sơn, đánh bóng, vẽ, đế, quai...

Guốc mộc cấu tạo đơn giản, bất cứ ai, dù hoàn cảnh nào đều có thể lựa cho mình một đôi guốc phù hợp. Người nghèo đi guốc gỗ xoan, mỡ, dàng dàng mộc mạc với một chiếc quai bằng da trâu vắt từ bên này qua bên kia và thân guốc chỉ được đẽo đơn giản cho vừa bàn chân.

Những bậc giàu sang quyền quý thì guốc không đơn thuần chỉ là vật dụng để bảo vệ đôi chân mà nó thực sự trở thành một thứ phục trang để tôn thêm phong cách, biểu đạt gu thẩm mỹ của chủ nhân. Họ thường dùng guốc gỗ mít, gỗ tràm hương hay gỗ thông có sơn son thếp vàng, khảm trai, bịt quai gấm, đế lót cao su mỏng để bước đi thêm quý phái, thanh cảnh...

Lộc cộc khắp ngõ dưới làng trên, đôi guốc mộc đã thành một dấu ấn thiêng liêng khó phai mờ trong tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt. Từ tiếng guốc loẹt quẹt của mấy cụ già mắt kém; tiếng khua chẵn nhịp, đĩnh đạc của tiếng guốc ông đồ; đến tiếng thả bước lách cách, thẹn thùng của các chị, các cô rồi tiếng guốc khua rộn ràng, huyên náo của lũ trẻ hiếu động... tất cả tạo nên hơi thở thân quen của cuộc sống làng quê tự bao đời.

Với những người con xa xứ, tiếng guốc mộc còn là ký ức, kỷ niệm về quê hương...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem