|
Nhà mồ Ê Đê. Ảnh: Wiki |
Theo ông Ma Lép, người Ê Đê ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh (Phú Yên), gia đình nào có người thân “khuất núi” là cả buôn làng cùng chung lo việc cất nhà mồ. Người đi cắt tranh, kẻ đi lấy gỗ, ai khéo tay thì đẽo tạc trên cột nhà mồ hình các con vật voi, khỉ, nai, chim và có cả hình người phụ nữ địu con, người già ngồi trông về phía núi. Ngôi nhà mồ cũng đủ cột, kèo, xiêng, trính… Nếu tính toán chi li việc cất một nhà mồ cũng “mất đứt” một con bò cái (20 - 25 triệu đồng).
Đến một số cụm nhà mồ nguyên bản, ai cũng dễ nhận ra sự ấm cúng, gần gũi với người sống, như một bảo tàng nghệ thuật. Trong nhà mồ có vài cái ché, cái bếp, có cả dụng cụ làm nương rẫy… là vật dụng trong lễ bỏ mả, để người bên kia thế giới có phương tiện sử dụng. Ông Bá Thanh Xòe, người Ba Na, ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) nói: “Làm nhà mồ là tập tục lâu đời của bà con DTTS, để người qua đời được có “mồ yên, nhà đẹp”. Dịp này bà con các buôn làng xa gần đến để chia buồn, cùng chung tay làm, thể hiện tinh thần đoàn kết. Đó là nét đẹp sâu sắc trong cộng đồng bà con dân tộc miền núi”.
Ngày nay, sự giao lưu giữa vùng cao với đồng bằng không còn là khó khăn nữa, nên nhà mồ cũng theo đó mà… đổi mới, sáng tạo theo hướng tiện lợi hơn. Việc xây cất nhà mồ đã mai một so với nguyên bản truyền thống. Nhà mồ bây giờ đa phần là mái ngói, mái tôn, xây gạch đá bốn bên, trụ cột bằng bê tông... Một số bà con nói làm nhà mồ như ông bà ngày xưa rất tốn kém, còn làm mộ như người Kinh gọn nhẹ đơn giản, chỉ từ 3 - 5 triệu đồng; bởi vậy, nhiều bà con giờ xây mộ như người Kinh.
Lê Kha - Đức Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.