Mẹo thoát hiểm: Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

Lao Động Chủ nhật, ngày 26/07/2015 09:53 AM (GMT+7)
Khi xác định có người đã xâm hại tình dục con em mình, tuyệt đối không nên manh động trả thù hoặc chửi bới gây mất trật tự tại nơi cư trú.
Bình luận 0

Có nhiều nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Đó có thể do sự xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh khiêu dâm phát tán tràn lan trên mạng Internet đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý, gây ra sự lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên.

Đề phòng đối tượng XHTDTE như thế nào?

Đa số các đối tượng phạm tội XHTDTE đều có trình độ học vấn thấp, không có nghề hoặc nghề nghiệp không ổn định nên khả năng nhận thức của họ kém. Một số người do sử dụng rượu, bia quá mức dễ bị kích thích, mất kiểm soát hành vi của mình dẫn đến thực hiện hành vi thú tính đối với ngay cả con cháu của mình.

Một số trường hợp khi bị XHTD, nạn nhân và gia đình sợ nhiều người biết, sợ xấu hổ, rắc rối nên không trình báo cho cơ quan công an để được giải quyết. Những suy nghĩ thiếu đúng đắn đó vô tình đã trở thành tấm lá chắn che đậy hành vi phạm tội của chúng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi coi thường pháp luật của kẻ phạm tội.

Dưới tác động của đô thị hóa, nhiều người dân di dời từ vùng nông thôn ra các tỉnh, thành phố lớn… để mưu sinh đã khiến họ xao nhãng trách nhiệm đối với con cái. Các cháu phải sống trong cảnh không có sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ, người lớn nên không ít trẻ em bị các đối tượng xấu XHTD. Thông thường, các cháu bị chính người thân, họ hàng hoặc hàng xóm xâm phạm nhưng không dám nói cha mẹ, đến khi họ phát hiện thì các cháu đã bị xâm hại nhiều lần.

Chính sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ khiến các cháu ăn chơi lêu lổng, không chăm chỉ học hành trong khi chưa nhận thức đầy đủ hành vi của mình, bắt chước hành động của người lớn qua phim ảnh, mạng Internet… Từ đó, các cháu đã thực hiện hành vi giao cấu với nhau khi mà cả đối tượng và bị hại đều đang ở độ tuổi trẻ em.

Với đặc thù văn hóa Á Đông, người Việt Nam thường ngại đề cập trực tiếp những vấn đề liên quan đến tình dục và hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng. Hầu hết các ông bố, bà mẹ đều né tránh việc giáo dục giới tính cho con một cách khoa học, thay vào đó là sự đe dọa và làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Điều đó làm trẻ trở nên lo lắng quá mức, có thể cự tuyệt việc tiếp cận mọi thông tin có liên quan đến vấn đề tính dục, hoặc sẽ tò mò muốn khám phá bằng mọi cách, như một phương thức phản kháng và chống đối lại sự áp đặt của người lớn.

img

Cha mẹ phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con về mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh.

Tất cả xu hướng trên đều là cơ sở dẫn đến khả năng trẻ dễ bị XHTD một cách chủ động hoặc thụ động. Công tác phòng ngừa xã hội còn hạn chế, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức lối sống, pháp luật; nội dung tuyên truyền, giáo dục chưa sâu…Để chủ động phòng ngừa tội phạm XHTDTE, các bậc cha mẹ cần biết, việc giúp trẻ nhận biết những hành vi XHTD để đề phòng là điều hết sức cần thiết. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã được dạy các kĩ năng, cũng như có nhận thức về XHTDTE thì chúng sẽ không chủ quan trước những tình huống nhạy cảm có thể rơi vào XHTD cũng như có những kỹ năng để thoát hiểm ngay từ đầu.

Vì vậy, cha mẹ cần sớm cung cấp những kiến thức về giới tính cho con. Cần dạy con biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào, cho con biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào, cũng như không được chạm vào của các bạn khác, hay của người lớn; dạy các bé trai không được xâm phạm các bạn nữ. Sự chăm sóc và đụng chạm của người lớn mang lại cho trẻ em cảm giác được yêu thương.

Kẻ xâm hại cũng sử dụng những hình thức này để tiếp cận và làm mất đi sự cảnh giác của trẻ và gia đình. Tuy nhiên, khi được giáo dục, trẻ sẽ phân biệt được sự đụng chạm an toàn và không an toàn bằng cảm nhận của mình.

Dạy trẻ không nên nghe hoặc tiếp xúc với người lạ ở những nơi vắng vẻ, tuyệt đối không giao du, chơi bời với những người xấu la cà ở những tụ điểm ăn chơi (quán nhậu, karaoke...). Không được đi theo những người đàn ông lạ khi họ yêu cầu hay nhờ vả một việc gì đó. Không được cho họ vào nhà, phòng ở (khi chỉ có một mình), cũng như không được vào nhà, phòng ở của nam giới (có độ tuổi bằng hoặc lớn hơn mình) khi trong nhà chỉ có người đó… Gặp những tình huống có người lạ bắt chuyện, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác có đông người.

Có thể dạy trẻ biết nói dối để thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Dạy trẻ cách nhận dạng những hành vi xấu như: Ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối… Lúc đó, phải kiên quyết phản đối, thậm chí có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.

Các gia đình nên cho con em theo học võ để có khả năng tự bảo vệ mình trong những tình huống hiểm nghèo khi không có bố mẹ bên cạnh. Khi bị tấn công, cần lợi dụng sơ hở để xỉa tay vào mắt hoặc đá vào bộ hạ của đối tượng. Dính đòn này chắc chắn đối tượng sẽ buông “mồi”.

Dạy con nhớ số điện thoại của cha, mẹ và những người thân khác trong gia đình cùng các số điện thoại khẩn cấp như 115, 113… Nếu gia đình có con trai đang trong độ tuổi chưa thành niên cần đặc biệt quan tâm giáo dục định hướng mục đích sống của trẻ. Nghiêm cấm trẻ uống rượu, bia, thuốc lá… kể cả khi tổ chức sinh nhật. Tuyệt đối không được xem phim ảnh, sách, tranh ảnh có nội dung đồi trụy, khiêu dâm (vì đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của trẻ sau này).

Không nên để trẻ tiếp xúc, quan hệ với những đối tượng xấu, hoặc để bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo trẻ tham gia những trò chơi kích thích tình dục. Thường xuyên giải thích cho trẻ hiểu rõ về tâm, sinh lí của bản thân trong quá trình trưởng thành. Luyện cho trẻ cách phản ứng với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống.

Hãy dạy trẻ biết nói "không" với người nào muốn sờ vào cơ thể con. Thuộc lòng những câu kêu cứu như: “Đây không phải ba của con”; “người này muốn bắt con”; “con cần giúp đỡ”. Lưu ý, không nên để trẻ nhỏ ở nhà hay đến nơi công cộng, hoặc đi ra chỗ vắng một mình. Nhất thiết phải có người lớn đi kèm hoặc dặn trẻ rủ nhiều bạn cùng đi với mình. Khi trẻ ra đường, không cho trẻ mang trang sức quý và ăn mặc hở hang. Cha mẹ phải luôn biết rõ con mình đang ở đâu và với ai. Ngoài ra, hãy dạy con vui vẻ, tự tin, quý trọng bản thân, không dễ bị cám dỗ bởi đồ chơi hay bánh kẹo (vì trẻ nhút nhát, tự ti, ít bạn bè… thường dễ bị kẻ xấu tấn công).

Cha mẹ phải luôn cảnh giác với hành vi của những người lớn xung quanh trẻ, như quan tâm quá mức, tặng quà, gây ảnh hưởng quá mức, yêu cầu được ở một mình với trẻ hoặc đến thăm trẻ mà không có sự giám sát của người lớn khác. Cha mẹ phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con về mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh. Đây còn là cách để bạn phát hiện kịp thời các biểu hiện thay đổi cơ thể và tâm lý của con mình.

Cha mẹ hãy lắng nghe những câu chuyện của con dù nhảm nhí đến đâu, thuyết phục con kể cho bạn nghe tất cả những gì xảy ra với con trên đường phố. Nếu không, con sẽ im lặng trong trường hợp nghiêm trọng. Phải làm gì nếu con em là nạn nhân của tội phạm XHTDTE?

Trước tiên, ngay khi phát hiện con em bạn có những biểu hiện bất thường như kêu đau, bỏ ăn, người mệt mỏi, vẻ mặt thất thần, rũ rượi, mất ngủ, ngủ giật mình, mê sảng, hoảng hốt, sợ hãi, lầm lì, trầm cảm, thoáng vui, thoáng buồn, khóc lóc, sống khép kín thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với ai, ngượng ngùng, chui lủi né tránh… cần kiểm tra ngay bộ phận sinh dục của trẻ. Nếu tại đây thấy xuất hiện những vết rách xước không bình thường, bầm tím, bị sưng tấy, chảy máu, hay phát bệnh đường tình dục… thì cần gặng hỏi ngay để xác định sự việc gì đã xảy ra.

Cần nhẹ nhàng dỗ dành, động viên, an ủi trẻ, phân tích nếu có chuyện gì không phải lỗi của trẻ, để chúng tin tưởng mà kể rõ ngọn ngành sự việc. Khi xác định có đối tượng đã XHTD con em mình, tuyệt đối không nên manh động trả thù đối tượng, hoặc chửi bới gây mất trật tại nơi cư trú. Làm vậy sẽ ảnh hưởng đến danh dự của trẻ (giữ kín sự việc trước dư luận là tốt nhất). Cũng không nên đồng ý “giải quyết tình cảm” sự việc, xuê xoa bỏ qua vì được đối tượng bồi thường bằng tiền, hay vì sợ mất danh dự gia đình mà không dám đưa sự việc ra pháp luật.

Cần lặng lẽ và khẩn trương củng cố chứng cứ phục vụ việc tố cáo. Giữ lại (không giặt) những bộ quần áo, đồ vật cháu bé đang sử dụng vào thời điểm xảy ra XHTD để giao nộp chúng cho cơ quan chức năng cùng đơn tố cáo. Việc lưu giữ được dấu vết tinh trùng, lông tóc… của thủ phạm dính trên quần áo nạn nhân, là chứng cứ đặc biệt quan trọng để truy nguyên thủ phạm. Có thể ghi âm bằng điện thoại toàn bộ cuộc trao đổi với trẻ bị hại và nhân chứng, đối tượng (nếu có).

Khẩn trương đưa con đến cơ sở y tế cấp huyện để khám xét tổn thương sản khoa và ghi nhận các dấu vết, thương tích trên cơ thể trẻ. Đặc biệt, yêu cầu khám kĩ âm đạo để xác định có rách màng trinh, rách tầng sinh môn hay không; vừa ghi nhận dấu vết, vừa có biện pháp điều trị cho trẻ. Cần khẩn trương làm đơn tố cáo đích danh thủ phạm (nếu đã rõ) và trực tiếp dẫn bị hại đến cơ quan công an nơi cư trú để trình báo sự việc. Cha mẹ phải làm người giám hộ cho trẻ khi làm việc với cơ quan chức năng. Yêu cầu việc điều tra xác minh kín đáo, để bảo toàn danh dự cho trẻ.

Khi đến cơ quan công an trình báo, cần mang theo đầy đủ giấy khai sinh, hay giấy tờ chứng minh độ tuổi của trẻ (như sổ hộ khẩu gia đình, giấy CMND nếu trẻ trên 14 tuổi), cùng các tài liệu kèm theo (vật chứng như quần áo của nạn nhân, băng ghi âm, ảnh đối tượng nếu có…).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem