Miền Trung: Có dịch cúm, dân vẫn ăn tiết canh

Thứ sáu, ngày 21/02/2014 10:29 AM (GMT+7)
Ghi nhận của PV NTNN tại một số tỉnh miền Trung cho thấy, mặc dù dịch cúm gia cầm (CGC) đã xuất hiện song người dân ở đây vẫn rất thờ ơ với dịch.
Bình luận 0
Khóa cửa giết mổ gia cầm

Suốt nhiều ngày căng thẳng phòng chống dịch, ông Phạm Thúc Hàn – Trạm trưởng Trạm thú y Nha Trang cho biết: “Toàn bộ gia cầm tiêu thụ ở địa bàn Nha Trang đến được cung cấp từ thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và Cam Lâm, là những địa phương đều có ổ dịch CGC nên việc phòng chống dịch ở đây hết sức căng thẳng nhất là khi không có được sự chung tay của cộng đồng”.

Theo ông Hàn, việc giết mổ gia cầm trong các chợ còn có thể kiểm soát khi thú y phối hợp với Ban quản lý chợ, nhưng rất nhiều hộ xung quanh chợ, buôn bán, giết mổ ngay trong nhà, thấy lực lượng kiểm tra là đóng khóa cửa lại… nên rất khó kiểm soát.

Phun thuốc  tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi ở Quảng Ngãi.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi ở Quảng Ngãi.

Hiện tình hình giết mổ, buôn bán gia cầm ở các chợ, xung quanh chợ Vĩnh Hải, Xóm Mới, chợ Đầm… ở nội thành Nha Trang vẫn xảy ra như chưa hề có mối đe dọa nào từ dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, dù dịch cúm A/H1N1 (cúm lợn, cúm mùa) đang diễn ra tại đây nhưng tại các sạp bán thịt heo vẫn bán các chai đựng tết canh heo đã hãm sẵn cho thực khách với giá 18.000 đồng/chai, kèm cách pha chế. Trong khi ngành thú y đã khuyến cáo đến tận các quán hàng không buôn bán, ăn tiết canh heo, vịt nhưng tại các quán thực khách vẫn vô tư ăn món khoái khẩu nhiều nguy cơ này.

Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Thú ý Khánh Hòa cho biết: Việc chế biến và bán món tiết canh, Chi cục chỉ có thể khuyến cáo chung trong công tác tuyên truyền phòng dịch. Chúng tôi chưa biết có lệnh cấm và chế tài xử phạt nào trong việc mua bán, ăn món tiết canh không.

Gà, vịt vẫn bán tiêu thụ

Tại Quảng Ngãi, vào sáng 19.2, qua quan sát của chúng tôi tại chợ trung tâm thị trấn Đức Phổ và cả các chợ ở những địa phương của huyện Đức Phổ đã xuất hiện dịch, nhưng việc buôn bán gia cầm vẫn diễn ra khá bình thường. Tại chợ trung tâm Đức Phổ, bình quân số lượng gà, vịt bán ra tại đây từ 120-140 con/ngày. Tại chợ Quảng Ngãi, giá bán gia cầm nói chung vẫn bình thường như trước khi có dịch.

Chị Võ Thị Thu (26 tuổi), ở thị trấn Đức Phổ nói: Vừa rồi qua báo, đài cũng đã nghe dịch cúm xuất hiện trên địa bàn huyện cũng hơi ngại. Thế nhưng chỉ mới xảy ra ở một vài nơi, hơn nữa nếu làm cẩn thận và nấu chín thì cũng an toàn nên nhà tôi vẫn ăn. Còn ông Nguyễn Văn Xuân (48 tuổi), một chủ trại gà ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành nói: “Vừa rồi định tái đàn nhưng nghe xảy ra dịch nên dừng lại. Hiện gia đình còn khoảng 100 con gà đẻ nhưng đã tiêm phòng rồi nên cũng đỡ lo”.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi, cùng với việc khẩn trương khoanh vùng dập dịch những nơi đã xảy ra dịch, lực lượng thú y chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là những địa phương đã xuất hiện dịch bám sát địa bàn để phát hiện và xử lý kịp thời những ổ dịch mới; phối hợp với chính quyền các huyện tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân.

Được biết từ sau tết cổ truyền đến nay, Quảng Ngãi đã ghi nhận 8 xã của 3 huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành và Sơn Tịnh xuất hiện dịch cúm trên gia cầm. Chi cục Thú y tỉnh đã tạm ứng vaccine tại các công ty để cung ứng phân bổ cho 7 huyện, thành phố ở đồng bằng để tiến hành tiêm phòng, với hơn 500.000 liều.

Vụ vịt chết sau khi tiêm phòng ở Quảng Ngãi: Hỗ trợ cho người nuôi

Chiều 20.2, trao đổi với PV NTNN, ông Bùi Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường (Đức Phổ) cho biết, xã đang làm văn bản gửi huyện đề nghị hỗ trợ cho 2 hộ dân ở địa phương có số vịt bị chết sau khi được tiêm phòng cúm H5N1. Theo ông Chuyên, nguyên nhân dẫn đến vịt chết được xác định là do bị sốc thuốc sau khi tiêm. Đối chiếu theo quy định của UBND tỉnh thì người thiệt hại được hỗ trợ.

Được biết, trước đó, vào ngày 9.2, khi cán bộ thú y địa phương tiến hành tiêm phòng dịch cúm cho 108 con vịt nuôi (60 ngày tuổi), của 2 ông Lê Đức Điều và Trần Văn Giỏi (cùng ở xã Phổ Cường) thì số gia cầm trên đã bị chết. Kể từ trường hợp gia cầm bị dịch cúm đầu tiên được phát hiện đến nay, trên địa bàn huyện Đức Phổ đã phát hiện 4 ổ dịch cúm A/H5N1 tại các xã: Phổ Cường, Phổ Hòa, Phổ Văn và Phổ Vinh, với số lượng gia cầm chết và tiêu hủy 10.383 con. Thú y Đức Phổ đã tổ chức tiêm 289.000 liều vaccine và phun 900 lít hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Công Xuân

Mai Khuê - Công Xuân (Mai Khuê - Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem