+ Người ta thường nói, người nghệ sĩ tài hoa và xinh đẹp thường gặp những sóng gió cuộc đời, vậy cuộc đời bà thì sao?
- Bạn có thấy, trong cuộc sống này có người phụ nữ nào lại có được trọn vẹn tất cả? Điều này sẽ rất khó. Nguyễn Du từng có câu nói: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Ở đây không phải vì bạn giỏi mà họ ghen. Mà tự thân cuộc sống là như thế, vô thường là như thế. Khi con người ta sinh ra đã có “tham – sân – si” trong lòng mỗi người, chỉ có điều chúng ta chế ngự và thắng như thế nào, vượt qua như thế nào. Không ai không có một đoạn trường tân thanh trong cuộc sống.
Cuộc sống hôn nhân, sự nghiệp… của tôi từng được báo chí đưa nhiều lần nên mọi thông tin về tôi không còn lạ đối với mọi người. Vậy nên những giông tố cuộc đời đó chỉ làm cho tôi trở thành có nghị lực và bản lĩnh hơn.
+ NSND Hoàng Dũng được xem là người tình sân khấu của bà, để nhận xét về người đồng nghiệp này, bà có nhận xét gì?
- NSND Hoàng Dũng thời gian qua được báo chí nhắc rất nhiều, cũng như được đồng nghiệp khen ngợi. Đặc biệt, anh thành công rực rỡ qua vai diễn Phan Quân trong “Người phán xử”. Tôi có xem và phải nói Hoàng Dũng đóng quá hay.
Để chia sẻ về sân khấu, thời chúng tôi còn đóng cặp với nhau thì tôi thấy ở Hoàng Dũng có rất nhiều điều cần học tập và trân trọng. Càng khó anh Dũng càng thể hiện mình là người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Từ hình dáng bên ngoài anh ấy có thể ngồi khâu, độn vai để vai từ xuôi thành thẳng...Chúng tôi thường đùa với nhau, vì chúng tôi sống trong thời bao cấp nên có nhiều thứ hạn chế nên thân hình không cần giữ eo thì vẫn eo (cười)
Ngay từ những điều nhỏ đó, với người khác là đơn giản nhưng với Hoàng Dũng thì chỉnh chu từ trang phục diễn của mình. Không những thế, Hoàng Dũng còn có cái tài hóa trang chi tiết nhân vật rất giỏi mà điều này đối với sân khấu là rất quan trọng. Hoàng Dũng hóa trang giỏi đến mức, đóng trẻ sẽ rất trẻ, đóng già rất già, cộng thêm sự diễn xuất tài tình. Bên cạnh đó, anh còn làm đạo diễn rất tốt.
Tôi thấy không chỉ lớp trẻ mà ngay sân khấu kịch của chúng ta, để có người như Hoàng Dũng sẽ rất hiếm. Tôi mong thế hệ trẻ có thể học hỏi từ Hoàng Dũng là đáng mừng. Hoàng Dũng say đắm nghề và dồn tất cả cho nghệ thuật, anh là người tài năng đáng trân trọng.
+ Có tin đồn, vì sân khấu không đủ sống nên bà phải buôn bán bất động sản và rất mát tay. Vậy nên bà đã không còn mặn mà với nghề diễn?
- Đấy chính là nhận xét phiến diện từ người ngoài. Tôi không cho là mình mát tay mà đó là số phận. Nếu tôi không làm thêm nghề khác mà chỉ tập trung cho nghề diễn thì sẽ khó có được sức khỏe cho mình. Nếu diễn sân khấu có ngày diễn ba xuất nhưng có vai bi kịch thì sẽ phải khóc cả ngày, khóc liên tục hoặc đi đóng phim lại phải rong ruổi những buổi đi quay khắp mọi nơi, thậm chí kéo dài vài tháng.
Mỗi người có số phận khác nhau. Tôi rất nhớ nghề nhưng đôi khi chấp nhận. Khi chưa bỏ nghề thì tôi bị bệnh, khi về hưu thì lại bận chăm sóc con cháu. Tôi vẫn làm chủ gia đình thì không còn tâm sức để rời nhà đi làm phim. Khi các nhà hát có vở diễn mới, tôi vẫn đến xem, hay là xem phim truyền hình Việt Nam. Đam mê về nghề trong tôi vẫn không dứt nhưng điều kiện chưa cho phép để quay lại.
+ Hơn 40 năm dành tất cả cho tình yêu sân khấu nhưng gần tuổi về hưu bà lại phát hiện ra bạo bệnh và đến nay cũng đã chữa trị thành công, vậy bà đã vượt qua “hung tin” đó như thế nào?
- Thật ra tôi bị hai bệnh trong người. Tôi phát hiện bệnh ung thư trước khi về hưu, tôi bị bệnh khi còn đứng trên sấn khấu diễn. Có những buổi diễn xong tôi còn cảm giác bị tắc thở và mặt thì bị sưng. Tôi nghĩ đây chính là một phần của sự trả giá cho nghề nghiệp. Vì tôi đã lao vào công việc mà không để ý đến sức khỏe, khi có bệnh thì không uống thuốc triệt để. Đến khi có bệnh tôi nghĩ đó là số phận.
Tôi luôn tin vào tâm linh. Khi mình bị bệnh “hiểm nghèo” tôi không lấy đó làm lo sợ hay mất niềm hy vọng. Bệnh của tôi là ung thư vú. Tôi được biết, ở Mỹ mới đưa ra thông báo bệnh ung thư không cần dùng hóa chất, hay ở Nhật chữa bệnh không cần xạ trị. Hiện tại, tôi đã chữa xong bệnh và tôi vẫn tự chăm sóc bản thân mình tốt hơn trước rất nhiều.
Sau khi chữa bệnh xong, tôi đã tham gia một số hiệp hội, trong đó có hội “tình người” để động viên những người bị bệnh hay có số phận kém may mắn trong cuộc sống. Tôi luôn truyền lại và khích lệ mọi người hãy sống lạc quan, sống có khoa học…..tôi lấy những công việc xã hội để làm niềm vui cho mình.
Thực sự, tôi không mất thời gian cho việc buồn rầu, suy nghĩ những điều tiêu cực, thay vào đó tôi dành thời gian cho con cháu, cho gia đình bà bạn bè.
+ Mọi người xung quanh còn chứng kiến tình cảm bà dành cho con dâu là một điều hiếm có trong xã hội, điều gì đã giúp bà làm được sự thân thiết này?
- Nhiều người đã rất ngạc nhiên. Thế nhưng tôi nghĩ rất đơn giản, con nào cũng là con, thậm chí yêu nó (diễn viên Thùy Linh – PV) hơn con đẻ. Ngay như bạn nhìn thấy rõ, con trai tôi đi làm về là tắm xong ăn cơm nhưng con dâu thì phải nấu cơm cho cả gia đình, sau đó lại cho con ăn, cho con uống sữa, dọn nhà, ru con ngủ….phải làm nhiều việc trong một ngày. Nói ra để chúng ta thấy rõ, người phụ nữ dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều khổ hơn đàn ông rất nhiều.
Tôi thấy mình là mẹ chồng và hưởng lợi rất nhiều đấy, mình không đẻ con gái và không nuôi dưỡng nhưng sau 20 năm, lại có đứa con gái về làm con nhà mình, đẻ cho mình những đứa cháu, nấu cơm cho mình ăn…Tại sao mình lại không yêu mà lại xem nó là con dâu.
Thời đại này, tìm con dâu đảm rất hiếm. Nhiều cô con dâu thích ra ở riêng, các cháu chủ yếu là người giúp việc chăm sóc. Nói trên phương diện là có một con dâu thì chúng ta sẽ luôn có rào cản.
Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu mình sinh con gái và khi nó lớn lên lấy chồng, nó sẽ không chăm sóc mình được như con dâu. Nếu tôi có sinh con gái, chưa chắc tôi đã yêu con gái mình bằng con dâu đâu nhé (cười).
Tôi thấy tư duy những bà mẹ châu Á cần phải thay đổi. Chúng ta phải yêu thương con dâu như chính con đẻ. Nếu cứ xem con dâu chỉ là con dâu thì tư duy đó là lỗi thời và không văn minh. Chúng ta là “người với người sống để yêu nhau”. Tư duy không tốt sẽ tạo ra hố ngăn cách. “Bát đũa có lúc xô nhau”, trong gia đình sẽ có lúc bất đồng quan điểm nhưng con còn nhỏ dại chúng ta phải dạy dỗ, chỉ bảo dần dần.
+ Không chỉ tình cảm với con dâu, hai đứa cháu nội của bà thay vì gọi bà nội, các cháu lại đều gọi là mẹ Cúc?
- Vì chúng nó rất yêu tôi. Chúng nó yêu mẹ nó thế nào thì cũng như yêu mình như vậy. Việc Kay và Kakao (tên gọi ở nhà của hai đứa cháu - PV) tự gọi tôi là mẹ chứ không có việc tác động phải gọi thế này, phải gọi thế kia. Trẻ con rất thông minh, chúng nó đều cảm nhận được tình cảm mình dành cho chúng nó, cho gia đình.
+ Xin chân thành cảm ơn NSND Hoàng Cúc!
Ngọc Hà Lê (thực hiện) (Tổ Quốc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.