Một nông dân Hà Giang nuôi lợn kiểu gì mà nhiều nhà trong vùng tìm đến xem?
Một nông dân người H’Mông ở Hà Giang nuôi lợn quy mô hàng hóa, thoát nghèo, thành hộ khá giàu
Nguyễn Quân
Chủ nhật, ngày 03/12/2023 13:17 PM (GMT+7)
Từ một gia đình nông dân nghèo khó, nhờ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, gia đình chị Mua Thị Mo (dân tộc H’Mông) ở thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn thịt có quy mô hàng hóa.
Những năm gần đây, phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" phát triển kinh tế, làm giàu từ các mô hình chăn nuôi đã trở thành hình mẫu lý tưởng cho các hộ nông dân có mong ước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Mô hình chăn nuôi lợn của chị Mua Thị Mo (dân tộc H’Mông, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được sự giới thiệu của Hội nông dân huyện Quản Bạ, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Mua Thị Mo, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân.
Nhờ sự cần cù, chịu khó lại ham học hỏi mà giờ đây mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Mo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình chị vươn lên trở thành một trong những hộ gia đình có thu nhập cao của xã.
Trong khi không ít hộ nông dân ở xã Thanh Vân cũng như ở huyện Quản Bạ đã bỏ chuồng chăn nuôi lợn vì sợ dịch bệnh, đặc biệt là trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn ra trong thời gian qua và giá cả lợn thịt thì bấp bênh, chi phí đầu vào tăng cao thì gia đình chị Mo vẫn kiên trì chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình.
Rút kinh nghiệm qua nhiều năm chăn nuôi và tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăn nuôi lợn, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống chuồng trại.
Năm 2018, khi bắt đầu chăn nuôi, gia đình chị xây hai chuồng với quy mô nhỏ trên diện tích đất vườn, duy trì nuôi trung bình khoảng 5 - 10 con lợn thịt. Đến năm 2019, khi thấy mô hình chăn nuôi của mình mang lại hiệu quả cao, chị mạnh dạn vay thêm vốn, đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại tại 2 điểm với quy mô khoảng 200m2.
Cùng với sự hỗ trợ hướng dẫn của ngành chuyên môn về kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, cộng với việc luôn giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát lại được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh và nguồn thức ăn bảo đảm chất dinh dưỡng nên lợn nhà chị khỏe mạnh, nhanh lớn, trong chuồng lúc nào cũng có hàng 100 con lợn nái và lợn thịt.
Tính đến nay, chị Mo đã xuất bán được 220 con lợn thịt, với giá lợn hơi như hiện nay, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, trừ chi phí gia đình chị Mo thu lãi gần 300 triệu đồng.
CLIP: Chị Mua Thị Mo chăm sóc đàn lợn. Từ mô hình nuôi lợn quy mô hàng hóa, gia đình chị Mo, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) vươn lên làm giàu.
Nói về mô hình nuôi lợn thịt của mình, chị Mo chia sẻ: "Cái khó nhất của nuôi heo là việc chủ động phòng dịch, vì nếu để xảy ra dịch, đặc biệt là dịch tả Châu Phi như hiện nay thì lỗ chết. Vì vậy gia đình tôi luôn vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, để phòng chống dịch bệnh tôi tự nghiên cứu rồi tự thụ tinh phối giống, cũng như tiêm phòng cho heo luôn".
"Giống lợn bản địa có sức đề kháng cao, chịu được thời tiết khác nghiệt ở vùng cao, nên ít khi bị dịch bệnh", chị Mua Thị Mo cho hay.
Bên cạnh việc đầu tư chăn nuôi gia đình chị Mo còn nấu rượu, buôn bán hàng tạp hóa... Với lòng quyết tâm, dám nghĩ dám làm, gia đình chị Mo đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn thịt.
Phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi lợn thịt và kinh doanh hàng tạp hóa đã giúp cuộc sống của gia đình chị Mo ngày càng đầy đủ hơn và là một trong những hộ gia đình có kinh tế phát triển khá của thôn và xã.
Ông Giàng Mí Mù, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ cho hay, chị Mo là một nông dân siêng năng, chịu khó tìm tòi học hỏi các ứng dụng khoa học, kỷ thuật nuôi lợn, nên mô hình nuôi lợn thịt của chị đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong thời gian tới thì thường trực Hội Nông dân xã chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền nhân rộng mô hình này, nhằm giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao.
Nhờ sự cần cù, năng động và sáng tạo trong kinh doanh và chăn nuôi, gia đình chị Mua Thị Mo từ một gia đình nông dân nghèo khó đã vươn lên thành hộ giàu; gia đình chị Mo là một điển hình trong phong trào làm kinh tế giỏi ở xã Thanh Vân đáng để hội viên nông dân học hỏi, làm theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.