Một thầy giáo ở Hà Giang nuôi con gì, trồng cây gì mà nghỉ hưu rồi vẫn thu 300 triệu/năm?

Nguyễn Quân Thứ bảy, ngày 03/06/2023 19:15 PM (GMT+7)
Không chỉ là một thầy giáo giỏi, nhiệt huyết với nghề, ông Trần Văn Hiền, thôn Nà Chì, xã Nà Chì (huyện Xín Mần, Hà Giang) còn được mọi người biết đến với vai trò là một người nông dân giỏi bởi mô hình phát triển kinh tế tổng hợp đã đem lại thu nhập cho gia đình ông gần 300 triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Xín Mần, Nà Chì không thuận lợi về đường xá, hệ thống điện lưới yếu, nguồn nước chủ yếu dựa vào tự nhiên. Vì thế, kinh tế của người dân ở đây rất khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người trong xã đều biết đến ông Trần Văn Hiền, bởi đức tính cần cù, chịu khó, luôn tìm cách để phát triển kinh tế của gia đình.

Một thầy giáo nghỉ hưu hóa thân thành người nông dân làm kinh tế giỏi nhất ở một xã vùng sâu - Ảnh 1.

Mô hình nuôi Vịt lấy trứng của ông Hiền.

Ông Hiền (SN 1957) trước đây ông là giáo viên một trường Tiểu học tại tỉnh Tuyên Quang. Năm 2017, ông nghỉ hưu theo chế độ và lên sinh sống cùng con trai ở xã Nà Chì. Sau khi nghỉ công tác, nhận thấy quỹ đất vườn nhà rộng, nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng. Với bản tính cần cù, chịu khó và đam mê về trồng trọt, ông Hiền đã bắt tay vào việc quy hoạch  khu vườn và hoạch định những hướng phát triển kinh tế mới.

Trước khi bắt đầu, ông Hiền đã dành thời gian để tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế trên báo chí, các trang mạng xã hội và vận dụng các kiến thức thực tế, kinh nghiệm để áp dụng vào công việc phát triển mô hình kinh tế gia đình. Ông Hiền chia sẻ: "Tôi luôn nghĩ còn có sức khỏe thì sẽ làm được công việc của mình và phải quyết tâm cải tạo vườn không để đất bỏ hoang".

Một thầy giáo nghỉ hưu hóa thân thành người nông dân làm kinh tế giỏi nhất ở một xã vùng sâu - Ảnh 2.

Mô hình nuôi Nhím của ông Hiền.

Nghĩ là làm, khu vườn rộng hơn 1ha của ông trước đây cỏ mọc um tùm chỉ trồng lác đác số ít giống cây ăn quả, ông đã cải tạo thành khu vườn có quy mô, phân chia khu vực cụ thể. Đầu tiên ông quy hoạch vùng trồng bưởi diễn và bưởi da xanh trên khu đất đồi dốc. Xây dựng chuồng trại nuôi gà, nhím và vịt đẻ trứng. Bên dưới là hệ thống hơn 30 ô chuồng để nuôi lợn với hệ thống bể biogas, xử lý mùi. Cùng với đó, ông đào thêm 2 ao để nuôi cá trắm, cá chép, gây giống các loại cá có giá trị kinh tế cao trên thị trường và trữ nước cung cấp tưới tiêu cho vườn cây.

Một thầy giáo nghỉ hưu hóa thân thành người nông dân làm kinh tế giỏi nhất ở một xã vùng sâu - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi Lợn đen bản địa của ông Hiền.

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp, chúng tôi mới hiểu rõ hơn về nghị lực và quyết tâm của một người "thầy giáo", mới ngày nào còn đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho từng lớp học sinh nay đã trở thành một "lão nông dân" làm kinh tế giỏi nhất vùng.

Dưới cái nắng như lửa đốt nhưng trên khuôn mặt ông Hiền vẫn luôn nở nụ cười tươi, ông Hiền chia sẻ với chúng tôi rằng: "Ban đầu nhìn vào khu vườn không biết phải bắt đầu từ đâu, sau đó nhờ sự động viên của gia đình và nỗ lực của chính bản thân, công việc quy hoạch vườn cũng đã đi vào ổn định, từng bước hình thành nên một mô hình phát triển kinh tế đúng nghĩa".

"Bản thân tôi giờ tuổi cũng đã cao, không nhanh nhạy công nghệ số như giới trẻ nên cũng không thể kinh doanh buôn bán, ngoài việc chăn nuôi và trồng trọt. Để tận dụng nguồn vốn quay vòng trong phát triển kinh tế, tôi lựa chọn phương án lấy ngắn nuôi dài. Đơn cử như tôi đào ao để nuôi cá, nuôi vịt lấy trứng đồng thời cung cấp nước tưới tiêu. Nuôi lợn thương phẩm và sinh sản; bên cạnh đó, kèm theo nấu rượu vừa có sản phẩm bán cho người tiêu dùng vừa có thức ăn cho lợn. Thực hiện lắp đặt bể biogas vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa làm khí đốt phục vụ hàng ngày." - ông Hiền nói.

Đến thời điểm hiện tại, mô hình kinh tế của ông Hiền có gần 100 gốc bưởi da xanh và bưởi diễn đã và đang cho thu hoạch, gần 10 đôi nhím giống, 1.000 con gà siêu trứng Ai Cập, gần 300 con vịt nuôi đẻ lấy trứng, các loại rau củ trong vườn và hơn 30 ô chuồng duy trì hơn 100 con lợn đen bản địa. Bên cạnh đó, gia đình ông còn trồng 7ha rừng cây quế, thử nghiệm nhiều gốc nho thân gỗ, mang lại giá trị kinh tế cao.

Một thầy giáo nghỉ hưu hóa thân thành người nông dân làm kinh tế giỏi nhất ở một xã vùng sâu - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Hiền chăm sóc đàn Gà siêu trứng Ai Cập.

Chỉ tính riêng mô hình kinh tế Vườn - Ao - Chuồng mang về thu nhập gần 300 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí. Đặc biệt, ông Hiền không giữ "bí quyết" cho riêng mình mà tận tình hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho nhiều hộ ở địa phương khi có nhu cầu, giúp họ phát triển kinh tế gia đình.

Với những hiệu quả mang lại, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình ông Trần Văn Hiền trở thành mô hình điểm trong vùng cho nhiều người đến tham quan học hỏi và áp dụng có hiệu quả. Ông Hiền trở thành một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem