Mùa hoa chít tháng Giêng

nguyễn lê Thứ bảy, ngày 28/02/2015 07:00 AM (GMT+7)
Tháng Giêng, mẹ hái hoa chít về trong một ngày nắng, rồi hong khô. Mẹ cẩn thận bện những bông chít như người ta tết tóc đuôi sam cho con trẻ, đến khi thành chiếc chổi gọn gẽ xinh xắn.
Bình luận 0

Những bông hoa chít, có nơi còn gọi nó là hoa bứt đói, chỉ nở vào tháng Giêng, mùa của trăm vạn loài hoa rực rỡ nên loại hoa tầm thường ấy dường như chẳng mấy ai biết đến. Nhưng những bông chít đã thấm đượm biết bao giá lạnh đêm đông, giọt mồ hôi của ngày hè oi ả và in hằn những nhọc nhằn trên vai áo mẹ.

Khi mẹ quét, từng bông chít cúi đầu làm thành lưỡi chổi êm, để con không bị giật mình thức giấc. Quét bằng chổi chít, mẹ không phải khom lưng mà vẫn gột sạch bao cát bụi mùa hanh khô, gió Lào.

Vậy mà khi lớn lên, con mới biết để có được chiếc chổi chít ấy mẹ đã phải vất vả như thế nào. Phải men theo con đường ven sườn núi để tìm nơi hoa chít nở. Nhưng muốn hái được số lượng nhiều thì phải trèo lên những lưng đồi cao, phải chui vào bụi rậm rạp. Người hái chít phải hết sức cẩn thận không để bị ngã hay bị lá chít sắc, nhọn cứa đến tứa máu. Chưa kể đến lúc tuốt, bụi phấn của cây bay tứ tung, rơi vào người khiến cho ngứa ngáy khắp mình mẩy rất khó chịu hay những con côn trùng như muỗi, bọ, ong… bủa vây, rình rập ở những bụi chít.
img
Bông hoa chít (Ảnh: Nguyễn Lê)
Mẹ bảo mùa bông chít chỉ ưu ái cho thu hoạch bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng Hai âm lịch. Người hái chít phải năng mới kịp khi chít  đang ở độ dẻo dai, bông đẹp (bánh tẻ)… chiếc chổi làm ra làm ra sẽ bền và đẹp hơn.

Giờ đây, mỗi dịp đi lối tắt qua đồi về mường, nhìn những bông hoa chít bắt đầu nở rộ lại nhớ ngày nào còn là cô học trò cứ đến mùa hoa nở lại cùng chúng bạn đi hái loài hoa ấy đem bán cho những nơi thu mua dưới phố để có thêm chút tiền mua quyển vở, lọ mực, cây bút chì…

Nhưng đâu chỉ giúp ích cho cuộc sống bằng những bông hoa, thân của cây chít thì làm cán chổi, lá chít để cho trâu cho bò ăn và còn được dùng để gói bánh - “bánh ốc” (hay còn được gọi là bánh lá “ngả”). Bánh chít làm từ bằng gạo nếp, không nhân, chỉ được người Mường gói khi làm lễ cúng mụ (cúng đầy tháng cho trẻ em khi tròn một tháng tuổi). Chiếc bánh thể hiện cho sự may mắn, an lành, cầu mong cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn. Sau ngày Cách mạng thành công, bánh còn được gói để thắp hương vào Tết Độc lập (mồng 2 tháng 9) hằng năm. 

Với người Mường quê tôi, tết độc lập rất được coi trọng bởi đó là dịp để bà con tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Nhờ có Đảng, có Bác mà dân tộc Việt Nam (nói chung) và người Mường chúng tôi (nói riêng) mới có ấm no, hạnh phúc, mới có được độc lập tự do, mới có được những mùa xuân hạnh phúc.

Mặc dù hiện nay cuộc sống đã hiện đại khi có máy hút bụi, cây chổi lau nhà đa năng nhưng cây chổi chít vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Để rồi sớm, chiều dưới bàn tay mềm mại của những người phụ nữ, chổi chít đã trở thành vật dụng góp phần làm cho ngôi nhà luôn sạch sẽ, phong quang. Cũng nhờ những bông hoa chít, nghề làm chổi chít đó mà cuộc sống của nhiều người dân ấm no hơn, khá giả hơn.

Mùa Xuân mới đã về, bên những cung đường, nẻo đèo, triền dốc, chân đồi những bụi chít đang kẽo kẹt đu mình cùng với gió. Hoa chít quện vào giọt sương ban mai lấp lánh dưới nắng xuân. Tôi trở về dưới mái nhà xưa, chợt giật mình ngỡ như thấy dáng mẹ gầy đang quét lá bằng chiếc chổi chít ngày nào. Tất cả những kỉ niệm lại ùa về ngọt ngào làm nên hoa chít tháng Giêng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem