Muốn giàu nuôi cá, muốn khá hơn thì nuôi cá cùng nhau

Trà Thượng Thứ tư, ngày 18/12/2019 06:00 AM (GMT+7)
Nhằm giúp xã miền núi Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, phát huy tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, Hội Nông dân (ND) tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá thương phẩm tại đây và đạt được hiệu quả tích cực. Các hộ nuôi cá đã dần liên kết, hỗ trợ nhau cùng nuôi cá hiệu quả
Bình luận 0

Cùng nhau nuôi cá

Mô hình nuôi cá thương phẩm được Hội ND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện ở xã Văn Khúc trong 36 tháng, từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2019. Tham gia mô hình có 17 hộ hội viên, nông dân với tổng số 34 lao động.

img

  Nhờ được hỗ trợ, các hộ nuôi cá thương phẩm ở xã Văn Khúc đã nâng cao thu nhập. Ảnh: Mai Phương

Mô hình nuôi cá thương phẩm ở xã Văn Khúc còn góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trong việc chăn nuôi thủy sản đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng, hình thành, phát triển mô hình kinh tế hợp tác trong nông dân.

Để thực hiện mô hình, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND huyện Cẩm Khê, Hội ND xã Văn Khúc tổ chức mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học cho các hộ. Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê tiến hành giải ngân hơn 1,9 tỷ đồng vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm, bình quân mỗi hộ tham gia mô hình được vay từ 25-30 triệu đồng.

Được vay vốn, được tập huấn kỹ thuật nuôi cá, các hộ bắt tay vào cải tạo ao, đầm; mua thêm ngư cụ, thức ăn và cá giống. Qua theo dõi, bình quân hàng năm các hộ tham gia mô hình đánh bắt, thu hoạch bán hơn 45 tấn cá các loại. Sau 3 năm thực hiện mô hình, các hộ đã xuất bán trên 120 tấn cá thương phẩm các loại, cho thu lãi hơn 2,5 tỷ đồng, thu nhập lao động đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đặng Văn Công - chi hội thôn Quang Trung được vay vốn 30 triệu đồng, cùng vốn tự có của gia đình đã đầu tư mua cá giống, thức ăn và tiến hành thả nuôi cá trên diện tích 1ha đầm. Sau 3 năm thực hiện, khu đầm cá của gia đình ông Công đạt lợi nhuận 207 triệu đồng. Hay như hộ ông Hoàng Anh Tuấn - Chi hội xóm Đồng cũng được vay 30 triệu đồng đầu tư nuôi cá. Đến nay, tổng lợi nhuận có được từ khi tham gia mô hình nuôi cá của gia đình ông Tuấn đạt 190 triệu đồng. “Tham gia mô hình, các hộ còn hỗ trợ nhau tốt hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá; cùng nhau thương thảo mua thức ăn chăn nuôi; thương thảo giá bán cá nên mọi công đoạn của nghề nuôi cá diễn ra thuận lợi hơn...” - ông Tuấn nói.

Thu hút thêm nông dân vào Hội

Mô hình nuôi cá thương phẩm ở xã Văn Khúc đã kết thúc chu kỳ vay vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm, nhưng hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội vẫn được nhân lên. Các hộ tham gia mô hình tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả nuôi cá thịt thương phẩm. Ngoài 17 hộ tham gia ban đầu, đến nay mô hình kết nạp thêm 5 hộ thành viên mới. Thông qua sự hỗ trợ của Hội ND các cấp, các hộ đã cùng nhau tập hợp thành chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là bước tạo thuận lợi để các hộ tiếp nhận vốn vay.

Về phía tổ chức Hội ND cơ sở, sau 3 năm thực hiện dự án, mô hình nuôi cá thịt thương phẩm, Hội ND xã Văn Khúc đã thu hút thêm 55 nông dân tham gia vào tổ chức, nâng tổng số hội viên toàn xã lên hơn 1.160 người, đạt 116% so với hộ nông nghiệp ở địa phương. Hội viên, nông dân, mà tích cực, nòng cốt nhất là các hộ tham gia dự án nuôi cá thịt thương phẩm đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội. Các hộ đã tích cực tham gia xây dựng, phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với mức ủng hộ từ 100.000 đồng/hộ/năm trở lên.

Ông Đặng Ngọc Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Văn Khúc đánh giá, thông qua mô hình, dự án nuôi cá thương phẩm đã tác động tích cực tới hội viên, nông dân thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nghị quyết của Hội. Mô hình cũng góp phần nâng cao đời sống của hội viên, nông dân; xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy hiệu quả giảm nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem