Nạn nhân hôm nay, thủ phạm ngày mai

Thứ năm, ngày 23/06/2011 13:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bạo lực mà người lớn gieo ngày hôm nay sẽ chỉ gặt hái được những “vụ mùa bạo lực” mai sau mà thôi.
Bình luận 0

Hai vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra chỉ trong một tuần. Một cậu bé 11 tuổi có hành vi ăn cắp bị Công an phường Thuỷ Xuân, TP. Huế đánh cho đến mức phải nhập viện...Ở TP. HCM, một cậu bé 13 tuổi khác bị người nhà bắt phải đeo biển “Tôi là thằng ăn cắp” và đứng trên phố đông, giữa những ánh mắt dửng dưng và những ngón tay chỉ trỏ hiếu kỳ.

Hai vụ đều liên quan đến hành vi trộm cắp, nạn nhân đều chưa thành niên. Có khác, một bên là bị cảnh sát tra tấn, nhân danh việc bảo vệ công lý, một bên bị chính người cậu ruột hạ nhục, dưới danh nghĩa giáo dục.

Ăn cắp là xấu, rất xấu. Trẻ con ăn cắp lại càng xấu khi sự lén lút “cầm nhầm” ngày hôm nay có thể trở thành công khai tước đoạt bằng bạo lực ngày mai.

Nhưng việc dùng nhục hình, việc hạ nhục có phải là cách thức để những đứa trẻ nhận ra sai lầm? Đòn roi, truy dồn, mạt sát, và sự tước đoạt, chà đạp nhân phẩm, dẫu là đối với một đứa trẻ (nhất là đối với một đứa trẻ), có phải là cách để chúng trở lại với sự trong sáng của một đứa trẻ?

Có lẽ không khó để trả lời. Bởi đó không phải là giáo dục. Đó là sự trừng phạt. Cách đây chưa lâu, dư luận đã gay gắt lên án việc vợ chồng chủ trại tôm ở Đầm Dơi (Cà Mau) dùng nhục hình với bé Hào Anh. Có lẽ, những vết thương chưa liền sẹo, ở ngoài da, gây ra sự thương xót, gây ra sự căm phẫn chứ không chỉ là những thương tổn, mất mát trong tâm hồn.

Rất khó để nói những vết thương của Hào Anh, với sự nhục nhã, sự tổn thương trong tâm hồn của đứa bé ăn cắp, thứ nào gây đau đớn hơn nhiều hơn. Bởi có người đã nói, rất đúng, rằng: Bạo lực thể xác có thể liền sẹo chứ bạo lực tinh thần không thể lên da non được. Rằng: Cách hành xử thô bạo của người lớn ngày hôm nay rất dễ dẫn đến sự tổn thương. Và sự tổn thương rất gần với những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc, hoặc tệ hơn, đẩy hẳn chúng vào con đường hư hỏng với khởi đầu là sự hằn học.

Còn có một điều cần phải nói. Đó là phản ứng của dư luận. Sau khi những bức hình bạo hành, hoặc với thịt da thâm tím đau đớn, hoặc với khuôn mặt cúi gằm vì không chịu nổi sự nhục nhã thì dư luận hầu hết đều chỉ là sự lên án game online - như là nguyên nhân duy nhất của hành vi trộm cắp. Đôi khi là những cái chép miệng, cũng có tranh luận về cách giáo dục, chỉ rất ít sự nhìn nhận rằng đó thực sự là hành hạ, nhục mạ nhân phẩm con người.

Dư luận phản ứng gay gắt với những vết sẹo, với thịt da thâm tím nhưng lại dửng dưng với những hành vi bạo hành tinh thần. Sau liên tiếp những vụ nhục hình, bạo hành là những câu hỏi lớn, không phải là về cách thức giáo dục, mà là câu hỏi đâu là nguyên nhân của những hành xử thô bạo của người lớn.

Cách thức hành xử đó là biểu hiện của một quan điểm “giáo dục không có giáo dục”, có lẽ đã được sản sinh ra từ sự bàng quan của dư luận xã hội trong một thời gian dài và trong chính ngày hôm nay.

Một đứa trẻ sống lệ thuộc không dám phản kháng. Một đứa bé bị bắt vào đồn công an thậm chí còn không dám kêu đau. Những người bảo vệ trẻ em ở đâu? Sự tuân thủ một cách cam chịu và nhẫn nhục của đứa bé có lẽ không có gì lạ. Cái lạ nhất là sự dửng dưng đến mức bình thản của dư luận.

Một xã hội dân chủ, hoặc đang ngày càng dân chủ hơn, rất không nên bình thản chấp nhận một sự chà đạp như vậy. Bạo lực mà người lớn gieo ngày hôm nay sẽ chỉ gặt hái được những “vụ mùa bạo lực” mai sau mà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem