Năng động nông dân thành phố

Thứ sáu, ngày 30/04/2010 19:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại nhiều xã, huyện của TP Hồ Chí Minh những năm gần đâu xuất hiện nhiều nông dân sản xuất kinh doanh đạt hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Bình luận 0
img
Anh Trần Thanh Huy, một điển hình sản xuất ở Củ Chi kiểm tra cấy mô lan.

Đến cuối năm 2009, vườn lan của chị Trần Ngọc Tuyết ngụ huyện Củ Chi có diên tích 1,2ha (trong tổng số 140ha đất trồng lan của cả thành phố). Đứng giữa vườn lan rực rỡ sắc màu, chị Tuyết tiết lộ:“Với 50.000 gốc lan các loại như mokara, dendro, vũ nữ... mỗi tháng tôi cung cấp cho thị trường 10.000 cành lan, thu gần 100 triệu đồng”.

Để có thành quả như hôm nay, chị Tuyết đã bỏ 1,5 tỷ đồng vốn đầu tư cải tạo mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng, tìm đến những trang trại hoa lan ở Thái Lan, Đài Loan... học hỏi quy trình chăm sóc cách quản lý đến tìm đầu ra cho hoa.

Trở về vườn lan, chị áp dụng sáng tạo để chăm sóc và phát triển lan, đồng thời sử dụng máy tính nối mạng để chào hàng và giao dịch nhanh chóng với các đối tác trong nước và ở nước ngoài.

Một điển hình mới đầy sức trẻ khác là anh nông dân Trần Phước Thọ (sinh năm 1985, ở ấp 4, xã Nhơn Đức - xã vùng sâu luôn bị nhiễm phèn, nhiễm mặn của huyện Nhà Bè.

Anh Trần Phước Thọ đã biết tận dụng công trình đê ngăn mặn để chuyển 4ha đất sản xuất 1 vụ lúa/năm hình thành 8 ao nuôi các loại cá nước ngọt theo công nghệ mới, quản lý bằng phần mềm quản lý vi tính.

Trên diện tích 4.000m2 cặp ao nuôi cá, Thọ còn xây dựng hệ thống chuồng nuôi heo theo mô hình trang trại rồi liên kết với trạm khuyến nông huyện và các công ty thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi... để thực hiện quy trình nuôi heo sạch. Trang trại heo luôn có 100 con nái sinh sản và 600 heo thương phẩm.

“Mỗi năm doanh thu cá, heo của trang trại trên 1 tỷ đồng, trong đó lãi ròng đạt 500 triệu đồng. Nhờ đó, em có điều kiện tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 12 lao động, góp 30 triệu đồng làm đường ấp và tặng 3.000 cuốn vở cho con em nông dân nghèo trong xã” - Thọ vui vẻ cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về lớp nông dân thời kỳ công nghiệp hoá, ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho rằng, do tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, hàng năm diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể do đó lãnh đạo thành phố khuyến khích và định hướng cho người nông dân sản xuất những cây-con đưa lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên một diện tích không lớn.

Từ đó đã xuất hiện nhiều nông dân SXKD đạt hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng lợi nhuận/năm. Qua phong trào này, dần dần hình thành lớp nông dân mới không chỉ biết làm giàu mà còn có lòng nhân ái, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem