Mỹ chưa hết nhiệm vụ
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông A.Rasmussen cho biết, mặc dù NATO đồng ý tiếp quản vùng cấm bay tại Libya song các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên bộ ở quốc gia Bắc Phi này vẫn do liên quân Mỹ - Anh - Pháp thực hiện.
|
Chiến sự tiếp diễn ác liệt ở thành phố Ras Lanuf (Libya). |
Trái với tuyên bố trên, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ lại nói rằng, NATO đã đạt được một "thỏa thuận chính trị", theo đó NATO không chỉ điều hành chiến dịch áp đặt vùng cấm bay mà toàn bộ các hoạt động quân sự chống Libya.
Những phát biểu trái chiều trên cho thấy phương Tây vẫn bất đồng về vai trò chỉ huy các hoạt động quân sự chống Libya. Phó cố vấn Hải quân Mỹ William Gortney cho biết, không quân Mỹ sẵn sàng sử dụng máy bay chiến đấu trong trường hợp được NATO yêu cầu. Nếu không, họ sẽ chỉ làm nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu và thông tin an ninh hàng không tại Libya.
Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp phiên đặc biệt lần thứ 3 trong tuần này để nghe và thảo luận về báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký Ban Ki-moon về diễn biến tình hình ở Libya kể từ khi LHQ áp đặt Nghị quyết 1973 về thiết lập vùng cấm bay tại nước này.
Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, vùng cấm bay và chiến dịch quân sự đa quốc gia (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Canada, Italia và Qatar) cần phải tiếp tục cho đến khi chính phủ của nhà lãnh đạo Libya M.Gadhafi chấm dứt mọi cuộc tấn công nhằm vào quân nổi dậy.
Anh bắt đầu triển khai bộ binh
Tờ “Daily Mail” của Anh ngày 25.3 cho biết, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trong liên quân Mỹ-Anh-Pháp đưa bộ binh tiến sâu vào trong lãnh thổ Libya. Báo trên cho biết, hiện đã có 350 lính đặc nhiệm Anh đang thực hiện chiến dịch tấn công lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi và còn nhiều lính khác đang chờ nhận nhiệm vụ.
Thông tin này trái ngược với tuyên bố trước đó của một số quan chức Chính phủ Anh rằng, lực lượng bộ binh nước này sẽ không can dự vào chiến dịch quân sự của liên quân.
Cùng ngày, liên quân đã tiến hành hàng loạt vụ không kích mới nhằm vào quân Chính phủ Libya. Phó Đô đốc Mỹ W.Gortney cho biết, hàng chục quả tên lửa hành trình Tomahawk đã được nã xuống các trận địa phòng không của Libya, trong khi máy bay tiêm kích tiếp tục oanh tạc các địa điểm bố trí tên lửa phòng không, thông tin liên lạc, các trung tâm chỉ huy và kho vũ khí của nước này. Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã đồng ý cử 12 máy bay chiến đấu cho liên quân.
Trước tình hình này, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức nhằm tránh gây thêm thương vong cho dân thường.
Người phát ngôn Chính phủ Libya M.Ibrahim cho biết, ít nhất 100 dân thường đã thiệt mạng sau gần một tuần liên quân tiến hành các cuộc không kích nhằm vào đất nước này. Đài Truyền hình quốc gia Libya đưa tin, nhiều địa điểm quân sự và dân sự ở thủ đô Tripoli và thành phố Tagiura đã trở thành mục tiêu của "tên lửa tầm xa".
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.