Nét ăn uống trong đời sống người miền Tây

Lê Hoàng Sum Thứ hai, ngày 29/09/2014 08:00 AM (GMT+7)
Từ xưa, con người luôn hướng tới mục đích tốt đẹp trong cuộc sống “ăn no, mặc ấm”; nhưng khi đời sống con người được nâng cao thì quan điểm ấy dần được xóa nhòa để hướng tới mục tiêu mới “ăn ngon, mặc đẹp”. Người Việt nói chung – người miền Tây nói riêng trải qua các thời kì khác nhau của nghệ thuật ẩm thực theo phương châm “học ăn, học nói, học gói, học mở”, trong đó “học ăn” được xếp hàng đầu.
Bình luận 0
Ông bà xưa thường dạy con cháu “ăn coi nồi, ngồi coi hướng” để khuyên con cháu khi đi dự tiệc, đình đám, hội hè… Mỗi khi ngồi vào bàn ta cần quan sát thức ăn gồm có những gì, có đủ cho số lượng  những người đang có ở trong bàn ăn hay không, trước khi bắt đầu nhập tiệc.

Điều tối kị là không được ngồi ở đầu bàn, vì chỗ ấy chỉ dành cho những người lớn tuổi (hoặc chủ nhà nếu tuổi tác, thứ bậc của các thành viên trong bàn ngang nhau). Nếu là chủ nhà, ta nên dành những món ngon cho khách trước để thể hiện tính hiếu khách, vì “tiền khách, hậu chủ” mà.

 Khi ăn, không phải cắm cổ mà ăn, mà phải biết thể hiện tính mẫu mực về giao tiếp bằng lời nói, bằng động tác để thể hiện tình cảm trong bữa ăn. Điều này nhất định tạo ra được cái ngon: ngon vì món ăn, vì tình tâm giao bạn bè, ngon vì thời tiết phù hợp với món ăn, ngon vì tình người và cả không khí ấm cúng, thắm thiết, thân tình.

 Để cho cuộc tiệc thêm phần sống động thì phải có thức uống. Đối với đàn ông, rượu là thứ cần có, thiếu nó thì mất hẳn ý nghĩa. Thông thường, các “đấng mài râu” chuộng các loại rượu đặc sản bởi vì chất lượng của nó, có thương hiệu nên rất an toàn. Đắng chát, mặn nồng với đế Xuân Thạnh; cay cay, tê tê đầu lưỡi với chuối Phú Lễ hay trong vắt, xé lòng với rượu đế Gò Đen… Nhưng có một loại rượu mà hầu như “dân nhậu miền Tây” đều biết, nhưng cũng rất ít người nấu được loại rượu này, đó là “rượu gạo hơi khê”.

Cũng là rượu đế nhưng nấu hơi quá lửa một chút, gọi là rượu bén nồi, chỉ những gia đình có nghề gia truyền mới nấu được. Kết hợp ăn uống cũng phải có trật tự “ăn ngó xuống, uống ngó lên”, có như vậy mới tạo được một buổi tiệc văn hóa, đậm chất miền Tây.
 
Hiện nay, dường như văn hóa ẩm thực đặc sắc của người xưa dần chìm trong quên lãng. Ta bắt gặp một cái đám với những bàn tiệc xô bồ, bát nháo cả lên. Ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống và ai muốn nói gì thì cứ việc trình bày…Phải chăng nét đẹp trong ăn uống đích thực của người Việt đã lỗi thời, cổ hủ? Có lẽ, hằng ngày do phải vật lộn với miếng cơm manh áo trong thời buổi kinh tế thị trường, làm cho con người ta không quan tâm  đến những hành vi ăn uống nhỏ nhặt, nhưng nó lại là cơ sở, là thước đo giá trị của con người.

Ngay cả trong nhiều gia đình và ở nhà trường, người ta cũng chỉ quan tâm đến những điều lớn lao, những triết lý sâu xa, mà quên đi những ứng xử trong đời sống. Thời này, mấy ai còn lưu tâm đến “nết ăn, nết uống” với những kĩ năng ăn uống nhỏ nhặt ấy, vậy mà đôi khi nó góp phần hình thành nên nhân cách sống con người.

 Một chiếc bàn nho nhỏ, vài món ăn đạm bạc, dăm ba người bạn đồng quê với ly rượu “hơi khê” mà đong đầy tình nghĩa. Nhấp ly rượu nồng thơm mùi gạo mới, lâng lâng như đang ngủ giữa một vườn cau, nói cho nhau nghe chuyện ăn uống quê nhà…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem