"Nếu TTVN vẫn coi SEA Games là chính thì Olympic chỉ là... phụ"

Chính Minh Thứ bảy, ngày 10/08/2024 21:10 PM (GMT+7)
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I UBTDTT cho biết ông rất buồn, bức xúc khi Thể thao Việt Nam (TTVN) lần thứ 2 liên tiếp trắng tay tại Olympic: "Tôi đã nói nhiều năm nay rồi, TTVN phải lựa chọn các môn trong hệ thống Olympic, chọn một vài VĐV ưu tú để đầu tư trọng điểm"....
Bình luận 0

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: "TTVN đã có chiến lược cho Olympic Los Angeles 2028 chưa?"

Olympic Paris 2024 vẫn chưa kết thúc nhưng đoàn TTVN đã sớm chia tay Thế vận hội mà không thể giành được huy chương. Thành tích tốt nhất của TTVN thuộc về xạ thủ Trịnh Thu Vinh khi cô hai lần lọt vào chung kết 10m súng ngắn hơi (xếp thứ 4 chung cuộc) và 25m súng ngắn thể thao (xếp thứ 7/8).

Các VĐV khác đều thi đấu không thành công, dù đã có một vài thông số vượt lên chính mình. Cụ thể, tay chèo Phạm Thị Huệ lọt vào tứ kết đua thuyền rowing đơn nữ hạng nặng và cuối cùng đã đạt thông số tốt nhất của bản thân là 7 phút 47 giây 84 ở lượt đua chung kết nhóm D xếp hạng. "Tiểu tiên cá" Võ Thị Mỹ Tiên không vượt qua được vòng loại bơi 200m hỗn hợp nữ Olympic Paris 2024. Nhưng thông số 2 phút 17 giây 18 đạt được cũng là "kỷ lục bản thân" của Mỹ Tiên.

Xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền dừng bước ở vòng loại ở 10m súng trường hơi nữ, khi đứng thứ 40/43 VĐV. Nữ võ sĩ boxing Hà Thị Linh thắng được 1 trận và chỉ chịu dừng bước ở vòng 1/8 hạng 60kg nữ khi thua hạt giống số 1 Yang Wenlu (Trung Quốc, HCV ASIAD 19, HCĐ giải vô địch thế giới 2023). 

Nữ võ sĩ boxing Võ Thị Kim Ánh thua Preeti Pawar (Ấn Độ, HCĐ ASIAD 19) ở trận ra quân hạng 54kg nữ. Hoàng Thị Tình thua ngay trận ra quân hạng 48kg nữ môn judo. Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong dừng bước ngay ở vòng 1/32  đấu loại trực tiếp cung 1 dây đơn nam, nữ.

"Nếu TTVN vẫn coi SEA Games là chính thì Olympic chỉ là... phụ thôi" - Ảnh 1.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh là VĐV duy nhất của TTVN tiệm cận tới huy chương Olympic Paris 2024. (Ảnh chụp màn hình)

Tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh, Lê Đức Phát không vượt qua vòng bảng môn cầu lông. "Kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng không vượt qua được chính mình khi bơi vòng loại 800m tự do, 1500m tự do. Trần Thị Nhi Yến chỉ có thể vượt qua vòng sơ loại chạy 100m nữ và phải dừng bước ở vòng 1 chạy chính thức.

Cua-rơ Nguyễn Thị Thật xếp thứ 73/93 đua xe đạp đường trường 158km. Tay chèo Nguyễn Thị Hương không vượt qua được vòng loại đua thuyền canoeing đơn nữ 200m. Lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh thất bại ở hạng 61kg nam khi không thể chinh phục được mức cử giật 128kg trong 3 lần giật.

"Nếu TTVN vẫn coi SEA Games là chính thì Olympic chỉ là... phụ thôi" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Minh nhìn nhận nếu TTVN vẫn coi SEA Games là chính thì Olympic chỉ là... phụ. Ảnh: Phạm Hưng

Trao đổi với Dân Việt chiều nay (10/8), chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I UBTDTT, nguyên Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 2003 và nhiều kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic trong quá khứ nhìn nhận:

"TTVN không làm thể thao thành tích cao theo quy luật của nó với một hệ thống phát hiện, tuyển chọn tài năng, hệ thống được đầu tư một cách nghiêm túc, có khoa học.

Đã rất lâu, TTVN lựa chọn con đường là phải nhất-nhì SEA Games; mà không bao giờ đặt ra vấn đề là đạt tới trình độ nào ở Olympic. Dù thực tế thi đấu cho thấy, VĐV Việt Nam có thể tiệm cận trình độ thế giới ở một số môn, nội dung.

Tôi nghe lãnh đạo đoàn TTVN tại Olympic Paris 2024 phát biểu các VĐV Việt Nam đều đã cố gắng nhưng không vượt qua được chính mình dẫn tới việc không có huy chương Olympic.

Đừng nên đổ lỗi cho HLV, VĐV bởi họ chỉ là kết quả của một quá trình chuẩn bị, đào tạo. Trình độ của VĐV phụ thuộc chiến lược, quá trình huấn luyện của quốc gia. Lãnh đạo ngành nên nhận trách nhiệm khi TTVN không hoàn thành mục tiêu giành huy chương Olympic Paris 2024".

"Nếu TTVN vẫn coi SEA Games là chính thì Olympic chỉ là... phụ thôi" - Ảnh 3.

Ông Đặng Hà Việt (thứ 2 từ trái qua) - Trưởng đoàn TTVN tại Olympic Paris 2024 động viên tay chèo thuyền rowing Phạm Thị Huệ và tay chèo thuyền canoeing Nguyễn Thị Hương (thứ 2 từ phải qua). Ảnh: TTVN

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nếu chiến lược của TTVN khẳng định SEA Games vẫn là chính, thì những Đại hội lớn như ASIAD, Olympic chỉ là.... phụ thôi (?!):

"Tôi rất buồn, bức xúc, tâm tư. Vấn đề quá cũ rồi, sau khi TTVN không có huy chương tại Olympic Tokyo, hay gần nhất là trước ASIAD 19 năm ngoái ở Hàng Châu (Trung Quốc) tôi cũng đã phân tích nhưng không có gì thay đổi.

Tôi đã nói rất nhiều năm nay rồi, nói đi nói lại theo kiểu "biết rồi, khổ lắm nói mãi". TTVN phải thay đổi, lựa chọn các môn châu Á, các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, lựa chọn vài VĐV ưu tú để đầu tư trọng điểm, hơn hẳn các môn khác một cách có hệ thống.

Lựa chọn môn nào để đầu tư thì đều liên quan tới lợi ích, liên quan tới kinh phí của những môn còn lại. Lãnh đạo phải có đủ uy tín, chuyên môn, ý chí, sự quyết liệt để quyết định đầu tư tập trung môn gì; Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM... làm gì, để không gây ra tranh cãi.

Một vấn đề nữa là việc Tổng cục TDTT bị hạ xuống thành Cục. Bộ máy tổ chức bị teo tóp, hết quyền lực và không điều khiển được các trung tâm đào tạo VĐV của các tỉnh thành. Và như vậy thì làm sao lấy được nguồn nhân lực để tập trung lại (?!)".

Theo dòng chia sẻ, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh kể lại câu chuyện cách đây 24 năm, thời điểm năm 2000 khi ông là một đại biểu trong thành phần đoàn của Bộ VHTTDL sang Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm.

"Thời điểm đó, Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc đăng cai Olympic Bắc Kinh 2008. Họ đặt câu hỏi với phía Việt Nam là: "Các đồng chí có biết chúng tôi gặp khó khăn gì khi chuẩn bị tổ chức Olympic 2008 không?" Khi ta chưa trả lời, vị Chủ tịch UB Olympic Trung Quốc đã nói cái khó nhất là đến năm 2008, các đội tuyển của chúng tôi sẽ là những môn gì, lực lượng VĐV thi đấu là ai để đạt kết quả nhất toàn đoàn Thế vận hội".

Như vậy là để chuẩn bị cho Olympic 2008, mọi kế hoạch chuẩn bị đã được họ làm từ 8 năm trước. Suốt quá trình làm như vậy, cứ trung tâm thể thao nào không hoàn thành thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và từ chức.

Đây là bài học rất sống động với TTVN. Tôi thử hỏi lúc này, chúng ta đã có chiến lược cho Olympic Los Angeles 2028 chưa? Vấn đề vẫn là đầu tư môn nào, quyết định lựa chọn con người ra sao, tập huấn trong nước, quốc tế, thi đấu ra sao... Tất cả phải có văn bản, có kế hoạch chi tiết. Còn nếu không, 4 năm sau, kết thúc Olympic Los Angeles 2028 chúng ta sẽ nói lại những câu chuyện đã nói sau khi không thể giành huy chương Olympic Tokyo 2020, Olympic Paris 2024".

"Không thể chỉ trông chờ vào kinh phí của nhà nước"

Tại Olympic Paris 2024 tính đến lúc này, 5 nước Đông Nam Á đã có huy chương. Cụ thể Philippines (2 HCV thể dục dụng cụ của Carlos Yulo, 2 HCĐ), Indonesia (2 HCV leo núi tốc độ, cử tạ, 1 HCĐ), Thái Lan (1 HCV của nữ võ sĩ taekwondo hạng -49kg nữ Panipak Wongpattanakit, 3 HCB, 2 HCĐ), Malaysia (2 HCĐ), Singapore (1 HCĐ).

Nói về thành công của các nước Đông Nam Á tại Olympic Paris 2024 như một bài học đối với TTVN, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh thể hiện quan điểm:

"Các nước Đông Nam Á thành công, họ không phụ thuộc và cơ quan quản lý nhà nước về thể thao, mà họ phụ thuộc các Liên đoàn thể thao. Để Panipak Wongpattanakit có thể giành HCV taekwondo Olympic Tokyo 2020 và bảo vệ thành công tấm HCV đó tại Olympic Paris 2024, Thái Lan đã có hơn 20 năm tập trung đầu tư trọng điểm.

Tôi có một người bạn là quan chức thể thao Thái Lan đã nói với tôi từ năm 2000 là họ phải tấn công vào một số hạng cân taekwondo Olympic.

Đầu tiên, chính ông ta phải tham gia vào Liên đoàn taekwondo thế giới. Thông qua Hàn Quốc giúp đỡ, ông ấy trở thành Phó Chủ tịch Liên đoàn taekwondo thế giới. Bằng con đường này, taekwondo Thái Lan đã thu hút được nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển một số hạng cân, trong đó có hạng -49kg nữ và rất thành công với "báu vật" Panipak Wongpattanakit.

Bên cạnh taekwondo, những môn truyền thống của Thái Lan như cử tạ, boxing đều có huy chương Olympic.

Với Philippines, cũng là sự đầu tư của Liên đoàn thể thao quốc gia đối với Carlos Yulo, họ gần như dồn toàn lực để phát triển một vài môn thể thao trọng điểm.

Thông qua mối quan hệ quốc tế mà cụ thể là với Nhật Bản, Carlos Yulo đã được phát hiện, tập luyện có hệ thống gần chục năm ở Nhật Bản, được thi đấu đỉnh cao nhiều và đã vô địch thế giới từ năm 2019.

Với Indonesia họ có truyền thông ở môn thế mạnh cử tạ, cầu lông, năm nay còn có HCV leo núi rất bất ngờ. Malaysia có huy chương cầu lông, Singapore có huy chương môn thuyền buồm cũng là thế mạnh của họ".

"Nếu TTVN vẫn coi SEA Games là chính thì Olympic chỉ là... phụ thôi" - Ảnh 4.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng gần như không có liên đoàn nào của TTVN đủ sức nâng tầm, "gánh" nổi các VĐV. Ảnh: Viết Niệm

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh điểm yếu cốt tử của TTVN là tất cả kinh phí gần như phụ thuộc vào Cục TDTT. Gần như không có Liên đoàn nào đủ sức nâng tầm, "gánh" nổi các VĐV. 

"Những chỉ đạo chung chung, không tập trung trọng điểm sẽ không thể tạo ra sức bật cho TTVN. Các Liên đoàn phải huy động nguồn từ xã hội hóa, tiền bao cấp của Chính phủ không thể đủ được. 

Các nước khu vực Đông Nam Á, châu lục và thế giới đều đã và đang làm như vậy. Và thực tế ở Việt Nam, bóng đá đã làm được rồi, tại sao các môn khác không thể làm được? Phải thay đổi cơ chế, giao quyền cho các Liên đoàn để họ có vị trí, vai trò phát huy năng lực.

Đặc biệt, phải quan tâm đến bộ máy tổ chức thể thao từ Trung ương đến địa phương. Đưa những người có chuyên môn thể thao vào bộ máy tổ chức, trực tiếp chỉ đạo thực hiện", ông Minh nói.

"Số VĐV đạt chuẩn Olympic chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu"

Xung quanh quá trình chuẩn bị, đầu tư của TTVN, ông Nguyễn Hồng Minh chỉ ra một sai lầm trong vài năm gần đây là đặt ra một loại chỉ tiêu mới là: Số người đạt chuẩn, giành vé dự Olympic. Và coi đó là tiêu chuẩn đánh giá thất bại hay thành công. 

"Nếu TTVN vẫn coi SEA Games là chính thì Olympic chỉ là... phụ thôi" - Ảnh 5.

Nguyễn Huy Hoàng từng giành HCB 1500m bơi tự do ASIAD 2018 nhưng lúc này đã dần đi xuống. Ảnh: Cao Oanh

"Theo tôi điều đó không đúng. 20 năm trước, không có vòng loại Olympic. Nhưng do VĐV tới Thế vận hội ngày càng đông, nên sau này các Liên đoàn thế giới phải tổ chức vòng loại để loại bớt những VĐV không đủ trình độ, đảm bảo nâng cao chất lượng Olympic.

Như vậy là vòng loại là phương tiện để đến Olympic chứ không phải mục tiêu. Mục tiêu là khi đến Olympic, TTVN có huy chương hay không? Vì vậy không nên phục thuộc vào số VĐV giành vé, mà phải lựa chọn những VĐV đủ sức cạnh tranh. Như vậy chỉ có thể chọn 2-3 VĐV tranh huy chương. 

Tôi ví dụ nếu đầu tư trọng điểm cho khoảng 4-5 VĐV có vé tới Olympic và họ đều có khả năng cạnh tranh huy chương, còn hơn chúng ta có 16 VĐV đến Olympic Paris 2024 nhưng khả năng giành huy chương thực sự chỉ là xạ thủ Trịnh Thu Vinh.

Nguyễn Huy Hoàng rất tốt, giành HCB 1500m tự do ASIAD 2018, nhưng đó là khi Huy Hoàng 18 tuổi. Còn năm nay, Huy Hoàng đã 24 tuổi rồi và đang trên đà đi xuống nên không thể trách cậu ấy được.

Hay Trịnh Văn Vinh trở lại sau 4 năm bị cấm thi đấu vì doping, đạt tổng cử tốt nhất là 294kg thì còn sức đâu nữa mà nói là niềm hy vọng giành huy chương Olympic khi các đối thủ như HCV Li Fabin (Trung Quốc) đã đạt tới mức tổng cử 310kg, HCB Silachai (303kg).

Hay trường hợp của Nguyễn Thị Thật từng giành HCB ASIAD 2014, 3 HCV đường trường châu Á năm 2018, 2022, 2023, HCB xuất phát đồng hàng giải vô địch đường trường châu Á tháng 6/2024 tại Kazakhstan, nhưng đó là giải đấu không có những VĐV hàng đầu thế giới của Mỹ, Hà Lan, Bỉ... Và làm sao Nguyễn Thị Thật có cơ hội trong cuộc đua với hơn 90 tay đua hàng đầu thế giới?

Rõ ràng không thể nói những niềm hy vọng có huy chương Olympic ở những môn đó. Để xác định rõ những niềm hy vọng đòi hỏi những nhà quản lý phải làm việc với từng bộ môn thật kỹ, phải tra xét bằng được thứ hạng của họ đang ở đâu và có chiến lược đầu tư mạnh mẽ mới có hy vọng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem