Nga tăng cường sức mạnh cho hải quân đánh bộ

Thứ năm, ngày 15/08/2013 12:57 PM (GMT+7)
Trong các binh chủng của hải quân Nga, lực lượng phòng thủ bờ biển và hải quân đánh bộ là những lực lượng đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ nhằm tăng cường sức mạnh trong hoàn cảnh mới.
Bình luận 0

img

Để tinh nhuệ, nâng cao chất lượng, khả năng tác chiến của lực lượng phòng thủ bờ biển và hải quân đánh bộ, quân đội Nga đã áp dụng biện pháp tinh giảm biên chế. Một số đơn vị cấp sư đoàn trước đây rút gọn thành lữ đoàn và lữ đoàn trước đây xuống trung đoàn.

Lực lượng hải quân đánh bộ có cơ cấu biên chế từ thời Liên Xô cũ, vốn được xây dựng từ lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Trong đó, lực lượng dự bị động viên chỉ được động viên khi xảy ra chiến tranh và như vậy lực lượng này còn được gọi là “Bộ đội khung”.

Mục tiêu trong lần cải cách tổng thể này của Quân đội Nga là loại bỏ lực lượng “Bộ đội khung”, nhằm làm cho Quân đội Nga luôn bảo đảm được biên chế đầy đủ, sẵn sàng trong trạng thái chiến đấu khi chiến tranh xảy ra.

Hai lữ đoàn hải quân đánh bộ vốn thuộc Hạm đội Phương Bắc đều tinh gọn biên chế thành trung đoàn hải quân đánh bộ. Tuy nhiên, biên chế quân số của trung đoàn này vẫn giữ nguyên.

Sư đoàn hải quân đánh bộ số 55 trong Hạm đội Thái Bình Dương, đã được rút gọn biên chế xuống thành lữ đoàn hải quân đánh bộ 55. Tuy nhiên, về biên chế tổ chức lại được tăng lên trong cuộc cải cách này.

img

Lực lượng hải quân đánh bộ và lực lượng phòng thủ bờ biển thuộc Hạm đội Baltic cũng được sắp xếp lại với mục tiêu cắt giảm cơ bản “bộ đội khung” của lực lượng này.

Trước khi cải cách, phân đội thuộc khu vực biển Caspia cũng có một lữ đoàn hải quân đánh bộ, với nhiệm vụ chủ yếu là tác chiến chống khủng bố ở khu vực. Hiện lữ đoàn này đã bị giải thể. Tuy nhiên, Quân đội Nga vẫn giữ nguyên biên chế của hai tiểu đoàn hải quân đánh bộ, đồng thời thuyên chuyển những binh sỹ của đơn vị này vào lực lượng thường trực giống như các lực lượng khác.

Không phải bất cứ đơn vị nào cải cách cũng phải cắt giảm biên chế tổ chức. Một ví dụ là trung đoàn hải quân đánh bộ số 810 thuộc Hạm đội Biển Đen. Trung đoàn này được mở rộng biên chế thành lữ đoàn hải quân đánh bộ (trong đó có một phần lực lượng được chuyển biên chế từ lữ đoàn hải quân đánh bộ đã bị giải thể của phân đội thuộc hạm đội khu vực biển Caspia).

Ngoài việc điều chỉnh biên chế tổ chức, trang thiết bị của lực lượng hải quân đánh bộ cũng có những thay đổi, các xe thiết giáp BTR-80M/BTR-70M, hệ thống pháo tự hành 2S9, vũ khí hạng nhẹ và các trang thiết bị thông tin sau khi được nâng cấp cải tiến đã liên tục được bàn giao cho bộ đội đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, Quân đội Nga cũng đang trang bị các loại tên lửa đường đạn và các loại pháo thế hệ mới cho lực lượng phòng thủ bờ biển. Trong thời gian tới, hệ thống tên lửa đường đạn phòng thủ bờ biển BAL và hệ thống pháo tự hành 130mm A-222 sẽ sớm được đưa vào sử dụng.

img

Một sự thay đổi khác trong lực lượng hải quân đánh bộ và lực lượng phòng thủ ven bờ là việc bố trí con người. Do lực lượng hải quân đánh bộ là lực lượng tác chiến phản ứng nhanh hết sức quan trọng, còn lực lượng phòng thủ ven biển là lực lượng cần có trình độ kỹ thuật cao, chính vì vậy nâng cao chất lượng cho binh sỹ cũng là một trong những biện pháp cải cách của Quân đội Nga.

Trước đây, hai lực lượng này có số lượng nhân viên hợp đồng tương đối lớn. Nhưng sau khi cải cách, lực lượng này được tuyển dụng thành quân nhân chuyên nghiệp. Ví dụ như một tiểu đoàn đột kích hải quân thuộc Hạm đội Phương Bắc, trước đây tiểu đoàn này cơ bản là nhân viên hợp đồng, còn hiện nay, tỷ lệ quân nhân chuyên nghiệp cao hơn 70% so với trước khi cải cách.

Tường Bách (Tường Bách)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem