Ngành game Việt Nam và cột mốc doanh thu 1 tỷ đô, liệu có khả thi?

Nguyễn Thịnh Thứ sáu, ngày 17/05/2024 10:30 AM (GMT+7)
Ngành công nghiệp game tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và đầy tiềm năng, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trò chơi di động và sự gia tăng số lượng người dùng trẻ, am hiểu công nghệ.
Bình luận 0

Tiềm năng của ngành game Việt Nam nằm ở sự tăng trưởng nhanh chóng và sự mở rộng không ngừng của cộng đồng game thủ, đặc biệt là trong lĩnh vực trò chơi di động và esports. Ngoài ra, sự phát triển của các công nghệ mới như IoT, blockchain... cũng đang có sự tác động, thúc đẩy mạnh tới ngành game.

Báo Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam xung quanh chủ đề này. 

Thưa ông Trung, ông đánh giá ra sao về tiềm năng ngành game Việt Nam? So với các quốc gia hàng đầu về game trên thế giới ra sao?

- Ngành công nghiệp game tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và đầy tiềm năng, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trò chơi di động và sự gia tăng số lượng người dùng trẻ, am hiểu công nghệ. Doanh thu sức mua từ thị trường game tại Việt Nam được Statista dự báo đạt 456 triệu USD vào năm 2024 và tăng lên 586 triệu USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 8,68%. Điều này cho thấy mức độ phát triển của thị trường từ góc độ người tiêu dùng rất tiềm năng.

Ngành game Việt Nam và cột mốc doanh thu 1 tỷ đô, liệu có khả thi?- Ảnh 1.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng này là sự phổ biến của smartphone và các gói dữ liệu di động giá rẻ, làm cho trò chơi di động trở thành phân khúc lớn nhất trong thị trường trò chơi điện tử tại Việt Nam. Dự kiến, doanh thu từ trò chơi di động sẽ đạt 215 triệu USD vào năm 2024.

Game (trò chơi điện tử) đang là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh và dần được quan tâm song hành với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin.

So với các quốc gia hàng đầu về game trên thế giới, như Trung Quốc, Mỹ, và Nhật Bản, thị trường game tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và nhỏ bé về quy mô. Ví dụ, doanh thu sức mua từ thị trường game tại Trung Quốc dự kiến đạt hơn 94 tỷ USD vào năm 2024, gấp hơn 20 lần so với Việt Nam.

Tuy nhiên, tiềm năng của Việt Nam nằm ở sự tăng trưởng nhanh chóng và sự mở rộng không ngừng của cộng đồng game thủ, đặc biệt là trong lĩnh vực trò chơi di động và esports.

Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu và áp dụng các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Chính phủ Việt Nam cũng đang có những chính sách hỗ trợ phát triển ngành game, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển game nội địa và thu hút đầu tư từ các công ty quốc tế .

Tóm lại, mặc dù còn khiêm tốn so với các quốc gia hàng đầu, nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và sự hỗ trợ từ chính phủ, ngành game tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng trở thành một trong những thị trường game đáng chú ý trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ TTTT đặt mục tiêu trong 5 năm tới đến 2030, ngành game Việt Nam sẽ đạt mốc doanh thu 1 tỷ đô, ông đánh giá như thế nào về điều này, liệu mục tiêu này có khả thi? 

Tôi không rõ lắm con số 1 tỷ USD này là doanh thu sức mua (consumer spending) của người dùng tại Việt Nam hay doanh thu từ các doanh nghiệp sản xuất game tại Việt Nam nên không đánh giá về mục tiêu này. 

Doanh thu sức mua của người tiêu dùng Việt Nam bao gồm tổng số tiền mà người tiêu dùng tại Việt Nam chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến trò chơi điện tử đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Trong khi doanh thu từ các doanh nghiệp sản xuất game đăng ký đóng thuế tại Việt Nam là doanh thu toàn cầu khi bán các sản phẩm game.

Ngành game Việt Nam và cột mốc doanh thu 1 tỷ đô, liệu có khả thi?- Ảnh 2.

Theo ông Trung, con số 1 tỷ USD là không khó nếu có nhìn nhận rõ ràng phối hợp từ Bộ tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nếu là một mục tiêu đến từ Chính phủ, tôi cho rằng yếu tố được đề cập ở đây là doanh thu doanh nghiệp và các con số này nếu có thì có lẽ Bộ tài chính sẽ có con số chắc chắn hơn. 

Về phía cá nhân, các con số tôi hiện có được là doanh thu sức mua của người tiêu dùng tại Việt Nam do hầu hết các tổ chức quốc tế phân tích lại trên cơ sở các báo cáo tập hợp từ các báo cáo tài chính của các công ty sản xuất game toàn cầu. 

Có thời kỳ chúng ta đã từng cho rằng game là không tốt, cần hạn chế sức mua. Dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất game tại Việt Nam bị quản lý khá nhiều trong việc cấp phép và khai thác. Tuy nhiên với sự ra đời các thiết bị game gia đình và di động kết nối internet đã xuất hiện các chợ game cung ứng có tính chất xuyên biên giới và vượt qua sự quản lý này khá dễ dàng. Các nhà sản xuất game nước ngoài thậm chí có nhiều lợi thế hơn nhà sản xuất game nội địa.

Vậy nếu chúng ta đang muốn nói tới một nền kinh tế số có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đem lại ngoại tệ và việc làm cho Việt Nam trị giá 1 tỷ USD thì chúng ta cần có những cách quản lý tiếp cận và mục tiêu rõ ràng để hướng tới các con số này. Theo tôi vai trò lúc đó cần có nhìn nhận rõ ràng phối hợp từ Bộ tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì con số 1 tỷ USD là không khó.

Theo ông, sự phát triển của các công nghệ mới như IoT, blockchain... tác động ra sao tới sự phát triển của ngành game? 

IoT và blockchain đang tạo ra những thay đổi quan trọng và mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp game. Công nghệ IoT (Internet of Things) cho phép kết nối và tương tác giữa các thiết bị, tạo ra trải nghiệm chơi game phong phú và tương tác hơn. Ví dụ, các thiết bị đeo thông minh như đồng hồ thông minh và kính thực tế ảo (VR) có thể cung cấp phản hồi thời gian thực và dữ liệu sinh trắc học, giúp các nhà phát triển tạo ra các trò chơi phản ứng linh hoạt với người chơi. IoT cũng cung cấp lượng lớn dữ liệu về hành vi người dùng và hiệu suất của trò chơi, giúp các nhà phát triển game cải tiến sản phẩm và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.

Blockchain mang lại nhiều lợi ích cho ngành game thông qua việc đảm bảo quyền sở hữu và giao dịch tài sản kỹ thuật số trong game một cách an toàn và minh bạch. Ví dụ, các vật phẩm trong trò chơi có thể được mã hóa thành tài sản kỹ thuật số mà người chơi thực sự sở hữu và có thể giao dịch ngoài hệ thống của trò chơi. Công nghệ này cũng cung cấp một cơ chế chống gian lận hiệu quả, vì các giao dịch và sự kiện trong game đều được ghi lại trên một sổ cái phân tán và không thể thay đổi, tăng cường tính minh bạch và bảo mật.

Blockchain còn hỗ trợ phát triển các trò chơi phi tập trung (decentralized games), nơi người chơi có thể kiểm soát và giao dịch nội dung game mà không cần sự kiểm soát của nhà phát hành game truyền thống. Một ví dụ điển hình là game Axie Infinity, một trò chơi dựa trên blockchain do một công ty Việt Nam phát triển, đã thu hút hàng triệu người chơi trên toàn thế giới và tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số riêng.

Những công nghệ này không chỉ cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn thay đổi cách thức hoạt động và kinh doanh của ngành công nghiệp game. Việc tích hợp IoT và blockchain vào game giúp mở ra những khả năng mới cho các nhà phát triển và người chơi, đồng thời tạo ra một môi trường chơi game an toàn, minh bạch và tương tác hơn. Điều này càng làm tăng tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp game tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Các công ty sản xuất và phát hành game Việt Nam đang tập trung phát triển thể loại gì nhờ IoT, blockchain? 

Các công ty game Việt Nam đang chú trọng phát triển các thể loại game sử dụng công nghệ blockchain như Play-to-Earn (chơi để kiếm tiền) và NFT (Non-Fungible Token). Những tựa game này cho phép người chơi sở hữu, trao đổi và buôn bán tài sản trong game dưới dạng tài sản số, tạo ra một hệ sinh thái kinh tế ảo phong phú. Bên cạnh đó, các công ty cũng đang nghiên cứu và phát triển các tựa game kết nối với IoT mặc dù còn chưa nhiều.

Như Sky Mavis, nhà phát triển của Axie Infinity, đang tiên phong trong việc sử dụng blockchain để tạo ra các trò chơi dựa trên công nghệ này. Trò chơi blockchain cho phép người chơi thực sự sở hữu tài sản kỹ thuật số dưới dạng NFT (Non-Fungible Token), có thể mua bán và trao đổi ngoài hệ thống của trò chơi. Axie Infinity là một ví dụ điển hình về việc áp dụng blockchain, nơi người chơi có thể kiếm tiền thật thông qua việc chơi game và giao dịch các vật phẩm kỹ thuật số.

Ảnh màn hình 2024-05-17 lúc 10.11.37.png

Ngoài ra tôi cũng thấy một số công ty cũng đang tập trung vào việc phát triển các trò chơi thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Công nghệ IoT được áp dụng để tạo ra các trò chơi VR/AR mang tính tương tác cao, giúp người chơi có trải nghiệm thực tế và hấp dẫn hơn. Các trò chơi sử dụng công nghệ VR, ví dụ như những game đưa người chơi vào các thế giới ảo để tương tác với môi trường và nhân vật trong game, đang ngày càng phổ biến và thu hút sự quan tâm lớn. Những công nghệ này không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới trong ngành công nghiệp game.

Vậy theo ông, để ngành game thật sự vươn mình, cần phải làm gì, từ nhiều góc độ? 

- Để ngành game Việt Nam thực sự vươn mình và phát triển mạnh mẽ, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Chính phủ cần xây dựng và cải thiện các quy định pháp lý hỗ trợ ngành game, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nên xem xét thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất video game Việt Nam như một tổ chức xã hội nghề nghiệp để thúc đẩy các tiêu chuẩn ngành và tạo môi trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Về nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về lập trình game, thiết kế đồ họa và công nghệ mới, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu. Tạo điều kiện làm việc hấp dẫn để thu hút và giữ chân các tài năng trong ngành.

"Game là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của nước ta có thể xuất khẩu nội dung số ra thế giới. Đó là thế mạnh cần tập trung phát triển và chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là ngành mũi nhọn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời gian sắp tới," ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định.

Các công ty cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng các công nghệ như VR, AR, IoT và blockchain. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược marketing hiệu quả, tận dụng truyền thông xã hội và hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường. Ngoài ra, việc phát triển các sản phẩm game kết hợp với văn hóa, văn học và phim ảnh Việt Nam cũng là một hướng đi đầy tiềm năng. Điều này không chỉ giúp các trò chơi trở nên phong phú và hấp dẫn hơn mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Phát triển cộng đồng game thủ và esports bằng cách tổ chức các giải đấu và xây dựng các diễn đàn giao lưu cũng là yếu tố quan trọng. Tóm lại, việc cải thiện chính sách, đầu tư vào nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, phát triển cộng đồng, kết hợp với văn hóa và thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất video game Việt Nam sẽ giúp ngành game Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt vị thế cao trên thị trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem