Trưa 23 tháng Chạp, trời lất phất mưa phùn làm dấy lên trong lòng người xa quê nỗi nhớ nhà da diết. Ngày xưa, cũng vào ngày này, anh em chúng tôi đã cùng nghe bài khấn nguyện của nội trong lễ đưa Táo Quân lên Trời.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Người dân quê tôi cũng vì thế mà luôn chờ đợi đến ngày 23 này để đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng sao cho tươm tất, chu đáo nhất.
Mâm lễ dùng để nghinh tiễn ông Táo về trời (ảnh minh họa, nguồn internet)
Thường cứ sáng ngày 23 âm lịch, nội tôi giục chúng tôi dậy từ rất sớm để chuẩn bị mâm lễ vật cúng Táo Quân. Nội tôi ra chợ mua về 3 cái mũ, trong đó 2 cái có “cánh chuồn”, cùng ít vàng mã để cho “Vua Bếp” bay về Trời. Nội tôi chuẩn bị 1 mâm cỗ, trong đó có rượu, hoa, bánh kẹo… và 3 con cá chép còn sống. Theo như lời nội tôi, nên mua cá chép to, khỏe mới có đủ sức để chở ông Táo lên chầu Trời.
Thường thì lễ nghinh đưa ông Táo của gia đình tôi được tiến hành đúng 12 giờ trưa, khi cái nắng vừa đứng bóng người của tiết trời tháng Chạp. Nội tôi mặc đồ mới, bưng mâm lễ ra nhà sau - nơi có 3 ông Táo. Nội tôi cất lên bài khấn trang trọng, anh em tôi thì đứng 2 bên, giương mắt ra nhìn nội. Khấn xong, nội bảo chúng tôi ngồi xuống chờ đợi nhang cháy tàn rồi dọn dẹp mâm lễ. Chúng tôi chỉ chờ có thế, tranh giành nhau bánh kẹo để ăn; vì chúng tôi cho rằng ăn bánh của ông Táo sẽ gặp nhiều điều thuận lợi, may mắn.
Thả cá chép trong ngày đưa ông Táo về chầu Trời (ảnh minh họa, nguồn internet)
Điều thú vị nhất trong tôi về ngày đưa ông Táo về trời là được cùng nội thả cá chép xuống cái ao nhỏ trước nhà. Nhìn cá chép lội tung tăng trong dòng nước mà cảm thấy thích lắm. Nhớ lời nội dặn không được chọc cá, vì lúc ấy cá đang làm nhiệm vụ quan trọng của mình là chở Táo Quân lên trời cho kịp giờ chầu Thượng Đế.
Giờ đây, trong thời buổi kinh tế thị trường làm gì có ai dùng ông Táo để thổi lửa nấu cơm. Nhưng trong tiềm thức của mình, lời khấn của nội tôi trong ngày 23 tháng Chạp vẫn luôn còn mãi, thử thách trước thời gian và không hề phôi pha. Người dân quê tôi vẫn sẽ luôn gìn giữ tục lệ tốt đẹp này, để ngày đưa ông Táo mãi là ngày quan trọng, là 1 bản sắc không thể thiếu trong Tết cổ truyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.