Câu hỏi:
Tên tôi Nguyễn Văn Trang 56 tuổi, đang công tác tại hội người cao tuổi huyện vùng cao. Tôi tham gia công tác từ tháng 8/1997 (vùng 0,7). Đến nay, tôi đóng BHXH được 22 năm 6 tháng. Tôi không thuộc diện tinh giảm biên chế, nhưng do sức khỏe giảm sút, tôi muốn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi theo nNghị định số 108/2014/NĐ-CP có được không?
Bạn đọc Nguyễn Văn Trang (Email: hoinctxxx@gmail.com)
Trả lời:
Trao đổi với Dân Việt về câu hỏi muốn nghỉ hưu trước tuổi của bạn đọc Nguyễn Văn Trang, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:
Hiện nay, chính sách tinh giản biên chế được quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 và Nghị định 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
Nghỉ hưu trước tuổi vì sức khỏe giảm sút có được hưởng nguyên lương hưu?
Chính sách về hưu trước tuổi theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được quy định tại Điều 8 Nghị định này. Theo đó đối tượng được hưởng chế độ hưu trí theo quy định, có thể sẽ không bị trừ lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi và có thể được hưởng trợ cấp tiền lương. Chính sách này áp dụng với các đối tượng bao gồm:
- Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
- Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
- Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
- Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Như vậy, trường hợp bác muốn nghỉ hưu trước theo chế độ quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP, bác phải thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định trên. Tuy nhiên, theo trình bày, bác không thuộc diện tinh giản biên chế do đó bác không thuộc trường hợp được hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, tại Điều 6 Nghị định quy định về chính sách thôi việc được hưởng các khoản trợ cấp với những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế, do đó nếu không thuộc diện cũng không được áp dụng.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.
Trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế, việc nghỉ hưu của bác sẽ theo quy định của Bộ luật lao động và hưởng chế độ theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Điều 187 Bộ luật lao động 2012 quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định trên. Như vậy bác đủ điều kiện thì có thể nghỉ hưu trước khi đủ 60 tuổi.
Theo điểm b khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014, nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, và có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu mà không cần xét đến tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Mức lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định Số: 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ và Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ LĐTBXH.
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH sẽ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (quy định tại Điều 62 của Luật BHXH) và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Những câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc về cơ chế chính sách BHXH, BHYT, lương, thưởng đối với người lao động có thể gửi về địa chỉ:
Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: bandocdanviet2010@gmail.com;
Điện thoại liên hệ: 0982340700.
Câu hỏi gửi về đề nghị ghi rõ: Dân Việt tư vấn, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của người gửi để tòa soạn liên hệ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.