Thịt trâu đã rửa sạch (ảnh: tác giả)
Để có được món ăn ngon, người ta thường chọn thịt nạc còn dính chút ít gân rồi xắt miếng vuông, lớn. Đặc biệt khi làm thịt người ta tránh rửa thịt bằng nước mưa, mà chỉ rửa bằng nước giếng, nước đìa đã lóng cặn mà thôi.
Theo dân gian, ai không biết đem thịt trâu rửa bằng nước mưa khi ăn sẽ dễ bị đau bụng, đi ngoài. Để thịt ráo đập vài củ gừng tươi cho nát để ướp. Chờ một lúc, người ta lại cho tiếp nước và hột tương làm từ đậu nành đã lên men vào cùng chút bột ngọt. Chờ thịt thấm mới đem kho. Bắc nồi thịt kho lên bếp, chờ sôi thì trút nước dừa xiêm vào kho tiếp, nhưng để nhỏ lửa cho thịt thấm.
Thịt trâu kho tương (ảnh: tác giả)
Món trâu kho tương, từng miếng mềm, thớ thịt bung ra ngọt lịm. Người ta thường hay ăn nóng với những thứ rau luộc chấm kèm. Cũng có người thích chấm rau sống hái từ vườn nhà, đặc biệt ngon miệng là chấm thịt trâu kho tương bằng đọt khổ qua rừng.
Các vị ngọt, béo, đắng, cay,… hòa quyện chung làm cho món ăn vừa đậm chất dân gian, vừa như phảng phất đây đó hình bóng của những người đầu tiên đặt chân đến đây khai hoang dựng làng, lập xóm. Thịt trâu kho tương cũng đem lại sự ngon miệng và năng lượng đáng kể để bù đắp lại cho người nông dân sau bao ngày vất vả trên ruộng đồng.
Ngày nay, khi nền kinh tế thị trường đã thay cho kinh tế tự túc tự cấp, thịt trâu kho tương trở thành món đặc sản, hiện diện trong các nhà hàng và được nhiều thực khách ưa chuộng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.