Người dân “đổ xô” mua bảo hiểm xe máy đối phó với tổng kiểm soát giao thông: Vấn đề nằm ở đâu?
Người dân “đổ xô” mua bảo hiểm xe máy đối phó với tổng kiểm soát giao thông: Vấn đề nằm ở đâu?
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 20/05/2020 11:24 AM (GMT+7)
Câu chuyện về bảo hiểm xe máy đang trở thành đề tài nóng trong những ngày gần đây. Có ý kiến cho rằng, việc người dân “ùn ùn” đi mua bảo hiểm xe máy nhằm “đối phó” với Cảnh sát Giao thông là do sự yếu kém trong công tác tuyên truyền và đây cũng không phải thời điểm thích hợp để tổng kiểm soát giao thông.
Từ ngày 15/5 đến 14/6, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) trên toàn quốc ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông - trật tự xã hội.
Trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát, Cảnh sát Giao thông các đơn vị, địa phương được quyền dừng các phương tiện để kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định...Và câu chuyện về bảo hiểm xe máy lại thành đề tài thời sự những ngày này.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy "đắt hàng"
Theo ghi nhận, những ngày gần đây, các điểm bán bảo hiểm, đại lý bảo hiểm xe máy đông khách đột biến. Người dân đổ xô đến các điểm này tìm mua bảo hiểm xe máy để phòng hờ khi bị CSGT kiểm tra giấy tờ.
Theo tìm hiểu, bảo hiểm xe máy bán dọc các tuyến đường có mức giá phổ biến khoảng 65.000 đồng/năm cho cả xe và người, nếu chọn thời hạn 2 năm là 85.000 đồng. Trường hợp khách chỉ mua bảo hiểm dành cho xe máy là 50.000 đồng/năm và 70.000 đồng/2 năm. Còn mua bảo hiểm cho người mà không mua cho xe giá chỉ có 10.000 đồng/năm và 15.000 đồng/2 năm.
Người dân đến mua bảo hiểm xe chỉ cần mang theo giấy đăng ký xe, nhân viên sẽ điền thông tin trên bảo hiểm. Giao dịch này đơn giản, không mất nhiều thời gian, người dân cũng có thể mua hộ bảo hiểm cho người khác chỉ cần có thông tin về chiếc xe muốn mua.
Ông Lê Đức Th. (Vũ Thư, Thái Bình) đi mua bảo hiểm xe máy khi sau khi biết CSGT có đợt kiểm tra giấy tờ với phương tiện giao thông. Ông Th. giải thích "Từ trước đến nay cũng không để ý đến loại hình bảo hiểm này có thì dùng, đến lúc hết hạn cũng không biết. Không chỉ có mình tôi mà rất nhiều người dân cùng tuổi với chúng tôi, quanh năm quẩn quanh với làm ruộng, nên cũng không hiểu bảo hiểm này vì sao bắt buộc phải có. Nhưng vì nghe nói kiểm tra nên cũng phải vội đi mua để nhỡ đâu kiểm tra còn không bị phạt".
Trường hợp của ông Th. không phải là cá biệt. Thậm chí như cầu tăng cao đột biến do người dân đổ xô mua bảo hiểm trong những ngày qua khiến cho các công ty bảo hiểm cũng cảm thấy bất ngờ vì tự nhiên "đắt hàng".
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, cả nhân viên và đại lý các công ty bảo hiểm đang "ngập đầu" trong các đơn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho chủ xe. Số liệu thống kê sơ bộ, doanh thu tăng gấp vài lần nhưng thực có thể còn tăng cao hơn. Nhu cầu mua bảo hiểm tăng đột biến khiến việc vận chuyển giấy chứng nhận cho các đại lý phải "chạy đua" liên tục mà cung vẫn không đủ cầu.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, cả nước đã có gần 60 triệu xe môtô, xe máy, tăng gần 80% so với năm 2011 nhưng, ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, chỉ có khoảng 30% chủ xe mô tô xe máy chủ động mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe.
Chính vì vậy, việc người dân "ùn ùn" kéo nhau đi mua bảo hiểm xe máy diễn ra trong mấy ngày vừa qua cũng là thời gian tổng kiểm tra giao thông là điều hoàn toàn có thể dự đoán được.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, động thái này của người dân cho thấy nhiều người vẫn chưa hiểu đúng và đủ về bảo hiểm trách nhiệm dân sự, vẫn chỉ mua với mục đích đối phó với cảnh sát giao thông.
"Về luật thì không có gì sai nhưng qua sự việc lần này chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Theo tôi, trước khi triển khai chiến dịch cần phải có những điều tra cụ thể xem chúng ta sẽ phải đối mặt với những tình huống nào, bao nhiêu người đã có bảo hiểm, dự kiến sẽ đạt được những tiến bộ gì và xử lý như thế nào? Nên có sự bàn bạc và đánh giá trước với các hiệp hội liên quan và thông báo công khai với người dân sớm chứ không phải "đánh úp" người dân trong những trường hợp như thế này", ông Doanh nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi có sự bàn bạc với các bên liên quan như bảo hiểm chẳng hạn sẽ hạn chế được những đối tượng lợi dụng tình huống để kinh doanh không đúng pháp luật, làm giả bảo hiểm hay việc chủ xe mua nhầm giữa bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc…Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ kịp thời lên kế hoạch xem cần chuẩn bị gì và ứng xử như thế nào khi nhu cầu mua bảo hiểm tăng cao?...
"CSGT thực hiện tổng kiểm soát giao thông là nhằm nâng cao chất lượng tham gia giao thông, đem lại lợi ích cho người dân chứ không phải là "đánh úp" người dân. Nếu thực hiện công bố trước kế hoạch, người dân sẽ thấy được thiện chí và từ đó có thể nâng cao nhận thức về ý nghĩa của bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ phương tiện, nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân và xã hội", ông Doanh nhấn mạnh.
Để sản phẩm bảo hiểm này không chỉ phải mua để "đối phó", thì các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần đơn giản hơn trong khâu giải quyết các thủ tục bồi thường để xóa bỏ định kiến "bảo hiểm mua dễ khó đòi".
Nêu quan điểm của mình, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico khẳng định, việc tổng kiểm soát giao thông là đúng luật, đúng yêu cầu nhưng kiểm tra thời điểm này là không hợp lý. Người dân vừa sống sót sau dịch Covid-19, còn bề bộn khó khăn nên việc động thái này có thể sẽ tạo thêm áp lực khó chồng khó đối với người dân.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến còn quá kém, dẫn tới việc chỉ có 30% chủ xe mô tô xe máy chủ động mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe. Thậm chí, đa số nhầm lẫn giữa 2 loại tự nguyên và bắt buộc.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng phải thừa nhận, người dân Việt Nam có tâm lý ngại mua bảo hiểm, trong khi đó công tác tuyên truyền chưa đúng đã dẫn tới việc người dân "đổ xô" mua bảo hiểm đối phó CSGT như thực tế hiện nay.
"Các công ty bán bảo hiểm không có trách nhiệm tuyên truyền. Tuyên truyền các chính sách pháp luật phải là các cơ quan về an toàn giao thông. Các cơ quan này đã không có biện pháp tuyên truyền đúng cho người dân dẫn tới việc người dân không hiểu được tác dụng của bảo hiểm bên thứ ba là gì? Việc tuyên truyền chưa đúng dẫn tới người dân chưa nhận thức được hết mà thôi", vị này nhấn mạnh thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.