Người đổ phân vào 2 mẹ con để đòi nợ có bị phạt?

Bảo Yến Thứ bảy, ngày 24/04/2021 09:25 AM (GMT+7)
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ đổ phân vào người 2 mẹ con hàng xóm để đòi nợ.
Bình luận 0

Ngày 21/4, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ cầm xô phân tạt vào người 2 mẹ con.

Vụ việc trên xảy ra tại nhà bà C.T.G (40 tuổi, xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa, Phú Yên) vào tối 19/4.

Theo đó, bà N.T.C (56 tuổi, hàng xóm của bà G.) qua nhà bà G. đòi tiền nợ. Tuy nhiên, bà G. không có tiền trả.

Hai bên xảy ra đôi co. Bà C. buông lời lẽ hăm dọa rồi tạt phân trộn lẫn với dầu hỏa lên người bà G. và đầu con của bà G. (cháu trai chỉ mới khoảng 2 tuổi).

vu_be_trai_2_tuoi_va_me_bi_do_phan_len_nguoi_o_phu_yen_tinh_hinh_suc_khoe_nan_nhan_dspl_1.jpg

Người phụ nữ đổ phân lên người 2 mẹ con để đòi nợ. Ảnh cắt từ clip.

Người đổ phân vào 2 mẹ con để đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với Dân Việt về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ: "Hành vi của người phụ nữ này là rất tàn nhẫn, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác, hành vi có dấu hiệu tội phạm bởi vậy cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật".

Theo luật sư, luật pháp quy định, trong các giao dịch dân sự nếu phát sinh nghĩa vụ trả tiền mà các bên không thỏa thuận được với nhau thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc giao tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Nếu hành vi dùng vũ lực khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản thì đó là hành vi cướp tài sản.

Hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức khiến người bị đe dọa tê liệt ý chí vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 20215, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS).

Đối với hành vi tấn công, đổ chất thải vào đầu, vào người người khác là hành vi sử dụng vũ lực. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi sử dụng vũ lực nhằm mục đích gì, nếu với mục đích để buộc nạn nhân phải giao tài sản thì đó là hành vi cướp tài sản.

Dù chưa lấy được tài sản nhưng với hành vi dùng vũ lực để thực hiện mục đích nhằm lấy tài sản thì hành vi này thỏa mãn dấu hiệu của tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS. Trong vụ việc này nạn nhân là đứa trẻ mới hai tuổi cho thấy hành vi tàn nhẫn, mất tính người của đối tượng đã thực hiện hành vi nguy hiểm.

Trong trường hợp đối tượng này là chủ nợ, nhiều lần đòi tiền nhưng mẹ của cháu bé không trả thì pháp luật cũng không cho phép đối tượng này sử dụng vũ lực theo kiểu "tự xử". Pháp luật nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cưỡng chế để đòi nợ trái pháp luật.

Pháp luật quy định trong trường hợp vi phạm thỏa thuận về thực hiện nghĩa vụ dân sự thì bên kia có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Trường hợp dùng vũ lực trong quan hệ dân sự là hành vi vi phạm pháp luật, nếu dùng vũ lực để nhằm đòi nợ, chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi tội phạm.

Trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được hành vi sử dụng vũ lực để nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể không xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội cướp tài sản. 

Tuy nhiên, hành vi ném chất bẩn vào người khác một cách công khai có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích nếu có tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ xảy ra hoặc tội làm nhục người khác nếu như hậu quả của hành vi gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân. 

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào thì sẽ xử lý hình sự về tội danh đó.

MỨC XỬ PHẠT HÀNH VI CƯỚP TÀI SẢN VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG

"Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

"Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem