Người hiền ở bản Lâm Sinh

Thứ sáu, ngày 20/09/2013 10:45 AM (GMT+7)
Chăm chỉ, ham học hỏi làm giàu cho gia đình, anh Lý Phù Sinh, dân tộc Dao, bản Lâm Sinh, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, Lào Cai được bà con địa phương nể phục bởi có nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhân hậu.
Bình luận 0
Mở đường no ấm

Theo chương trình định cư của tỉnh Lào Cai, năm 1991, gia đình Lý Phù Sinh và nhiều hộ đồng bào Dao từ xã Tả Phìn, huyện Sa Pa về lập nghiệp ở bản Lâm Sinh. Những ngày về bản mới, các hộ năm nào cũng thiếu đói 8-9 tháng. Gần như tay không, con cái còn nhỏ dại, Lý Phù Sinh phải đi làm thuê đủ mọi việc, từ đào đất, kéo gỗ, trồng rừng cho lâm trường... để kiếm gạo ăn. Những lúc hết gạo, không có việc làm, gia đình Lý Phù Sinh và nhiều hộ trong bản Lâm Sinh phải ăn rau rừng lót dạ.

Vợ chồng anh Lý Phù Sinh phơi thảo quả.
Vợ chồng anh Lý Phù Sinh phơi thảo quả.

No cái bụng thì mới tính chuyện làm ăn lâu dài được. Phải tìm cách làm ra lương thực. Muốn trồng cấy thì phải tìm được nguồn nước -Lý Phù Sinh nung nấu, trăn trở trong những ngày đầu lập nghiệp nơi vùng đất mới. Anh lần tìm nguồn nước rồi cùng vợ con khai hoang làm ruộng bậc thang để trồng lúa. “Đồi đất dốc, đá gộc lẫn với gốc cây, ban đầu nhiều người không tin mình làm được ruộng cấy lúa nước đâu. Cật lực, gắng sức, năm đầu tiên, vợ chồng, con cái khai hoang được 0,5ha ruộng. Mình cấy giống lúa lai, đất mới, giống tốt, được mùa, thóc gạo đủ cho cả nhà ăn cả năm. Bà con trong bản thấy vậy, nhiều hộ khai hoang đất làm ruộng nước. Qua mấy vụ gặt, nghèo thì chưa thoát được, nhưng đói thì đã ra khỏi cái bếp của nhiều gia đình trong bản...”- anh Sinh kể.

img
Không chỉ có lúa nước, vợ chồng anh còn trồng ngô giống mới; nhận khoanh nuôi, bảo vệ 30ha rừng cho Lâm trường Văn Bàn. Lý Phù Sinh cũng là người đầu tiên đưa thảo quả- cây trồng có giá trị kinh tế cao về trồng trên rừng Văn Bàn. “Thảo quả phải có rừng già thì mới cho quả, trồng thảo quả vừa giữ được rừng, giữ được nước, vừa có nguồn thu cao”- Lý Phù Sinh lý giải. Nơi đất đồi trống, thiếu nước, Lý Phù Sinh mua giống quế về trồng. Giờ đây, gia đình anh đã có 1,2ha ruộng nước, 6ha quế, 12ha thảo quả, 8 con trâu. Từ năm 2003 đến nay, tổng thu nhập của gia đình anh đạt bình quân trên 250 triệu đồng/năm, trong đó nguồn thu lớn nhất là thảo quả và quế.

Nhân ái, nghĩa tình

Không chỉ giỏi làm kinh tế, vợ chồng Lý Phù Sinh còn sống rất tình nghĩa với bản làng, sẵn sàng giúp đỡ hộ nghèo bằng cách giúp lương thực, giống, vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất. Từ năm 2006 đến nay, vợ chồng anh đã giúp hàng chục hộ trong bản, ngoài xã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Mỗi việc anh làm trước hết là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, qua đó giúp bà con trong bản nhìn thấy có hiệu quả mà làm theo. Ngoài ra, vợ chồng anh còn nhận nuôi 4 cháu trong bản mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các cháu được vợ chồng anh chăm lo, dạy dỗ như con đẻ…

Lý Phù Sinh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều phần thưởng của địa phương, T.Ư. Anh được đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.


Là ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Văn Bàn, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, hội đoàn thể địa phương, anh tích cực vận động bà con trong bản xây dựng nông thôn mới. Riêng gia đình anh góp 7 triệu đồng để mở rộng con đường về bản. Bản Lâm Sinh hiện có 31 hộ người Dao, người Mông, nhà nào cũng đã ngói hóa, có điện, có nước sạch…
Phương Đông (Phương Đông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem