Người mẹ đi bằng tay đưa con vào đại học

Chủ nhật, ngày 23/12/2012 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong căn nhà vỏn vẹn 10m2, tôi ấn tượng với người phụ nữ ấy bởi cặp mắt rạng ngời hy vọng. Hơn 14 năm qua, chị một mình nuôi nấng người con trai duy nhất vào đại học.
Bình luận 0

Chị là Phạm Thị Khời, 42 tuổi, bị liệt cả hai chân, trú tại cụm dân cư số 4, phường Hòa Nghĩa, Dương Kinh, Hải Phòng.

Sinh năm 1972 trong một gia đình thuần nông ở Hải Phòng, thời trẻ, chị Phạm Thị Khời cũng nhanh nhẹn và hoạt bát như bao người con gái khác. Đến tuổi cập kê, chị lập gia đình và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Tưởng rằng những ngày tháng hạnh phúc đó sẽ êm ả trôi đi nhưng trớ trêu thay, cuộc đời như con tạo xoay vần, một biến cố kinh hoàng đã ập xuống biến chị thành một người tàn phế.

img
Cậu sinh viên Nguyễn Thành Luân chăm sóc mẹ liệt 2 chân

Biến cố cuộc đời

Sau khi lập gia đình, cuộc sống ngày càng khó khăn, chồng chị trở nên cục cằn và nhu nhược. Trong một lần không kiềm chế được tức giận, anh ta đã thẳng tay bạo hành làm chị bị va đập mạnh xuống đường và ngất lịm đi. Kết quả chẩn đoán tạm thời xác định chị bị ảnh hưởng dây thần kinh. Thời đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kèm theo suy nghĩ chủ quan nên chị chỉ tiêm kháng sinh và về nhà uống thuốc.

Nửa tháng sau, thấy chân tay tê cứng, cử động khó khăn, chị Khời mới đi chiếu chụp tại bệnh viện thành phố. Các bác sĩ cho biết, chị bị chấn thương cột sống, liệt cả hai tay, hai chân. Dù gia đình đã chạy vạy vay mượn khắp nơi cho chị chữa bệnh nhưng kết quả vẫn không khả quan. Từ đó, chị với chiếc xe lăn là bạn.

Sau biến cố đầy nước mắt, người phụ nữ ấy luôn mang trong mình một nỗi mặc cảm khi gặp phải những ánh mắt soi mói của người đời. Chị thấy hận chồng chị, người gây ra sự cố nhưng đã bỏ rơi chị trong bệnh viện để đi lấy vợ khác. Chuyển ra căn nhà nhỏ hẹp gần bờ sông, hai mẹ con chị Khời sống nương tựa vào nhau.

Dường như bao nhọc nhằn, lo toan đều đè nặng lên đôi vai ốm yếu, bệnh tật của người phụ nữ bất hạnh ấy. Ngậm ngùi dùng vạt áo lau vội những giọt nước mắt đang ứ đọng, giọng chị lạc đi: "Nhìn đứa con thơ bé bỏng, có cha mà như không, tôi lại thấy tim mình đau nhói. Thương đứa con côi cút, tôi nhủ lòng gắng gượng, bươn chải, vật lộn với cuộc sống bằng đôi tay còn lại của mình”.

Tưởng rằng hoàn cảnh cùng cực đó có thể vùi lấp đi ý chí của con người, nhưng rồi cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn chỉ có thể cản bước người phụ nữ này trong việc di chuyển chứ không cản nổi ý chí mạnh mẽ và lòng yêu con tha thiết của chị.

Để có tiền nuôi con, chị mua thêm đàn gà, nuôi lấy trứng, lấy thịt bán cho hàng xóm, láng giềng. Chị tâm sự: "Hằng ngày con trai đi học, không có người đỡ đần, tôi phải cặm cụi tự đẩy xe lăn, có khi phải bò lết từng bước để lấy thức ăn, nước uống chăm đàn gà. Cố gắng duy trì, mỗi tháng tôi cũng gom góp được khoảng 500 nghìn đồng, chỉ đủ nộp tiền học phí cho con".

Cuộc sống luôn chứa đựng những điều kỳ diệu, thượng đế ban tặng cho chị một đứa con trai thông minh, ngoan ngoãn và hiếu thảo hết mực. Từ khi 9 tuổi, cậu bé Nguyễn Thành Luân đã chăm chỉ đi mót thóc rơi ngoài đồng về cho mẹ nuôi gà. 10 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, Luân luôn được thầy cô, bạn bè ca ngợi.

Ngoài thời gian học trên lớp, Luân còn đảm nhiệm hết các công việc nhà để đỡ đần mẹ. Đêm khuya khi mẹ đã ngủ say, cậu mới tranh thủ thắp đèn ôn bài. Không phụ công mẹ tần tảo nuôi dạy, tốt nghiệp phổ thông, Luân thi đỗ vào Trường đại học Hàng hải với điểm số cao. Nhìn con trai gầy gò, xanh xao cầm trên tay tờ giấy báo nhập học, chị Khời vui sướng mà chực trào nước mắt.

Sức mạnh của tình mẫu tử

Nghe câu chuyện cuộc đời của chị Khời mà tôi thấy khâm phục sự chịu thương, chịu khó của chị. Trong căn nhà lụp xụp, hai mẹ con chị nương tựa vào nhau để sống. Cái ngột ngạt, nóng bức khi hè đến và cảnh co ro, tím tái khi đông về dường như đã trở thành lẽ thường tình. Số tiền gần 500 nghìn đồng chị kiếm được mỗi tháng cũng chỉ đủ rau, mắm tằn tiện qua ngày. Học phí của Luân hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền trợ cấp 180.000 đồng dành cho hộ nghèo tại địa phương và một khoản tiền ít ỏi do họ hàng góp lại.

Trong ngần ấy năm, nhiều lúc chị Khời cũng thấy nản chí, buồn tủi, cô đơn, thậm chí là muốn chết. Nhưng chị nghĩ rằng mình không thể quanh quẩn trong sự bi quan đó mà phải sống vì con, vì niềm hy vọng cuối cùng của đời chị. Những nỗi vất vả, nhọc nhằn đều hằn lên gương mặt đầy khắc khổ, lo âu, nhưng chỉ riêng trong ánh mắt người phụ nữ ấy là luôn cháy rực một nghị lực sống đầy kiêu hãnh. Hình ảnh người đàn bà liệt nửa người từng ngày cố gắng gồng mình nuôi con ăn học giờ đã không còn xa lạ gì với những người dân phường Hòa Nghĩa.

Đứa con trai hiếu thảo là khởi đầu cho một hạnh phúc nhỏ nhoi và vô cùng bình dị của người phụ nữ tật nguyền. Đó là quà tặng xứng đáng cho những con người luôn biết vươn lên trong cuộc sống, dù có phải trải qua những biến cố khổ đau. Dù còn cả một chặng đường dài trước mắt nhưng chị Khời thấy rằng, cuộc đời này chẳng có gì đáng quý hơn niềm hạnh phúc được chắt lọc và đánh đổi từ những đau thương mà ông trời dành cho mỗi người như là định mệnh.

Kiệt quệ vì liên tục nhập viện
img
Đôi bàn tay không được khỏe mạnh này nhiều lúc phải thay đôi chân teo tóp

Mất đi 70% sức khỏe, chị Khời chỉ nằm được một chỗ với đôi chân thêm teo tóp mỗi ngày. Tất cả mọi hoạt động, chị đều nhờ vào đôi bàn tay cũng không được mấy linh hoạt của mình. Gần đây nhất, vào tháng 7/2012, chị đã phải nhập viện đến 3 lần. Số tiền dành dụm được bấy lâu nay đều đổ dồn vào chữa bệnh cho chị khiến gia cảnh càng kiệt quệ.

Bị bỏ đói vẫn quyết đòi tài sản

Nhận thức được hoàn cảnh, chị Khời quyết không để mình phải chịu thiệt thòi. Chị làm đủ mọi cách đòi lại tài sản của mình kể cả khi bị nhốt và bỏ đói mấy ngày ròng rã ở nhà chồng. May thay, nhờ có chính quyền địa phương can thiệp, chị đã giành lại được chút ít vốn liếng đủ để trang trải tạm thời và nuôi đứa con trai khờ dại chưa đầy 10 tuổi.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem