Người Ơ Đu về bản mới

Thứ năm, ngày 16/09/2010 16:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vượt qua quá khứ đau thương và bao kiếp đời lầm lũi, hơn 600 thành viên tộc người Ơ Đu giờ đây đang được nhà nước hỗ trợ xây dựng bản mới hướng tới no ấm và tìm về bản sắc cội nguồn.
Bình luận 0
img
Niềm vui của người Ơ Đu nơi bản mới.

Theo các tài liệu nghiên cứu, tộc người Ơ Đu là một trong số dân tộc rất ít người ở Việt Nam. Dân tộc này chỉ cư trú trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An), dọc lưu vực sông Nậm Nơn và Nậm Mộ. Nghề chính của họ là làm ruộng nước và phát rẫy, ngoài ra còn có nghề đãi và luyện vàng sa khoáng, đánh bắt cá...

Về bản mới

Thực hiện kế hoạch ngăn dòng Nậm Nơn để xây dựng công trình thuỷ điện Bản Vẽ, gần 100 gia đình Ơ Đu sống rải rác dọc triền sông được di dời về bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Về bản mới, anh em Ơ Đu được sống gần nhau. Về bản mới, bà con được sống trong những ngôi nhà vững chãi.

Trong công trình "Địa chí huyện Tương Dương" (NXB KHXH, 2003), PGS Ninh Viết Giao viết: "Người Ơ Đu có ngôn ngữ riêng, tiếng Ơ Đu thuộc ngôn ngữ Môn-Khmer, trong các từ vị cơ bản có một tỷ lệ nhất định mang yếu tố Việt Mường”.

Mỗi khi bão lũ tràn về không còn cảnh cả bản chong đèn suốt đêm canh nước lũ, chống lại mái nhà. Xa rồi cảnh đèn cù leo lét. Ánh điện đã toả sáng khắp mọi nhà, nước sạch về tận bản. TV giờ trở nên gần gũi với họ, bật điều khiển là có thể "kết nối" với mọi miền.

Bản nằm bên trục đường nối hai huyện Tương Dương và Quỳ Hợp. Hàng ngày, xe tải đến trao đổi hàng; 4-5 chuyến xe khách chạy tuyến Nga My- TP. Vinh đi về trong ngày. Nhiều gia đình đã mua xe máy, mua xe đạp cho trẻ em đến trường, điều khi ở miệt Kim Đa, Kim Tiến chỉ là giấc mơ.

Về bản mới, bà con được hỗ trợ tiền khai hoang đất sản xuất, hỗ trợ giống bò, lợn, gà đen, ngô lai, vải thiều, gừng, măng điền trúc, cuốc, xẻng để sản xuất... Theo kế hoạch, nhà nước sẽ đầu tư kinh phí xây dựng một số công trình thuỷ lợi và khai hoang ruộng nước, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng giúp đồng bào Ơ Đu ổn định cuộc sống.

Nhà nước xây dựng trường học, cử giáo viên về tận bản để dạy chữ cho trẻ em. Học sinh đến trường được cấp sách vở, bút, mực. Hiện người Ơ Đu đã có 1 em học lên đại học, 4 em học cao đẳng...

Không còn lo mất tiếng mẹ đẻ

Đặc biệt, dự án bảo tồn và phát triển dân tộc Ơ Đu ưu tiên khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa, bắt đầu từ tiếng nói. Đến nay, huyện Tương Dương đã mở 5 lớp phổ biến tiếng Ơ Đu cho bà con.

Đến dự lễ khai giảng lớp phổ biến chữ Ơ đu (lớp thứ 5) chúng tôi được chứng kiến cảnh già trẻ, gái trai háo hức đăng ký đi học. Tuổi đã cao, cụ Lò Văn Mằn giờ không trực tiếp đứng lớp mà giữ vai trò cố vấn, chỉnh âm cho các học viên. Cụ tâm sự: "Lớp trẻ bây giờ sáng dạ lắm, chúng nó học nhanh hiểu lắm! Ta không còn lo tiếng mẹ đẻ bị thất truyền".

Em Lò Thuỳ Dương (13 tuổi), học sinh lớp 8 Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Tương Dương, 1 trong 46 gương mặt tiêu biểu của Nghệ An về Thủ đô dự Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ nhất. Em là niềm tự hào của bản Văng Môn, năm học nào em cũng được nhà trường khen thưởng về thành tích học tập.

Trường học cách nhà hơn 70km, không thể về bản tham dự lớp học tiếng Ơ Đu, em phải nhờ bố mẹ photo giáo trình gửi ra để tự học. Thuỳ Dương tâm sự: “Em mơ ước làm cô giáo dạy văn để về dạy các em nhỏ. Em sẽ dành thời gian để tìm hiểu, sưu tầm văn hoá dân tộc Ơ Đu đã bị mai một, cùng các thành viên dân tộc Ơ Đu trên hành trình "tìm lại chính mình".

Được biết, UBND tỉnh vừa quyết định đầu tư nguồn kinh phí gần 600 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hoá ở Văng Môn làm nơi sinh hoạt cộng đồng và lưu giữ bản sắc văn hoá của người Ơ Đu.

Nắng thu nhuốm vàng các cánh rừng và bản Văng Môn. Tiễn chúng tôi, Trưởng bản Lò Văn Tình nói: "Chúng tôi quyết xây dựng Văng Môn thành bản văn hoá thuần Ơ Đu. Nhà báo trở lại thăm bản nhé".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem