Người Thái, người Ấn giữ giống lúa như thế nào?

Nguyễn Tố Thứ ba, ngày 21/08/2018 18:00 PM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên Thái Lan trở thành “cường quốc” xuất khẩu lúa gạo thế giới, và cũng không phải tự nhiên mà Ấn Độ nổi tiếng với cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp… họ đều có kế hoạch và chính sách rất cụ thể, rõ ràng. Một trong những chính sách đó là bảo hộ và phát triển những giống cây bản địa đặc sắc.
Bình luận 0

Những năm 1950-1951 khi Việt Nam còn đang trong thời kỳ đầu đổi mới, xây dựng đất nước thì Cục Lúa gạo Thái Lan đã ban hành chỉ thị về việc phát triển các giống lúa để chọn ra những giống tốt nhất phục vụ sản xuất và tiêu thụ. Khi đó, một quan chức chính phủ có tên là Sunthorn SiHaNuen đã đến các địa phương vùng phía đông Thái Lan để thu thập các giống lúa đặc sản.

Sau một thời gian tìm tòi, ông mang về Trạm nghiên cứu lúa Khoksamrong 199 bông lúa thuộc các giống khác nhau và các nhà khoa học bắt đầu tiến hành nhân giống để đánh giá, chọn lọc.

img

Nhờ làm tốt công tác bảo hộ các nguồn gen cũng như các giống cây trồng bản địa mà Thái Lan đã nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới. Ảnh: T.L

Năm 1957, dòng thuần của giống lúa Hom Mali được gửi đi trồng thử nghiệm tại nhiều khu vực ở Thái Lan. Năm 1959, Hom Mali số 105 đã được chứng nhận là giống lúa đạt yêu cầu và được đặt tên là Khao Dawk Mali 105.

Sau đó, Khao Dawk Mali 105 được dùng làm giống cha mẹ để lai chéo và được kích thích tạo đột biến bằng tia gamma để tạo ra giống RD15. Giống lúa này được trồng phổ biến ở phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan từ năm 1965.

Nhận thức được vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao giá trị gạo thơm jasmine Thái cũng như để hoàn thành được các nhiệm vụ về mở rộng thị trường, năm 2008, Thái Lan thành lập Cơ quan chỉ dẫn địa lý Thung Kula Rong-Hai thuộc Hiệp hội Thương mại lúa gạo Thai Hom Mali. Theo bà Pajchima Thanasanti - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan, thuộc Bộ Công Thương Thái Lan, gạo Thung Kula Rong-Hai là loại gạo đầu tiên ở ASEAN đăng ký chỉ dẫn địa lý ở các nước châu Âu.

“Việc đăng ký và bảo hộ loại gạo thơm Thung Kula Rang-Hai của Thái Lan dưới dạng một sản phẩm chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sẽ cho phép gạo Thái sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm của mình. Điều này sẽ có ích cho việc xây dựng lòng tin với khách hàng châu Âu, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu cho gạo thơm Thung Kula Rang-Hai trong khi nâng tầm sản phẩm này trên thị trường quốc tế” - bà Pajchima Thanasanti nói.

Tương tự, ở Ấn Độ các tổ chức phi chính phủ và chính phủ đều nỗ lực bảo tồn các giống lúa bản địa. Có thể kể đến một số cơ quan tiêu biểu như phòng thí nghiệm kiểm định hạt giống tiểu bang (SSTL) ở Bhubaneshwar, Viện Nghiên cứu lúa gạo trung ương (CRRI) ở Cuttak, Odisha và Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) ở New Delhi.

Mục tiêu của các đơn vị này là nuôi cấy các giống lúa bản địa, bảo tồn chúng để từ đó nghiên cứu, lai tạo, cho ra đời các giống năng suất cao. Đơn cử như CRRI đã thu thập được gần 30.000 giống bản địa, bảo quản ở điều kiện 4 độ C và độ ẩm tương đối 30%.

Sau khâu thu thập giống là công việc của các nhà di truyền học, “thanh lọc” ra những giống bản địa quý, phù hợp với nhu cầu, hạn chế những điểm yếu như năng suất thấp, hình thức xấu... Ấn Độ từ lâu cũng đã liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế trong bảo tồn các giống lúa quý.

Điển hình là việc 5.000 giống lúa thuộc các bang miền đông bắc nước này đã được chuyển đến Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines vào năm 1965. Động thái này hiện đã cho thấy hiệu quả; hàng loạt giống lúa ở vùng Assam vốn đã biến mất tại Ấn Độ nhưng hoàn toàn có thể phục hồi nhờ được bảo tồn tại IRRI.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem