Người thương binh già gác những chuyến tàu Bắc - Nam

Cảnh Thắng Thứ sáu, ngày 28/07/2017 06:20 AM (GMT+7)
Từ chiến trường trở về quê hương, mang trong mình bao vết thương thời máu lửa, nhưng người thương binh già Nguyễn Huy Chi (trú xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn kiên nhẫn bám trụ trong chốt gác bên đường tàu, đoạn đi qua đường dân sinh để bảo vệ tính mạng người dân mỗi khi có tàu... Từ năm 2005 đến nay, ngày nào ông cũng đi gác tàu như thế.
Bình luận 0

Chốt gác mà ông canh gác bấy lâu nay là điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc - Nam và đường ngang dân sinh nối Quốc lộ 1A với một số xã phía Tây của huyện Quỳnh Lưu.

Chốt gác bên đường tàu

img

Những chuyến tàu qua đường ngang an toàn có đóng góp của người thương binh già Nguyễn Huy Chi.

"Mỗi lần xem tivi thấy những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường dân sinh có đường tàu đi qua khiến tôi hoảng quá. Nghĩ mình là cựu chiến binh sao lại không thể đi canh tàu cho dân nhờ. Thế là tôi tình nguyện ra đây”.

Ông Nguyễn Huy Chi

Bất kể ngày mưa hay nắng, từ sáng sớm tinh mơ, người thương binh già Nguyễn Huy Chi vẫn đạp chiếc xe đạp cà tàng đi khoảng 2km từ nhà đến chốt gác ở khu vực xóm 7, xã Quỳnh Tân làm “nhiệm vụ”.

Hành trang của ông, ngoài chiếc xe đạp đã cũ là một cây cờ hiệu, mấy quả pháo sáng, một chiếc võng, một áo mưa, một tấm bạt và một vài chai nước...

Chốt gác của ông nằm trên vệ cỏ cách đường tàu 3m. Cái chòi chỉ cao hơn 2m, bốn phía xây gạch cao khoảng 1m. Bên ngoài phía đường tàu đề chữ “Chốt gác đường ngang”. Phía đường dân sinh có hàng chữ “An toàn là bạn. Tai nạn là thù” và “Đoạn đường nguy hiểm”.

Ông bảo: “Đường tàu qua đây chạy quanh co theo chân dãy núi, tầm nhìn bị che khuất nhiều. Trong khi đó đường dân sinh là đường đất, xe tải đủ loại liên tục vào ra chở đá, xe máy của người dân 12 xóm trong xã chở hàng cồng kềnh và học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 tan học là ùa qua đây về làng nên tôi nhờ mấy chú đi tuần đường viết lên tường như thế để thêm một lời cảnh báo về sự nguy hiểm cho mọi người”.

Người thương bình già Nguyễn Huy Chi cho biết, vì “bốt” không được che chắn đầy đủ nên hàng ngày ông phải mang theo một tấm bạt.

Ông Nguyễn Huy Chi vào bộ đội năm 1964, chiến đấu ở chiến trường Lào. Ông bị thương hai lần vào năm 1967 và 1968, hưởng chế độ thương tật 1/4. Năm 1970, sau một thời gian đi an dưỡng, ông được cho đi học để về phục vụ quê hương. Ông Chi kể chuyện nhưng chốc chốc lại đưa tay vào túi áo lấy cái đồng hồ đeo tay, bảo: “Sắp có tàu khách qua. Buổi sáng có 3 chuyến tàu “to” đi qua đây. SE20, SE8 đi ra, SE7 đi vô”.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông kể tiếp: “Khi xem giờ và nghe tiếng động của tàu là biết tàu sắp qua. Tôi rời chốt gác ra ngay vị trí đứng an toàn trên đường dân sinh để báo cho người, xe phải dừng lại. Khi hai phía đường thấy người dân chấp hành, tôi quay mặt về phía đầu tàu và giơ cao chiếc cờ hiệu cuộn tròn để báo hiệu an toàn cho tàu qua”.

Lúc ông chú ý mới hay tiếng động của đoàn tàu đang rung tận chốt gác. Chuyến tàu khách 11 giờ sắp qua. Người cựu binh như hoạt bát hẳn lên khi ông đưa cờ hiệu chỉ về hai phía đường dân sinh cho người, xe dừng lại rồi quay người đứng vào vị trí đón đoàn tàu lao qua vùn vụt.

12 năm lặng lẽ canh tàu

Hình ảnh của ông Chi - người thương binh hạng 1/4, người cựu chiến binh 77 tuổi dần dần trở nên quen thuộc với người dân thường qua lại khu vực này. 6 giờ sáng ông có mặt, gần 12 giờ trưa về. 2 giờ chiều ra chốt lại, 4-5 giờ chiều về. Ngày nào không thấy ông ở chốt gác mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc ông bị ốm.

Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Chi tâm sự: “Rõ khổ các chú ạ. Tôi, rồi các con, các cháu khuyên can ông ấy ở nhà, nói xin thôi làm đi, nhưng ông ấy cứ nhất quyết đi, nói nếu ở nhà thì ông ấy sẽ ốm, đi mới khỏe”.

Suốt 12 năm qua, từ khi có ông Chi, cung đường sắt qua điểm giao ở xã Quỳnh Tân này trở nên an toàn. Điểm giao cắt này không có barie nên mỗi lần tàu đến là rất vất vả đối với một người già như ông. Nhưng nơi đây không có tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đứng nhìn cảnh người, xe đi qua đường tàu, chúng tôi hỏi đã có lần nào ông thông báo có tàu sắp qua mà người dân vẫn cố ý băng qua không?

Ông bảo nhiều lắm, nhất là lúc ông mới “trực” chốt gác. Có lúc căng đến nỗi ông phải dùng sức để giằng giữ xe máy lại họ mới chịu. Có lần mấy người chủ quan cố lách xe máy sau lưng ông để qua đường ray thì tàu lao qua trong tích tắc.

Ông kể, mới đây, một chị đi xe máy chở muối lên xã Quỳnh Tân bán. Khi tàu chuẩn bị tới, mặc cho ông thổi còi ra hiệu, chị này vẫn cố vượt qua đường sắt, chẳng may bị ngã xe. Rất may mọi người đỡ dậy kịp, kéo người và xe ra được nhưng bì muối thì bị tàu đâm tung tóe. Một lần khác, một thanh niên đi ôtô con đến thì tàu chuẩn bị qua. Ông thổi còi ra hiệu dừng lại nhưng anh này vẫn cố vượt qua.

Khi xe ôtô vừa qua khỏi thanh ray tầm 2-3m thì tàu lao tới. Ông đọc biển số xe và ghi nhớ. Khi anh này quay về, ông dừng xe mắng cho một trận. Ông tâm sự: “Sau mỗi việc xảy ra như thế bác thấy rất lo. Cứ như mình không hoàn thành nhiệm vụ vậy”.

Mới đây, ghi nhận những đóng góp và động viên ông Chi, ngành đường sắt đã hỗ trợ ông 1.000.000 đồng/tháng.

Ông Bùi Đăng Sáu - Trưởng ga Hoàng Mai (Nghệ An) cảm kích: “Nếu ở địa phương nào cũng có những người như ông Chi thì chắc chắn tai nạn đường ngang sẽ bị đẩy lùi, mỗi năm nhà nước tiết kiệm được hàng tỷ đồng và sẽ bớt đi những nỗi đau về tai nạn giao thông đường sắt...”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem