Lời nhận xét trên của dịch giả Thiên Lương - người phê phán bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường hồi năm ngoái - được diễn đạt khá mạnh, như thể “phủ nhận sạch trơn”, nhưng không phải là không có lý. Gần đây, các bản dịch Bên phía nhà Swann, Phố những cửa hiệu u tối, Emile hay là về giáo dục... tiếp tục được đưa ra mổ xẻ trên Facebook của các dịch giả như Thiên Lương và Phạm Nguyên Trường (người dịch nhiều kiệt tác), với những đoạn dịch bị cho là sai nghĩa, tối nghĩa so với bản gốc.
Nhà xuất bản không thể hành xử như hiệu phở
“Cả thập niên nay người Việt biết mình đang ăn phở đẫm hóa chất. Nhưng các nhà xuất bản không thể hành xử như các hiệu phở. Phở bẩn người ta vẫn phải ăn, nhưng sách bẩn sẽ bị tẩy chay ngay lập tức” - theo lời nhà văn Thuận, cũng là một dịch giả Pháp - Việt.
Về chất lượng dịch thuật kiệt tác ở Việt Nam, nhà văn Thuận, người hiện định cư ở Pháp, viết văn bằng tiếng Việt và là đồng dịch giả tiếng Pháp, cho rằng: “Chất lượng dịch thuật văn chương nói chung, chứ không phải chỉ kiệt tác mới đáng quan tâm. Nếu xem lại các tác phẩm trung bình đã được dịch, chắc cũng sẽ thấy nhiều lỗi không kém. Dẫu vậy, tôi biết vẫn tồn tại một số dịch giả nghiêm túc và có trình độ. Chỉ có điều những người như vậy thường không có nhu cầu phải gắn tên mình bên dưới một vĩ nhân nào cả”.
Nhà văn Thuận (trái) và dịch giả Đinh Bá Anh
Chẳng hạn, tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras, không nằm trong danh sách kiệt tác của thế giới, nhưng là một tác phẩm rất khó đọc trong nguyên bản, đã được dịch giả Lê Ngọc Mai chuyển sang tiếng Việt “một cách xuất sắc và hoàn hảo hơn sau mỗi lần tái bản”, theo nhà văn Thuận.
Đinh Bá Anh, dịch giả chuyên tiếng Đức, từng dịch Thư gửi bố của Franz Kafka, cho biết: “Tôi có đọc và đối chiếu các tác phẩm triết học và văn chương từ tiếng Đức do nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn và nhà văn Phạm Thị Hoài thực hiện. Đó là những bản dịch rất tuyệt vời, thể hiện tài năng, sự uyên bác, sự sáng tạo và sự nghiêm túc cao độ của các dịch giả. Thật may mắn cho một người đi sau như tôi khi có trên tay những bản dịch như vậy để tham khảo”.
Lỗi sai trong dịch thuật không phải chỉ đến thời này mới có. Các tranh cãi về “thảm họa dịch thuật” trong những năm qua không phải chỉ là những vụ việc đơn lẻ, vì nếu nhìn sâu hơn, chỉ ra lỗi sai trong dịch thuật chính là phản biện, và xa hơn là biểu hiện của tự do học thuật.
“Chưa kể là trong cuộc chạy đua với điện ảnh và Internet, ngay cả sách có chất lượng cao còn khó tìm người chia sẻ. Thế nên, nếu cứ tiếp tục vài tháng lại có một vụ dịch loạn như hiện nay thì không thể trách độc giả quay lưng lại với văn chương. Khả năng người Việt chỉ còn biết tới các tác phẩm nước ngoài qua các bài điểm sách là khả năng đáng buồn nhưng hoàn toàn có thể xảy ra”, nhà văn Thuận nói.
Khi thương hiệu bị “soi”
Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của các mạng xã hội, tinh thần phản biện của người Việt, ở mọi lĩnh vực, rõ ràng được nâng cao. Dịch thuật cũng theo dòng chảy đó. Trước đây, khi phát hiện ra lỗi dịch mà muốn đưa ra công luận, người ta phải viết một bài có đầu có đuôi, rồi phải gửi đến một tờ báo, rồi Ban biên tập báo phải trao đổi với dịch giả và hỏi ý kiến các nhà chuyên môn. Bây giờ, người ta chỉ cần đưa lên mạng xã hội và nhận phản hồi từ khắp nơi. Không còn nữa cảm giác đơn độc và phụ thuộc. Được ủng hộ cũng khiến người phản biện dũng cảm hơn.
Điều đó có tạo ra bước ngoặt trong chất lượng dịch thuật hay không? Theo nhà văn Thuận: “Tạo bước ngoặt cần nhiều yếu tố, nhưng tôi nghĩ rằng khi biết công việc của mình bị săm soi thì người dịch tự nhiên sẽ làm việc có trách nhiệm hơn, cẩn thận hơn”.
Hai dịch giả bị “săm soi” khá nhiều ở Việt Nam hiện nay là Dương Tường và Cao Việt Dũng, cũng là những người dịch rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng từ tiếng Anh và tiếng Pháp. Với Dương Tường là Lolita, Bên phía nhà Swann, Cái trống thiếc, Cuốn theo chiều gió, Anna Karenina...; còn với Cao Việt Dũng là Hạt cơ bản, Bản đồ và vùng đất cùng nhiều tác phẩm của Milan Kundera. Mặc dù vậy, Đinh Bá Anh cho đây là vẫn là hai dịch giả quan trọng.
“Thật khó hình dung nếu không có hai dịch giả này thì bức tranh dịch thuật của Việt Nam trong những thập niên trước và nhất là trong 10 năm gần đây sẽ như thế nào” - anh nói. Đinh Bá Anh cho rằng, tầm vóc của hai dịch giả này được thể hiện trước hết bởi khả năng bao quát, cập nhật sự phát triển của văn học quốc tế, đặc biệt là văn học Pháp ngữ, và khả năng lựa chọn dịch, giới thiệu tới công chúng Việt Nam. Cả hai đều là những người có kiến thức sâu rộng về văn học và đời sống văn học của Pháp lẫn Việt Nam.
Nghĩa là, để đánh giá đóng góp của một dịch giả, ngoài những bản dịch cụ thể, còn phải nhìn nhận sự nghiệp dịch thuật của họ theo chiều dài. “Cả Dương Tường và Cao Việt Dũng, bằng những cách riêng, đều xây dựng được cái mà ta gọi là phong cách, thương hiệu, trường ảnh hưởng, đó là những điều ít thấy ở các dịch giả thiếu chuyên nghiệp” - theo Đinh Bá Anh. Nhưng một dịch giả nên nắm rõ khả năng của chính mình và đóng góp trong phạm vi đó. Nhà văn Thuận nhận định: “Nói cho cùng, nên biết trả lời không. Nếu công việc đó vượt quá khả năng thì có ai bắt mình cũng không gật đầu”.
“Đa số các lỗi dịch cụ thể đã được Hà Thúc Lang và Thiên Lương chỉ ra, lẽ ra đã có thể khắc phục nếu các dịch giả không quá cô độc trong công việc, khi mà họ có người giúp đọc đối chiếu hoặc hiệu đính. Ta phải hình dung dịch giả mệt mỏi và căng thẳng như thế nào khi phải bơi trong những bản dịch mênh mông tới cả nghìn trang. Ở điểm này tôi rất thông cảm và buồn lòng vì hoàn cảnh eo hẹp của các đơn vị xuất bản ở Việt Nam. Có một khía cạnh tiêu cực, nhất là ở dịch giả Thiên Lương, khi tạo ra một khí quyển phê bình cục cằn, thiên về xúc phạm và lăng mạ, phá vỡ các chuẩn mực về sự điềm đạm và tao nhã cần có trong tranh luận”, dịch giả Đinh Bá Anh thẳng thắn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.