Nguy cơ bê tông hóa nhà mồ Cơ Tu

Nguyễn Văn Sơn (Bảo tàng tỉnh Quảng Nam) Thứ năm, ngày 18/09/2014 08:00 AM (GMT+7)
Nhà mồ và quan tài là một trong những công trình kiến trúc mang tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Cơ Tu hướng về ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, nét văn hóa độc đáo ấy đang dần mai một và có nguy cơ bê tông hóa…
Bình luận 0

Nét văn hóa độc đáo

Ngồi trò chuyện với già làng Y Kông(85 tuổi), dân tộc Cơ Tu hiện ở tại thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang(Quảng Nam), ông vẫn còn nhớ như in kiến trúc nguyên thủy của ngôi nhà mồ truyền thống của dân tộc Cơ Tu thường có mái hồi tròn, quan tài có mặt cắt hình tròn hay hình bầu dục. Theo thời gian, kiến trúc này có sự thay đổi với mái hình vuông hoặc chữ nhật có 4 - 6 cột. Một số nhà mồ của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam thuộc 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang hiện vẫn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán có từ xa xưa, nổi bật nhất hội họa và nghệ thuật điêu khắc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi làng, mỗi vùng và dựa vào thân phận, dấu ấn nổi bật của họ lúc còn sống để các nghệ nhân tạo nên sự đa dạng của nhà mồ.

Mô típ truyền thống của nhà mồ Cơ Tu gồm các hình ảnh như chim bồ cành, trâu, khỉ, trăn, rắn, kỳ đà đến tượng phụ nữ Cơ Tu bồng con hoặc dệt vải, tượng đàn ông Cơ Tu vừa hút thuốc vừa đánh chiêng, đánh trống hoặc múa tung tung... Với các dụng cụ gồm rìu, rựa và đục, tượng trang trí được tạo ra bằng kỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Những bức tượng này mang ý nghĩa bày tỏ sự chia sẻ, tiễn đưa của người sống đối với người chết qua các hình thức vui chơi, sinh hoạt cộng đồng hoặc các điêu khắc, hình vẽ thể hiện đặc điểm nổi bật lúc sinh thời của họ.

Theo quan niệm của người Cơ Tu, nhà mồ, quan tài và tượng điêu khắc gỗ nhà mồ không chỉ phản ánh những khía cạnh về đời sống - xã hội, tín ngưỡng dân gian cổ truyền của đồng bào mà còn mang dấu ấn nghệ thuật riêng biệt. Để trang trí cho nhà mồ phải chọn những cây gỗ tốt, đẽo lấy phần lõi của cây để làm tượng. Màu sắc cũng được tạo nên từ chất liệu thiên nhiên như màu vàng từ nhựa cây bứa; thân cây và củ nâu là nguyên liệu để chế ra 2 màu đỏ, đen; màu xanh dương được làm từ cây tàrâm… Để đạt được những yêu cầu đó, nghệ nhân Cơ Tu phải có kinh nghiệm cùng đôi bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ nhất định. Các nước màu này đòi hỏi người dùng tốn kém thời gian công sức, lại không thể để lâu.

Biến tướng

Dọc trên cung đường Hồ Chí Minh từ xã A Vương dẫn về huyện Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi bắt gặp rất nhiều nhà mồ mới của người Cơ Tu tại các thôn Xà Ơi 1, Xà Ơi 2, Áp Lố và thôn Aréc… Nhà mồ mới này vẫn có hai mái lợp bằng tôn, đầu quan tài với hình tượng đầu trâu, các chạm khắc hình cá sấu, kỳ đà cùng hoa văn hình học phổ biến. Trong đó, nét khác biệt là thanh xà nóc bằng gỗ chạm khắc hai đầu trên mái với hình đầu trâu. Không ít nhà mồ bị hư hỏng được làm mới bằng bê tông cốt thép rất kiên cố với nhiều dáng vẻ và màu sắc khác nhau. Các chi tiết điêu khắc được thay thế bằng kỹ thuật đắp nổi, tô vẽ bằng sơn và xi măng. Điều này đã làm mất đi nét văn hóa bản địa độc đáo về nhà mồ và quan tài của người Cơ Tu.

Đem chuyện một số nhà mồ mới mà chúng tôi đã chụp tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) cho già làng Y Kông xem và ông cho rằng: Nguồn cung cấp nguyên liệu từ rừng đang ngày càng cạn kiệt, dẫn đến việc lựa chọn những cây gỗ tốt để đẽo cột tượng nhà mồ như trước đây của đồng bào gần như không còn nữa. Đặc biệt là những nghệ nhân biết đẽo tượng làm nhà mồ ngày càng ít, việc truyền dạy nghề trong cộng đồng cũng chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đó lớp trẻ Cơ Tu lại không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống này.

Về tín ngưỡng của người Cơ Tu, khi trong gia đình có người chết nếu muốn làm nhà mồ, quan tài và tượng gỗ thì gia đình đó phải cúng tế bằng một con trâu, con bò thì mới được phép thực hiện nên tục lệ này cũng gây tốn kém.

Từ sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược, chất liệu xi măng, cốt thép để xây dựng một ngôi nhà mồ (thay thế cho ngôi nhà mồ bằng gỗ truyền thống trước đây) được sử dụng nhiều hơn vì vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm được kinh tế cho gia đình. Vì thế việc tìm gỗ làm nhà mồ, quan tài và điêu khắc tượng cũng dần mất đi trong đại bộ phận người dân Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam.

Để bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu một cách hữu hiệu, trước hết phải thực hiện từ ngay trong đời sống của đồng bào Cơ Tu, để từ đó họ hiểu được tầm quan trọng của nó trong tiến trình phát triển văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Giá trị nguyên mẫu của nhà mồ, quan tài và tượng gỗ cần được lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy nghề đối với người Cơ Tu nơi vùng cao Quảng Nam.

img

img
Quan tài dạng thuyền độc mộc của người Cơ Tu vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam)


img

Già làng Y Kông giới thiệu chiếc quan tài dạng thuyền độc mộc với nhiều họa tiết điêu khắc độc đáo do chính tay thực hiện để làm quà riêng cho mình khi mất đi.

img

img

Nhà mồ và mái khắc hình ảnh con trâu theo kiểu truyền thống của người Cơ Tu tại thôn Pa Liêng, xã A Ting, huyện Đông Giang (Quảng Nam).

img

Nhà mồ được khôi phục tại Làng truyền thống Tây Giang (Quảng Nam)

img

Dạng nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu vùng thấp thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam) phục chế đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam

img

Nhà mồ mới lợp tôn còn thanh xà nóc mái bằng gỗ có chạm khắc hai đầu trâu.

img

img

img

img

img

img

Một số dạng nhà mồ mới của người Cơ Tu với mái tôn, trụ, nền áp gạch men... dọc cung đường Hồ Chí Minh tại xã AVương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem