Nhà cung cấp thiết bị bay và phân bón hữu cơ "bắt tay" nhau giúp nông dân trồng lúa
Nhà cung cấp thiết bị bay và phân bón "bắt tay" nhau giúp nông dân trồng lúa
Quang Sung
Thứ sáu, ngày 26/05/2023 18:26 PM (GMT+7)
Những doanh nghiệp về phân bón, thiết bị bay nông nghiệp đang tìm nhiều cách hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng công nghệ - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm đem lại lợi nhuận cho người nông dân.
Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới nhằm tăng lợi nhuận trong canh tác lúa
Vừa qua, Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II - thương hiệu 2 Phong và Công ty XAG MEKONG đã có buổi ký kết về thỏa thuận hợp tác “Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới nhằm tăng lợi nhuận trong canh tác lúa” tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Được biết, đây là hoạt động hợp tác giữa một nhà cung cấp phân bón công nghệ cao với một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ máy bay không người lái cho nông nghiệp. Thông qua hợp tác này, cả hai doanh nghiệp mong muốn giúp nông dân tối ưu hóa chi phí trong canh tác lúa. Đồng thời tăng hiệu quả, năng suất của cây lúa và quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe của người dân.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Quốc Phong - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II - thương hiệu 2 Phong cho biết, hoạt động ký kết lần này nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất lúa. Qua đó, khuyến khích người nông dân sử dụng máy bay không người lái trong việc bón phân, nhằm giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất.
“Hoạt động sử dụng máy bay nông nghiệp trong bón phân đã được tôi dự định, ấp ủ từ lâu. Tôi mong muốn đưa những tiến bộ khoa học - công nghệ mới nhất đến với nông dân. Bà con nông dân bón phân bằng tay sẽ tốn kém rất lớn về vật chất và về lâu dài là sức khỏe. Do đó, chúng tôi đã nghiên cứu ra những sản phẩm phân bón hữu cơ công nghệ cao, phù hợp để bón bằng máy bay nông nghiệp. Điều này giúp bà con tối ưu hoá hiệu quả sản xuất”, ông Phong cho biết.
Máy bay nông nghiệp, phân bón công nghệ cao đang giúp bà con nông dân
Hiện nay, tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, hoạt động ứng dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp đã dẫn trở nên phổ biến. Người nông dân thường dùng máy bay để bón phân, phun thuốc và gieo sạ.
Ông Nguyễn Hữu Quý - chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp và cung cấp dịch vụ máy bay nông nghiệp tại huyện Tam Nông cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, việc sử dụng máy bay trong canh tác được áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện.
“Hầu hết nông dân ở huyện đã chuyển qua sử dụng máy bay trong bón phân, xịt thuốc và gieo sạ. Giá dịch vụ máy bay chỉ có 12.000 đồng/1.000 m2 . Trong khi đó, cùng diện tích nếu thuê người thì chi phí lên đến 15.000 - 16.000 đồng. Dùng máy bay nông nghiệp có ưu điểm là nhanh và nhẹ chi phí. Đặc biệt trong tình huống phun thuốc trị sâu bệnh, tính cơ động của máy bay phát huy hiệu quả cao”, ông Quý chia sẻ.
Tuy nhiên, để sử dụng máy bay nông nghiệp bón phân hiệu quả, còn phụ thuộc vào loại phân được sử dụng. Trước kia người nông dân thường dùng phân bón 3 màu (đạm, lân và kali - mỗi hạt một màu) để bón. Nhược điểm của loại này là mỗi hạt phân có một trọng lượng khác nhau, do đó khi bón bằng máy bay nông nghiệp sẽ không đều.
Để khắc phục tình trạng này, Công ty phân bón Bình Điền II - thương hiệu 2 Phong đã nghiên cứu, đưa ba hoạt chất đạm, lân và kali vào một hạt phân, với tên gọi phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới, công nghệ Eco-Nanomix. Đặc trưng của loại phân này là trọng lượng mỗi hạt là như nhau, rất phù hợp để rải bằng máy bay không người lái.
Nông dân Nguyễn Văn Giang - ngụ tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước kia mình rải phân 3 màu thì khó đều, cây lúa nào nó nằm ngay hạt kali thì nó “ăn” kali không, không đầy đủ chất. Bây giờ công nghệ cao, họ đưa đạm, lân, kali và vi lượng vô một hạt, nên cây lúa chỉ cần nằm ngay hạt đó là nó hấp thụ đầy đủ chất, nó hay hơn, hiệu quả hơn”.
Thời gian tới, hoạt động sử dụng máy bay nông nghiệp trong canh tác lúa dự kiến sẽ phát triển rộng rãi hơn tại các tỉnh thuộc ĐBSCL. Đặc biệt là khi các nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho ra thị trường các sản phẩm chuyên dụng cho máy bay nông nghiệp. Đây là nỗ lực nhằm giảm chi phí cho người nông dân trong canh tác lúa, giảm lượng phân bón, bảo vệ sức khỏe người nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.