Nhìn những chiếc rổ tre, trong trí não tôi hiện lên cảnh cụ ông với đôi tay lành nghề, những thanh tre khô cứng chốc lát trở thành món đồ gia dụng trong chái bếp.
Mớ rau nhãn lồng “khép nép” nằm trong rổ, cảnh cụ bà lum khum lúm khúm hái mớ rau ở bờ rào, bờ kinh. À hén, chắt chiu, vén khéo vốn đức tính người phụ nữ mà!
Nhãn lồng e ấp và chở che những bông hoa tim tím, những quả non xanh.
Tôi ghé ngang chỗ cụ bà mua mớ rau. Chị gái tay lựa lọn rau muống nói: “rau muống gieo luống nấu canh chua không có độ giòn giòn, bà hén”.
Lần nào đi trễ một tí là hết sạch những thứ trong rổ. Bà mấp mém môi, “rau dại mà con”. Câu nói gãy gọn làm tôi suy ngẫm.
Rau dại ăn để nhớ cái thời còn dại chưa kịp khôn hay rau dại là rau sạch, rau lành. Nói tránh những từ không muốn xuất hiện trong thực phẩm vì nhắc đến làm mâm cơm mất ngon.
Ái ngại với những món ăn khô không khốc chẳng chứa đựng chút tình, món ăn ấy với những thức nông nghiệp lại thêm “chút chút công nghiệp không lành”.
Cái “chút chút ấy” vậy mà có tác dụng ghê gớm à nghen. Ảnh hưởng cả thế hệ con em chứ chơi đâu. Vậy mà…
Tôi nghĩ thiển cận trong thiển cận của cái nghĩ ít người. Là chuyện “xứ trái”, “xứ rau” và “xứ chợ”. Xứ trái bảo với xứ rau: “em hái bên này này, bên ấy anh vừa xịt thuốc”?
Anh xứ trái qua em xứ rau: “lúc anh về em ra cắt cho, chứ rau này “để bán”!” Còn ra anh xứ chợ: “Mớ này vú ép, về nhà má lấy cho ăn”… Nghe mà đau lòng, rát dạ… Lợi ích trước mắt làm lòng người lung lạc?! Rỉa rói, giờ quay lại có muộn mằn chi.
Tôi mua mớ nhãn lồng trong rổ bà cụ. Cái nắng chao chát ăn tô canh nhãn lồng giải nhiệt còn chi bằng. Mớ rau nhãn lồng đưa tôi về những ngày trưa hè ở quê. Tôi cùng anh ra vườn tìm hái những trái nhãn lồng chín để thưởng thức. Quả nhãn lồng chín mang vị chua chua lẫn trong vị ngọt thanh.
Và nhãn lồng tặng mùi hương dìu dịu khi mỗi lần chạm tay hái. Còn những đọt và lá non mang về để mẹ nấu canh với tép rong hay luộc chấm nước cá kho. À hén, tép rong giờ hiếm lắm, “thòm thèm” chẳng có đâu để ăn. Tự trấn cơn thèm thuồng món ăn ngày khó.
Người ta tìm về với món ăn nghèo khó là để giải thoát tâm hồn trong lung lao của cuộc sống bộn bề, tìm về chốn bình yên nơi có hơi ấm những người phụ nữ chân quê như bà nội, bà ngoại, mẹ và những chị gái quê một đời vất vả.
Thương và thầm khen, sao những bàn tay bà nội trợ lại khéo đến thế luôn tặng gia đình những món ăn ngon dù chỉ rau dại và đôi tay ấy lại mang hơi ấm nồng đến người thân yêu.
Miên man nghĩ, đời những cô gái quê chẳng khác chi đời nhãn lồng. Sống nơi thôn dã, có cả lòng bao dung với những chiếc lá non xanh, những đọt non mềm đang đong đưa tặng đời những món canh ngọt ngào mang hương vị đồng quê như canh nhãn lồng, nhãn lồng luộc, nhãn lồng hấp cơm…
Nhãn lồng lúc như những cô gái thanh thuần duyên dáng một màu xanh đồng bãi, lúc như những cô vợ mộc mạc chăm lo từng bữa cơm cho gia đình trong lúc khó nghèo.
Rồi lại miên man trong khó nghèo. “Khó nghèo” là “đôi chữ tình” không bao giờ rời nhau, không bao giờ tách lìa nhau ra?
Chúng quyến luyến, chung tình. Không một ai muốn cho chúng nương nhờ vì người ta sợ “khổ”. Nhưng sống trong khổ mới biết được ai chung tình.
Và tình nghèo, thời khó luôn là kỷ niệm mà không bao giờ quên được… vì đâu ai nghèo hoài và khổ hoài. À hén, bĩ cực thái lai mà!
Nhãn lồng để lồ lộ lòng thương yêu của mình qua những chiếc lá hình trái tim. Nhãn lồng dùng những chiếc lá ấy để bắt những con côn trùng nào gây hại đến những bông hoa, những quả non xanh.
Nhãn lồng thương những bông hoa tim tím, yêu những quả non xanh, xem chúng như báo vật, nuôi dưỡng và e ấp bao trùm lấy chúng không để bị bất cứ một tổn thương nào.
Khi trái chín vàng cam vẫn được e ấp và chở che. Chắc thế nhãn lồng còn được dân gian gọi với tên “chùm bao”. Cuộc đời những người mẹ khác chi đời nhãn lồng. Cả cuộc đời vất vả không nghĩ cho riêng mình.
Ngoài ra, nhãn lồng còn là vị thuốc quý, an thần giúp những cụ già giấc ngủ êm sâu. Vậy nên, nhãn lồng lại là nàng dâu thảo.
“Nhãn lồng ơi nhãn lồng…” Tôi luôn giữ một niềm tin miên viễn vào sự thanh khiết của một loài rau dại.
Mai Kha (Báo Vĩnh Long)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.